Công an tỉnh Lào Cai phối hợp chữa cháy rừng và điều tra nguyên nhân vụ cháy

Đến chiều 22/2, đám cháy tại khu vực Vườn Quốc Gia Hoàng Liên, thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai đã được khống chế. Cùng với các lực lượng, Công an tỉnh Lào Cai đã huy động hàng trăm lượt CBCS thực hiện việc PCCC. Đây là điểm cháy thứ 5 và là ngày thứ 4 liên tiếp diễn ra tình trạng cháy rừng tại Vườn Quốc Gia Hoàng Liên đã được khống chế.

Để đảm bảo ngọn lửa không bùng phát trở lại, hiện các lực lượng, trong đó có Công an tỉnh Lào Cai vẫn tiếp tục duy trì quân số tại các điểm xảy ra cháy rừng, tiến hành rà soát kỹ từng gốc cây, thảm thực bì để xử lý dứt điểm tàn tro…

Xuyên đêm chữa cháy rừng

“Đến thời điểm này, đám cháy cháy lớn tại khu vực Vườn Quốc gia Hoàng Liên bùng phát vào chiều 21/2 đã được khống chế…” sau hàng chục cuộc gọi, tôi cũng liên lạc được với Đại tá Hoàng Mạnh Hùng, Phó Giám đốc Công an tỉnh Lào Cai, lúc này là 17h30 ngày 22/2.

Công an tỉnh Lào Cai phối hợp với các lực lượng tham gia chữa cháy.

Trong tiếng gió thổi ào ào rồi tiếng người nói xôn xao, giọng của đồng chí Phó Giám đốc Công an tỉnh Lào Cai lạc hẳn đi nhưng tôi vẫn cảm nhận được quyết tâm, sự nỗ lực của CBCS qua lời chia sẻ của anh. Đến thời điểm này, đám cháy cơ bản được khống chế nhưng hơn cả là CBCS thuộc Công an tỉnh Lào Cai và các lực lượng tham gia chữa cháy đều đảm bảo an toàn. Đây cũng là điều các thành viên trong Ban Giám đốc Công an tỉnh Lào Cai đặt ra cho CBCS của Công an tỉnh Lào Cai phối hợp với các lực lượng khác tham gia PCCC rừng.

Những bữa ăn và giây phút nghỉ ngơi hiếm hoi của cán bộ Công an tỉnh Lào Cai và các lực lượng tham gia chữa cháy.

“Cháy rừng rất nguy hiểm, không thể lường trước được các tình huống sẽ xảy ra, chỉ cần sơ sểnh có thể nguy hiểm đến sức khỏe của cán bộ làm nhiệm vụ...” Đại tá Hoàng Mạnh Hùng, Phó Giám đốc Công an tỉnh Lào Cai nói với tôi, ngay khi về đến trụ sở. Cùng thời điểm này, trước khoảng sân rộng của Công an thị xã Sa Pa, các cán bộ tham gia từ những ngày đầu thực hiện nhiệm vụ chữa cháy cũng trở về.

Sau 4 ngày không tắm giặt và những đêm không ngủ, gương mặt ai cũng hốc hác, quần áo lấm lem. Thiếu tá Giàng Hải Nam, Trưởng Công an xã Tả Van, Công an thị xã Sa Pa và Thiếu tá Phạm Văn Tứ, Đội trưởng Đội Cảnh sát PCCC và CNCH Công an thị xã Sa Pa hóm hỉnh nói với chúng tôi: Nếu nhà báo đứng cạnh thì có đủ thứ mùi trên người, mùi khét của khói và cả mùi mặn mòi của quần áo…

Khi đám cháy rừng bùng phát, họ là một trong những cán bộ Công an đầu tiên thực hiện nhiệm vụ cùng các lực lượng phối hợp và ở lại đó đến nay.

Địa hình khu vực xảy ra đám cháy hiểm trở nên xe máy chỉ đi được đến gần hiện trường, sau đó các lực lượng PCCC trong đó có Công an phải cuốc bộ khoảng 2- 3 giờ đồng hồ mới vào đến hiện trường. Những ngày này, nắng nóng và gió to nên công tác dập lửa gặp nhiều khó khăn.

Hành quân chữa cháy rừng.

Trong hỏa hoạn và hiểm nguy, chính tình người ở nơi đây, sự động viên kịp thời của Ban Giám đốc Công an tỉnh Lào Cai đã giúp cán bộ Công an cùng các lực lượng tham gia phòng cháy, chữa cháy tiếp thêm động lực để thực hiện nhiệm vụ được giao.

