Công an TP Thủ Đức cảnh báo về tội phạm mua bán người

Tình trạng mua bán người diễn biến phức tạp, người dân trên địa bàn TP Thủ Đức khi phát hiện hãy tố giác ngay đến công an gần nhất hoặc Đội Cảnh sát hình sự Công an TP Thủ Đức qua SĐT: 028.38.966.109

Công an TP Thủ Đức, TP.HCM vừa đưa ra cảnh báo về các phương thức, thủ đoạn và biện pháp phòng ngừa đối với tội phạm mua bán người, loại tội phạm đang diễn biến phức tạp trong thời gian qua.

Theo công an, hiện nay tình trạng mua bán người xảy ra phổ biến ở các địa bàn như khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, vùng đồng bào dân tộc ít người.

Công an cũng cho biết khu vực hoạt động của tội phạm này là các tuyến biên giới trên đất liền giữa Việt Nam với Trung Quốc, Campuchia, Lào… và hoạt động trên các lĩnh vực như: Cho nhận con nuôi, kết hôn có yếu tố nước ngoài, đẻ thuê, cho và hiến tạng, xuất khẩu lao động, di cư (hợp pháp hoặc bất hợp pháp) ra nước ngoài lao động làm thuê, du lịch, chữa bệnh, thăm thân nhân.

Cảnh sát Campuchia bắt nghi phạm buôn người trong chiến dịch truy quét ngày 26-8 - Ảnh: KHMER TIMES

Cảnh sát Campuchia bắt nghi phạm buôn người trong chiến dịch truy quét ngày 26-8 - Ảnh: KHMER TIMES

Công an nêu rõ, thủ đoạn của tội phạm là lợi dụng triệt để sự thiếu hiểu biết, hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn của nạn nhân và thông qua các trang mạng xã hội tiếp cận nạn nhân.

Sáng 8-5-2019, Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk đã mở phiên tòa xét xử vụ án hình sự về tội mua bán người và tuyên phạt 24 năm tù đối với hai bị cáo Nguyễn Văn Đông (29 tuổi) và Lê Xuân Dũng (26 tuổi), cùng trú tại xã Đắk R’la, huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông.

Từ đó, tội phạm sẽ giả yêu đương, kết bạn làm quen dẫn qua biên giới tham quan du lịch hay hứa hẹn tìm việc nhẹ, lương cao để dẫn dụ qua bên kia biên giới làm việc.

Đặc biệt, tội phạm này còn giả công an, bộ đội biên phòng để tạo niềm tin rồi lừa qua bên kia biên giới.

Ngoài ra, tội phạm còn thiết lập các trang mạng làm thủ tục cho nhận con nuôi, tìm phụ nữ mang thai và đưa ra nước ngoài sinh con để bán trẻ sơ sinh. Đồng thời tội phạm cũng sử dụng thủ đoạn bắt cóc phụ nữ, trẻ em đưa ra nước ngoài bán.

Theo Công an TP Thủ Đức, khi các nạn nhân bị đưa ra nước ngoài, nạn nhân muốn về Việt Nam thì phải đưa tiền chuộc hoặc tiền phạt thì mới được đưa hộ chiếu cho về.

Ngoài ra, các nạn nhân cũng bị lấy nội tạng để mua bán, bị cưỡng bức lao động, bị ép buộc bán dâm và làm nô lệ tình dục, bị bán làm vợ trái ý muốn với mục đích đẻ thuê và bị đánh đập, hành hạ thể xác, tinh thần…

Từ các thực trạng trên, Công an TP Thủ Đức yêu cầu người dân phải nâng cao tinh thần cảnh giác, tự bảo vệ mình và người thân trước thủ đoạn mua bán người. Đồng thời, tích cực tuyên truyền để mọi người cùng cảnh giác, tham gia đấu tranh và tố giác tội phạm này.

Công an cũng lưu ý, các hành vi liên quan mua bán người đều bị xử lý nghiêm theo pháp luật, có thể bị phạt tù đến 20 năm. Riêng việc xuất nhập cảnh trái phép cũng có thể bị phạt tù đến 3 năm.

Campuchia bắt nhiều nghi phạm buôn người

Trong cao điểm của đợt truy quét tội phạm buôn người tại Preah Sihanouk (Campuchia) từ ngày 23-8 do Phó thủ tướng Sar Kheng phụ trách, cảnh sát Campuchia đã bắt giữ nhiều tội phạm buôn người.

Theo đó, trong ngày đầu tiên truy quét, cảnh sát đã bắt giữ năm người Trung Quốc và giải thoát cho người phụ nữ Malaysia bị bắt giữ. Sau đó, cảnh sát Campuchia tiếp tục bắt thêm tám nghi phạm và thu giữ một khẩu súng.

Đến rạng sáng 26-8, lực lượng chức năng lại bắt giữ thêm bốn người buôn bán vũ khí. Các tang vật bị thu giữ bao gồm nhiều loại súng và đạn dược khác nhau.

Ông Sar Kheng - Bộ trưởng Nội vụ Campuchia. Ảnh: PHNOM PENH POST

Hiện tại, Campuchia đang triển khai một hoạt động quy mô lớn nhằm giám sát nơi cư trú của người nước ngoài tại nước này, nhằm tìm ra các mục tiêu liên quan đến nạn buôn bán người.

Cũng trong tuyên bố ngày 27-8, ông Sar Kheng - Bộ trưởng Nội vụ Campuchia, đồng thời là chủ tịch Ủy ban Quốc gia Chống buôn bán người, nhấn mạnh: “Campuchia sẽ hành động không ngừng chống lại các tổ chức [buôn người] này".

Ông cho biết từ ngày 1-1 đến ngày 20-8, giới chức Campuchia đã thực hiện 87 cuộc truy quét và giải cứu 865 người nước ngoài. Theo ông Sar Kheng, 17 trường hợp với 60 nghi phạm đã bị đưa ra tòa.

TỰ SANG

Nguồn PLO: https://plo.vn/cong-an-tp-thu-duc-canh-bao-ve-toi-pham-mua-ban-nguoi-post696861.html