Công bằng hơn với hệ đào tạo tại chức

Quốc hội vừa thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học với 408 đại biểu tán thành (chiếm 84,12%). Trong đó có quy định không phân biệt về giá trị văn bằng do các hình thức đào tạo khác nhau, nghĩa là bằng hệ đào tạo đại học chính quy có giá trị như bằng hệ đào tạo tại chức, văn bằng 2, liên thông, từ xa (gọi chung là hệ đào tạo tại chức).

Như vậy, những tranh luận về việc phân biệt giá trị bằng cấp của các hệ đào tạo đã chấm dứt. Và thời điểm Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học có hiệu lực thi hành thì các cơ quan tuyển dụng nói riêng và xã hội nói chung không được quyền phân biệt, đối xử về giá trị bằng cấp khác hệ đào tạo.

Quốc hội biểu quyết thông qua toàn văn Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học (Ảnh: IT)

Quốc hội biểu quyết thông qua toàn văn Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học (Ảnh: IT)

Thực tế ai cũng biết, hệ đào tạo chính quy thường có chất lượng hơn, người học năng động và đáp ứng với nhu cầu của thị trường lao động hơn là hệ tại chức. Vấn đề là, để không còn sự phân biệt giữa bằng chính quy và bằng tại chức thì cần phải rút ngắn sự khác biệt đó, hệ đào tạo tại chức cần chú trọng hơn chất lượng tuyển sinh đầu vào và phải nâng cao chất lượng đầu ra.

Ngành giáo dục cần phải đánh giá toàn diện và có giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo của hệ tại chức hiện nay; các cơ sở giáo dục đào tạo hệ tại chức phải đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng đào tạo, siết chặt kỷ cương, không đào tạo tràn lan, ngăn chặn tình trạng học hộ, thi hộ, nhồi nhét kiến thức hoặc dễ dãi trong quá trình kiểm soát chất lượng đào tạo…

Không phân biệt giá trị bằng cấp của các hệ đào tạo điều này cho thấy, xu hướng của xã hội hiện nay không còn sính bằng cấp mà là đánh giá chất lượng lao động của người lao động. Dù người lao động có nhiều bằng cấp chính quy, nhưng chất lượng lao động thấp thì nguy cơ bị sa thải là chuyện tất yếu. Và ngược lại, dù cho người lao động có bằng tại chức, kể cả không có bằng cấp nhưng chất lượng lao động tốt, đem lại lợi ích cho người sử dụng lao động thì người sử dụng lao động sẽ luôn trọng dụng, cất nhắc và trả công xứng đáng.

Không phân biệt giá trị bằng cấp của các hệ đào tạo là phù hợp với thông lệ quốc tế và công bằng hơn trong giáo dục, tạo điều kiện cho những người không có điều kiện theo học hệ chính quy được đào tạo, nâng cao trình độ, hợp thức hóa hồ sơ và tạo ra nhiều cơ hội việc làm.

Một khi không phân biệt giá trị bằng cấp của các hệ đào tạo thì người sử dụng lao động, kể các các cơ quan nhà nước cũng cần có cái nhìn khách quan, công bằng hơn trong việc tuyển dụng, không phân biệt bằng cấp, mà phải thông qua quá trình thử việc, đánh giá kết quả thử việc, nếu đạt yêu cầu thì sử dụng người lao động.

Vấn đề quan trọng hiện nay là ngành giáo dục và các cơ sở giáo dục đào phải có giải pháp căn bản, toàn diện để nâng cao chất lượng đào tạo của hệ tại chức, rút ngắn khoảng cách về chất lượng đào tạo để đáp ứng với nhu cầu của thị trường lao động hiện nay.

MINH ĐỨC (211 Trần Hưng Đạo, thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum)

Nguồn TGTT: http://thegioitiepthi.vn/p/cong-bang-hon-voi-he-dao-tao-tai-chuc-18640.html