“Khi sự việc xảy ra, mặc dù Công an tỉnh đã có lực lượng hậu cần nhưng người dân ở trong các bản, làng dù đời sống vẫn còn nhiều khó khăn, vẫn cộng đồng trách nhiệm. Những bữa cơm trưa thường vào lúc 2-3h chiều; bữa tối vào lúc nửa đêm nhưng như tiếp thêm nghị lực cho chúng tôi”- Phó Giám đốc Công an tỉnh Lào Cai cho biết.

Ban ngày, cái nắng chói chang ở trên đầu và những cơn gió to, đêm đến là cái lạnh kéo đến, đó là những khó khăn cho lực lượng tham gia PCCC phải đối mặt. Song hơn cả việc đoán được hướng của gió để từ đó lựa chọn phương án chữa cháy tối ưu. Sau 4 ngày ở địa bàn, đôi bàn tay của các cán bộ thực hiện nhiệm vụ đều sạm đen bởi than, củi; đôi môi khô khốc, nứt nẻ vì nắng và nóng… Ban ngày là vậy, tối đến anh em chỉ dám chợp mắt một lúc lại thay phiên nhau làm nhiệm vụ. Người nào may mắn có chiếc túi ngủ, trường hợp khác thì tìm một bụi cây để ngả tạm lưng. Đêm xuống, Sa Pa nhiệt độ xuống rất nhanh, cái rét nhanh chóng bủa vây nhưng không ai dám đốt lửa bởi rừng đang âm ỉ.

Có mặt tại thực địa mới thấy sự nguy hiểm và tàn khốc của cháy rừng. Diện tích đám cháy lớn, khu vực xảy ra đám cháy phải vượt từ cánh rừng này sang cánh rừng kia, việc di chuyển của các lực lượng gặp không ít gian khó. Song với quyết tâm cao, cùng với các lực lượng của toàn tỉnh, hàng trăm CBCS của Công an tỉnh Lào Cai đã chia làm các mũi, phối hợp với các lực lượng làm nhiệm vụ-

Nỗ lực dập tắt đám cháy

Trước đó, vào hồi 13h40' ngày 19/2, Công an thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai nhận được tin báo của UBND xã Tả Van và Vườn Quốc gia Hoàng Liên về việc xảy ra vụ cháy tại khu vực Tiểu khu 286 và 292a thuộc thôn Séo Mý Tỷ, xã Tả Van, thị xã Sa Pa cách Trạm Kiểm lâm Séo Mý Tỷ, xã Tả Van, thị xã Sa Pa khoảng 5 km.

Đám cháy xảy ra tại 4 điểm thuộc Tiểu khu 280 và 292a, khu vực cháy trên núi cao, địa hình chia cắt, hiểm trở, độ cao khoảng 1.900 mét so với mực nước biển, lớp thực bì dày (do nhiều cây cỏ, lau lách bị chết sau đợt rét đậm trước Tết Nguyên đán 2024), gió thổi mạnh và đổi hướng liên tục gây rất nhiều khó khăn cho công tác tiếp cận hiện trường và tổ chức chữa cháy. Trong khi đó, từ vị trí tập kết được phương tiện xe máy di chuyển đến nơi cháy trên 2 giờ đồng hồ…

Các lực lượng họp bàn phương án chữa cháy rừng.

Ngay sau khi tiếp nhận thông tin, Đại tá Cao Minh Huyền, Giám đốc Công an tỉnh Lào Cai đã chỉ đạo Công an thị xã Sa Pa huy động tối đa CBCS Công an thị xã và Công an cấp xã tiếp cận khu vực, điểm xảy ra cháy phối hợp với các lực lượng tại chỗ tiến hành chữa cháy. Đồng thời, đồng chí Giám đốc Công an tỉnh phân công Đại tá Hoàng Mạnh Hùng, Phó Giám đốc Công an tỉnh phụ trách trực tiếp có mặt tại hiện trường để chỉ đạo, huy động tăng cường tối đa CBCS, gồm: Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH, Phòng Cảnh sát cơ động, Phòng Hậu cần và Công an TP Lào Cai cùng phương tiện, trang thiết bị chữa cháy và thông tin liên lạc khẩn trương phối hợp với lực lượng Quân đội, kiểm lâm, lực lượng cơ sở và nhân dân tham gia chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn. Chỉ đạo Cơ quan CSĐT Công an tỉnh thực hiện ngay công tác khám nghiệm hiện trường và tổ chức điều tra, xác minh làm rõ nguyên nhân vụ cháy.

Hiện trường vụ cháy rừng.

Đồng chí Giám đốc Công an tỉnh đã trực tiếp báo cáo đồng chí Bí thư Tỉnh ủy chỉ đạo tổ chức họp và thành lập Sở Chỉ huy tiền phương đặt tại UBND xã Tả Van do đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng Ban chỉ huy; tham mưu Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo các cấp, ngành huy động lực lượng, phương tiện tham gia chữa cháy; đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh và đồng chí Phó Giám đốc Công an tỉnh đã trực tiếp có mặt tại hiện trường để chỉ huy và điều động khoảng 900 người (trong đó lực lượng Công an hơn 100 đồng chí trực tiếp tham gia chữa cháy), cùng phương tiện tổ chức chữa cháy với quyết tâm cao nhất, khoanh vùng, dập tắt đám cháy.

