Công an TPHCM: Sâu sát địa bàn giúp bài trừ 'tín dụng đen' hiệu quả

Nhờ sâu sát địa bàn, nghiệp vụ sắc bén, các đơn vị nghiệp vụ Công an TPHCM đã bóc gỡ, làm rõ, xử lý nghiêm nhiều băng nhóm cho vay lãi nặng.

Hiệu quả từ việc bám sát địa bàn

Mặc dù là Chủ nhật và đồng hồ điểm 12 giờ 35 phút ngày 07-8-2022, nhưng các điều tra viên thuộc Đội 8 và cán bộ Đội Hình sự Đặc nhiệm (Đội 3) Phòng CSHS vẫn đang lấy lời khai, kiểm tra chứng cứ, đối chiếu sổ sách, củng cố hồ sơ xử lý các đối tượng về hành vi "cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự".

Biết đây là nhóm đối tượng cho vay lãi nặng hoạt động theo phương thức, thủ đoạn mới, phóng viên thắc mắc làm thế nào để cơ quan CA phát hiện trong thời gian ngắn, Thượng úy Trần Tiến Dũng - trinh sát Đội 3 - nhấn mạnh: "Nhờ công tác tuần tra, bám sát địa bàn và sức mạnh đoàn kết tập thể của toàn đội".

Thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ CA về tăng cường phòng ngừa đấu tranh với tội phạm liên quan đến hoạt động "tín dụng đen", thời gian qua CA nhiều tỉnh, thành tập trung đẩy mạnh đấu tranh quyết liệt, triệt để với loại tội phạm này.

Tại TPHCM, dưới sự chỉ đạo của Ban Giám đốc CATP, Phòng CSHS, CA TP.Thủ Đức và các quận, huyện đã phát hiện, triệt phá nhiều băng nhóm tội phạm có hành vi "cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự".

Cụ thể, đầu tháng 6-2022, Phòng CSHS đã bắt băng cho vay lãi nặng do Trương Ngọc Tính (SN 1991, ngụ Q6) cầm đầu. Băng này có hàng chục đàn em, phương thức hoạt động rất tinh vi, cho vay với lãi suất cắt cổ từ 360 đến 480%/năm. Kết quả đấu tranh của cơ quan điều tra cho thấy, có hàng ngàn người là nạn nhân của băng do Tính cầm đầu.

Giấy tờ liên quan hoạt động cho vay được tạm giữ phục vụ điều tra

Giấy tờ liên quan hoạt động cho vay được tạm giữ phục vụ điều tra

Các nhóm tội phạm "cho vay lại nặng trong giao dịch dân sự" liên tiếp bị triệt phá, song dự đoán tình hình loại tội phạm này sẽ hoạt động tinh vi hơn nên Ban chỉ huy Phòng CSHS chủ động đôn đốc, quán triệt các đội tăng cường bám sát địa bàn, kịp thời triệt phá, ngăn chặn nếu phát hiện.

Qua công tác quản lý địa bàn, trinh sát Đội 3 phát hiện gần đây xuất hiện các nhóm đối tượng có biểu hiện hoạt động cho vay lãi nặng trên địa bàn TPHCM nên chủ động xác minh, củng cố hồ sơ. Khoảng 14 giờ ngày 03-8-2022, sau quá trình theo dõi, tổ trinh sát Đội 3 kiểm tra hành chính đối với Nguyễn Hữu Mạnh (SN 1990, tạm trú xã Phước Kiển, H.Nhà Bè) và Cao Xuân Dũng (SN 1991, cùng quê Hải Phòng) tại đường Lê Văn Thọ (P14, Q.Gò Vấp), lập biên bản thu nhiều CMND, CCCD và các loại giấy tờ tùy thân mang tên nhiều người khác nhau.

Qua kiểm tra dữ liệu điện thoại của Mạnh có lưu trữ nhiều đoạn clip thể hiện nội dung có người vay tiền của Mạnh. Tài liệu quả tang bước đầu thu giữ được của Mạnh phần nào khớp với tài liệu, chứng cứ về hoạt động của nhóm đối tượng này nên Mạnh và Dũng được đưa về đơn vị phục vụ công tác điều tra.

Nhóm đối tượng được đưa về trụ sở làm rõ

Trước các tang vật chứng, Mạnh và Dũng thừa nhận hoạt động cho vay cùng với Nguyễn Mai An (SN 1986, quê Hải Phòng), Nguyễn Văn Cường (SN 1997, ngụ Phú Thọ) và Bùi Ngọc Phương (SN 2002, quê Hải Phòng, cùng cư ngụ P11, Q.Gò Vấp). Ngày hôm sau (tức 4-8), Đội 3 tiến hành đưa Nguyễn Mai An, Nguyễn Văn Cường, Nguyễn Thanh Tuyền (SN 1984, quê Hải Phòng) và Bùi Ngọc Phương về trụ sở làm rõ.

