Công an TT-Huế lên tiếng sau kết luận của T.Ư về xử lý tham nhũng

Phó Giám đốc Công an tỉnh Thừa Thiên- Huế nêu lý do không truy tố nhiều vụ việc cơ quan thanh tra ở tỉnh kết luận có sai phạm nhưng công an không khởi tố.

Chiều nay (19.10), tại buổi họp báo thường kỳ do UBND tỉnh Thừa Thiên- Huế tổ chức, đại tá Đặng Ngọc Sơn- Phó Giám đốc Công an tỉnh này đã trả lời các câu hỏi của phóng viên liên quan đến kết quả kiểm tra, giám sát xử lý các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng ở tỉnh của Đoàn công tác số 5, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng.

Đại tá Đặng Ngọc Sơn trả lời câu hỏi của phóng viên tại buổi họp báo. Ảnh: Trần Hòe.

Theo đại tá Đặng Ngọc Sơn, mặc dù “không tránh khỏi việc này việc kia” nhưng về cơ bản không có hiện tượng bao che trong xử lý các vụ việc, trong đó có nội dung 10 nhà công sản ở tỉnh bán theo Nghị định 61 của Chính phủ.

Ông Sơn cho biết, trong 10 ngôi nhà này đã có hướng xử lý 2 nhà, gồm các nhà 135 Huỳnh Thúc Kháng và 46 Hồ Xuân Hương. Cụ thể, vụ bán nhà 135 Huỳnh Thúc Kháng đã có hướng chỉ đạo và sẽ tiếp tục làm rõ; còn vụ nhà 46 Hồ Xuân Hương thì kết quả điều tra xác định việc bán theo Nghị định 61 là không vi phạm pháp luật. Công an tỉnh Thừa Thiên- Huế đã quyết định không khởi tố vụ bán nhà 46 Hồ Xuân Hương và được Viện KSND tỉnh phê chuẩn.

Đối với 8 ngôi nhà còn lại, ông Sơn nói, kết quả kiểm tra của cơ quan thanh tra chưa được chuyển cho cơ quan điều tra. Theo ông Sơn, chủ trương của Tỉnh ủy Thừa Thiên- Huế là chỉ đạo cơ quan điều tra chủ trì, phối hợp với thanh tra kiểm tra lại việc bán 8 ngôi nhà này có vi phạm pháp luật hay không. “Bây giờ chúng ta chưa kết luận là có vi phạm hay không vi phạm”- ông Sơn nói.

Về 7 vụ việc cơ quan thanh tra kết luận có sai phạm, chuyển cho cơ quan điều tra không được khởi tố, ông Sơn cho biết điều này có lý do. Đó là các vụ: Bán nhà 46 Hồ Xuân Hương; liên doanh, liên kết giữa khách sạn Hương Giang với Công ty CP Tân Việt; liên doanh liên, kết giữa khách sạn Thuận Hóa với một công ty vật liệu xây dựng; bán rừng tại Ban Quản lý rừng phòng hộ A Lưới…

Ông Sơn cho hay, trong 7 vụ việc này, chỉ có vụ tại Ban Quản lý rừng phòng hộ A Lưới là có vi phạm, có xảy ra mất rừng, nhưng do thời gian xảy ra đã quá lâu nên cơ quan điều tra không xác định được thiệt hại, nên không thể khởi tố. “Kết luận của thanh tra phần lớn bằng mắt thường, để truy cứu hình sự không thể cảm tính mà phải xác định thiệt hại. Không còn căn cứ xác định thiệt hại, nên chỉ xử lý hành chính”- ông Sơn nói.

Trước đó, vào ngày 29.9, sau nhiều ngày kiểm tra, Đoàn công tác số 5, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng do ông Nguyễn Hòa Bình- Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thừa Thiên- Huế.

Tại buổi làm việc, đoàn công tác đã chỉ ra những việc chưa được của tỉnh Thừa Thiên- Huế trong lĩnh vực này, như: Nhiều vụ đã có kết luận thanh tra, nhưng xử lý sau thanh tra còn kéo dài, chưa dứt điểm. Số vụ việc chuyển cơ quan điều tra để xử lý hình sự phát hiện qua thanh tra còn ít. Tiến độ điều tra, truy tố, xét xử một số vụ án tham nhũng, kinh tế còn chậm, phải gia hạn điều tra nhiều lần. Một số vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm chưa được tập trung chỉ đạo xử lý dứt điểm.

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Nguyễn Hòa Bình đề nghị Ban thường vụ Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế rà soát thu hồi 10 nhà công sản; khẩn trương chỉ đạo xử lý 7 vụ việc thanh tra phát hiện chuyển sang cơ quan điều tra nhưng chưa khởi tố như đã nêu.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế cũng được ông Nguyễn Hòa Bình đề nghị làm rõ kết quả xử lý 7 vụ án đã chọn để chỉ đạo xử lý. Theo ông Bình, tỉnh chọn 7 vụ để xử lý mà mới đưa ra xét xử được 1 vụ, còn lại đình chỉ hoặc treo thì không hiệu quả, dân không tin.

Trần Hòe

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/tin-tuc/cong-an-tt-hue-len-tieng-sau-ket-luan-cua-tu-ve-xu-ly-tham-nhung-814878.html