Từ chiều ngày 19/2, toàn bộ lực lượng trực tiếp tham gia chữa cháy thực hiện nhiệm vụ liên tục, thức xuyên đêm để chữa cháy. Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo Công an tỉnh có mặt 24/24h tại hiện trường và Sở Chỉ huy để chỉ đạo, động viên lực lượng tham gia chữa cháy.

Sáng ngày 21/2, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đã tổ chức họp nhanh với đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh, lãnh đạo Cục Cảnh sát PCCC & CNCH Bộ Công an, lãnh đạo Cục Kiểm Lâm - Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn lãnh đạo Công an tỉnh, lãnh đạo thị xã Sa Pa và các sở, ngành liên quan để thống nhất phương án khẩn trương dập tắt hoàn toàn đám cháy.

Với sự quyết tâm, quyết liệt trong tham mưu, chỉ đạo của Công an tỉnh, cùng với sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền, các ngành chức năng và nhân dân, đến 7h30 phút ngày 21/2 (sau gần 40 giờ chữa cháy), tất cả các điểm cháy đã được kiểm soát, khống chế; đến 11h cùng ngày, các lực lượng tham gia chữa cháy đã khống chế, dập tắt hoàn toàn đám cháy và đang tiếp tục xử lý triệt để các gốc cây còn cháy âm ỉ.

Về thiệt hại: Theo thống kê sơ bộ diện tích đám cháy khoảng 30ha. Trong đó, có 4ha rừng trồng thay thế; còn lại 26ha là rừng không có trữ lượng, rừng nghèo, cỏ tranh, lau lách và thảm thực bì).

Trong khi đám cháy trên vừa được khống chế thì vào lúc 16h30 phút ngày 21/2, một đám cháy tiếp tục bùng phát theo hướng thôn Dền Thàng (xã Tả Van, thị xã Sa Pa) về phía tỉnh Lai Châu, cách điểm cháy xảy ra ngày 19/2 khoảng 500 m (thuộc khu vực Vườn Quốc gia Hoàng Liên). Sau khi phát hiện đám cháy mới, toàn bộ lực lượng tham gia chữa cháy trước đó bao gồm: Kiểm lâm, Công an, dân phòng, người dân địa phương và 200 người được tăng cường thêm đã tiếp cận đám cháy.

Đám cháy bùng phát mới được đánh giá lớn hơn các đám cháy trước. Toàn bộ lớp thực bì dày, gió to, địa hình hiểm trở nên công tác chỉ đạo chữa cháy gặp nhiều khó khăn.

Lực lượng chữa cháy đã sử dụng fly cam để xác định vị trí, khoanh vùng đám cháy, phân công các mũi để lên phương án xử lý. Cùng với các lực lượng Công an tỉnh Lào Cai đã tích cực tham gia. Đến 11h30 ngày 22/2, toàn bộ các điểm cháy rừng trên địa bàn đã cơ bản được khống chế; lực lượng chức năng tiếp tục dùng phương pháp thủ công tạo đường băng và phát cây để ngăn cháy lan. Nhiều điểm đã dập tắt hoàn toàn được lửa và không có khói. Vụ cháy rừng này đã gây thiệt hại hơn 31 ha rừng.

Theo Đại tá Cao Minh Huyền, Giám đốc Công an tỉnh Lào Cai, hiện nay Công an tỉnh Lào Cai đang tham mưu tiếp tục bố trí đủ lực lượng, phương tiện xử lý triệt để đốm tán, gốc cây còn cháy âm ỉ, ngăn ngừa nguy cơ bùng cháy trở lại; duy trì các Tổ công tác tại hiện trường, kiểm tra các điểm cháy đến khi đảm bảo không còn nguy cơ cháy. Đồng thời, chỉ đạo Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Lào Cai tổ chức khám nghiệm hiện trường và tiến hành xác minh, điều tra làm rõ nguyên nhân vụ cháy, xác định thiệt hại để xử lý theo quy định. Bên cạnh đó, chỉ đạo tổng rà soát, đánh giá nguy cơ cháy rừng trên địa bàn tỉnh để tham mưu cấp ủy, chính quyền và phối hợp các ngành chức năng triển khai các biện pháp phòng ngừa, không để xảy ra cháy rừng, đặc biệt trong điều kiện thời tiết hanh khô.

Xuân Mai

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/doi-song/cong-an-tinh-lao-cai-phoi-hop-chua-chay-rung-va-dieu-tra-nguyen-nhan-vu-chay-i723332/