Lời khai của nhóm đối tượng cho thấy An và Mạnh là hai đối tượng cầm đầu nhóm cho vay. Tang vật tạm giữ bước đầu của nhóm An - Mạnh gồm 48 CMND, 15 CCCD, 26 sổ hộ khẩu (gồm cả photo và bản chính), 6 giấy vay tiền, 18 giấy phép lái xe, 7 cà vẹt xe, 5 giấy khai sinh, 1 hộ chiếu... cùng nhiều cuốn tập có chữ ký của Mạnh, An và nhóm đối tượng dùng vào việc theo dõi con nợ và thu tiền...

Như nhiều băng, nhóm cho vay khác, nhóm của An - Mạnh cũng cho vay tiền góp với lãi suất cao.

Khi nhận được điện thoại của người vay, nhóm An - Mạnh sẽ đến tận nhà để xác minh nơi ở, nơi làm việc, nếu thấy đúng sẽ cho giải ngân. Ngoài lưu trữ các bản photo về CCCD, CMND, cà vẹt, giấy phép lái xe..., một yêu cầu bắt buộc nhóm này đưa ra là quay clip trực diện mặt người vay, yêu cầu họ tự đọc tên tuổi, địa chỉ số nhà hoặc công ty. Số tiền cho vay phần nhiều là trên dưới 10 triệu đồng, số ít được vay vài chục triệu đồng.

Hiện Phòng CSHS đang tiếp tục làm việc với các đối tượng và nạn nhân, củng cố hồ sơ xử lý theo quy định pháp luật.

Một tủ điện dán đầy tờ rơi cho vay tiền

Cảnh báo với kiểu cho vay bủa vây khu dân cư

Những ngày gần đây, khi lưu thông trên các tuyến đường lớn như Trường Chinh, Cách Mạng Tháng Tám, Cộng Hòa, Lê Văn Sĩ... hoặc rẽ vào các con hẻm thuộc nhiều khu dân cư ở TPHCM, người dân dễ dàng bắt gặp những tờ rơi quảng cáo về "cho vay tiền góp", "cho mượn tiền góp", "vay tiền nhanh", "hỗ trợ cho vay"... cùng số điện thoại để liên lạc, kèm phần "phụ đề” in nhỏ với yêu cầu chỉ cần có CMND, sổ hộ khẩu, cà vẹt xe là được vay với lãi suất thấp được dán tầng tầng, lớp lớp trên các cột điện, hộp điện hoặc bờ tường nhà dân, các công ty, xí nghiệp.

Trong mỗi tờ rơi quảng cáo cho vay đều giới thiệu "thủ tục vay đơn giản" nhưng một khi "cá đã cắn câu" mới thấy không dễ dàng lấy được tiền từ trong túi người khác. Phân tích từ hàng loạt vụ án về cho vay lãi nặng mà CATP đã điều tra khám phá cho thấy, trước khi giao tiền cho người vay, các nhóm cho vay thường làm hồ sơ khá chặt chẽ như tìm hiểu trước nhà cửa của người vay, photo lại CMND, cà vẹt xe... thậm chí là bắt người vay thề độc, đọc thông tin cá nhân rồi quay lại clip lưu trữ phòng trường hợp người vay trốn nợ.

Có băng nhóm cho vay còn yêu cầu khách viết giấy vay tiền bằng hợp đồng giả cách dưới hình thức "giấy giao hụi". Sau đó, cho khách cầm giấy nợ chụp hình lưu lại làm bằng chứng. Thậm chí, đối với nhóm người vay có nguy cơ cao khó đòi nợ, các nhóm cho vay bắt buộc họ phải cho quay những cảnh "thiếu vải" để uy hiếp đòi nợ hiệu quả hơn. Do đó, các loại quảng cáo "giải ngân nhanh", "giải ngân sau một nụ cười" chỉ là phương thức tiếp thị "mật ngọt chết ruồi" và người dân cần hết sức đề phòng, tránh sập bẫy.

Tại sao CA các địa phương tập trung đánh mạnh các băng nhóm có hành vi cho vay lãi nặng nhưng thực trạng hoạt động của các băng nhóm tín dụng đen vẫn tồn tại? Một điều tra viên phân tích: "Hiện nay, luật quy định khung hình phạt của tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự từ 6 tháng đến 3 năm. Khung hình phạt này quá thấp, không tạo được sức răn đe đối với các đối tượng đang manh nha hoạt động hoặc tái phạm hoạt động cho vay lãi nặng".

Quang Đăng

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/vu-an/bat-nhom-cho-vay-lai-nang-luu-chung-cu-doi-no-bang-clip-doc-la_135154.html