Công bằng với trẻ em

Kể từ kỷ nguyên 'xã hội hóa' truyền hình bắt đầu khoảng 20 năm trước, thì các game show cho trẻ em cũng được thực hiện. Phải thừa nhận, sự dí dỏm, hồn nhiên của trẻ thơ đã khiến những game show ấy có sức hút kỳ lạ, thậm chí còn là 'xu hướng quan tâm đặc biệt' vượt trội cả những game show dành cho người lớn...

Ngày đầu tiên của tháng sáu, rất nhiều người kể chuyện con cái mình hoặc đăng tải lại hình ảnh của mình ngày ấu thơ trên facebook. Tháng sáu là tháng bắt đầu của kỳ nghỉ hè, là dịp mà nhiều gia đình có điều kiện sẽ tổ chức cho con cái một kỳ du lịch nghỉ dưỡng ở biển hay lên núi. Và cũng tháng sáu ấy là tháng bắt đầu một loạt chương trình game show truyền hình dành cho thiếu nhi lên sóng. Điều đó khiến chúng ta suy nghĩ gì, nhất là khi chúng ta vừa chứng kiến những ồn ào đáng tiếc xoay quanh cô bé 13 tuổi đóng vai nữ chính của phim "Vợ ba"?

Kể từ kỷ nguyên "xã hội hóa" truyền hình bắt đầu khoảng 20 năm trước, thì các game show cho trẻ em cũng được thực hiện. Phải thừa nhận, sự dí dỏm, hồn nhiên của trẻ thơ đã khiến những game show ấy có sức hút kỳ lạ, thậm chí còn là "xu hướng quan tâm đặc biệt" vượt trội cả những game show dành cho người lớn. Nhưng kéo theo các game show thú vị đầy sức hút ấy cũng vẫn là những tranh cãi xoay quanh chuyện ứng xử thế nào với trẻ em, giáo dục các em thế nào và bảo vệ sự hồn nhiên của các em bằng cách nào.

Thực tế, có một điểm rất ít người quan tâm đến là thù lao mà các em có được trong việc tham gia các show truyền hình, các sản phẩm văn hóa như ca nhạc, điện ảnh… đang được chi trả và sử dụng ra sao? Người Việt nói riêng và người Á Đông nói chung vẫn có thói quen suy nghĩ rằng cha mẹ phải phấn đấu tạo dựng nền tảng cho con cái, mà một trong những thứ cần phải làm là để lại cho con cái một khoản thừa kế nhất định.

Tất nhiên, đó phải là trường hợp cha mẹ có điều kiện. Và trong quan niệm Á Đông nói chung, chúng ta cũng thường có lề lối suy nghĩ nếu cha mẹ nhọc nhằn, vất vả quá, con cái cũng nên phải đóng góp một phần nghĩa vụ. Chuyện trẻ em phải lao động ở các nước văn minh phương Tây không phải là không có, nhưng quy thành một trách nhiệm đối với cha mẹ thì dường như chỉ tồn tại ở các nước Á Đông vốn đề cao đạo hiếu hơn hẳn.

Bởi thế mới có chuyện có những gia đình hoàn cảnh cực khó khăn, anh hay chị mới 12-13 tuổi đã phải nghỉ học đi làm phụ bố mẹ nuôi em ăn học. Cái đức hy sinh ấy thực sự đáng quý và nó cũng khiến chính những người phương Tây phải ngưỡng mộ.

Nhưng đó là ở hoàn cảnh ngặt nghèo đến mức giật gấu vá vai, cái hoàn cảnh mà luật pháp hay các luân lý đạo đức chung khó có thể lên tiếng quyết định "đúng - sai". Còn ở hoàn cảnh sung túc thì sao? Liệu một đứa trẻ tham gia một công việc đặc thù, ví dụ như đóng phim chẳng hạn, thì thù lao của chúng nên được xử lý thế nào cho đúng đắn?

Rất nhiều người sẽ quy về một đáp án chung "đưa cho cha mẹ quản lý", nhưng liệu đáp án chung đó có đủ công bằng với trẻ? Có lẽ, chúng ta nên tham khảo một số cách xử lý văn minh khác để nhìn nhận liệu chăng thực thi theo cách đó sẽ phù hợp với môi trường văn hóa, xã hội Việt Nam?

Theo chia sẻ của một fashionista (hình mẫu biểu tượng thời trang) có tiếng là T.N, một người có quốc tịch Pháp nhưng đang sống ở thành phố Hồ Chí Minh, thì ở Pháp có quy định khá cụ thể đối với việc chi trả thù lao cho trẻ em tham gia các dự án giải trí, nghệ thuật.

Theo đó, nhà sản xuất nội dung bắt buộc phải mở một tài khoản ngân hàng cho diễn viên tuổi vị thành niên và chuyển 90% thù lao vào tài khoản đó. Không ai có quyền đụng tới tài khoản ấy và nó chỉ có thể được chủ nhân (tức là các diễn viên nhí) rút tiền ra khỏi tài khoản khi tròn 18 tuổi. 10% của khoản thù lao, cha mẹ của diễn viên nhí là người thụ hưởng và được nhận ở ngay thời điểm tham gia dự án, tùy theo từng quy định của các hợp đồng riêng. Cách làm ấy giữ được sự công bằng đối với trẻ em. Cái gì của trẻ là không thể xâm phạm. Nhưng nó cũng không làm các em bị ảnh hưởng vì phải tiếp xúc với chuyện tiền nong phức tạp từ quá sớm.

Thực tế, ở Việt Nam, chuyện báo chí "kêu ca" về cát xê của một diễn viên, ca sỹ nhí nào đó đã từng xảy ra. Chuyện đó chắc chắn có bàn tay của người lớn và các em trở thành nạn nhân, nhưng từ đó lại bắt đầu quen với cái bạc bẽo của kim tiền.

Và thực sự, thù lao của các em được sử dụng như thế nào, có hoàn toàn thuộc về các em hay không vẫn luôn là câu chuyện riêng của từng gia đình. Nhưng tính công bằng có được đảm bảo 100% hay không, hay được biện hộ kiểu "thì đằng nào sau này tất cả những gì cha mẹ có chẳng để lại hết cho con"? Mà thực tế, cái biện hộ ấy không giúp các em độc lập hơn. Thay vào đó, nó chỉ "tôn tạo" thêm cái văn hóa ỉ lại, với suy nghĩ mặc định "cái gì của cha mẹ, ắt sẽ là của mình".
Văn Đoàn

Nguồn VNCA: http://vnca.cand.com.vn/ly-luan/cong-bang-voi-tre-em-548128/