Công bố báo cáo đào tạo nghề, hướng nghiệp và việc làm cho trẻ vị thành niên

Sáng 10/12/2019, tại Hà Nội, Viện Khoa học Giáo dục nghề nghiệp tổ chức Hội thảo 'Công bố báo cáo đào tạo nghề, hướng nghiệp và việc làm cho trẻ vị thành niên (người từ đủ 15 đến dưới 18 tuổi)'. Đây là hội thảo nhằm đưa ra những vấn đề 'nóng' liên quan đến đào tạo nghề, hướng nghiệp và việc làm cho trẻ vị thành niên.

Để có “báo cáo đào tạo nghề, hướng nghiệp và việc làm cho trẻ vị thành niên (người từ đủ 15 đến dưới 18 tuổi)”, nhóm nghiên cứu đã được sự hỗ trợ từ Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF), Ban quản lí Dự án “Thúc đẩy và bảo vệ quyền trẻ em tại Việt Nam” của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Viện Khoa học Giáo dục nghề nghiệp.

Các chuyên gia từ Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, UNICEF, GIZ, Cục Việc làm, Viện Khoa học Giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động - Thương Binh và Xã hội; Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội 4 tỉnh An Giang, Điện Biên, Hà Nội và Kon Tum... cũng đã có những hỗ trợ để nhóm nghiên cứu hoàn thành báo cáo.

Báo cáo thực trạng và xác định nhu cầu đào tạo nghề, hướng nghiệp và giải quyết việc làm cho trẻ vị thành niên (sau đây gọi tắt là Báo cáo) được thực hiện trong khuôn khổ Dự án “Thúc đẩy và bảo vệ quyền trẻ em tại Việt Nam” do Quỹ nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tài trợ. Mục tiêu của Dự án nhằm góp phần xây dựng môi trường pháp luật và chính sách toàn diện có khả năng bảo vệ cho mọi trẻ, cùng với cải thiện năng lực và trách nhiệm giải trình của Nhà nước đối với việc thực hiện quyền trẻ em tại Việt Nam.

Góp phần đạt được mục tiêu chung của Dự án, Báo cáo tập trung vào nhóm đối tượng trẻ em từ đủ 15 đến dưới 18 tuổi hướng tới mục tiêu cụ thể:

- Phân tích, đánh giá thực trạng và xác định nhu cầu đào tạo nghề cho trẻ em từ đủ 15 đến dưới 18 tuổi.

- Phân tích, đánh giá thực trạng sử dụng lao động trong độ tuổi từ đủ 15 đến dưới 18 tuổi, xác định yêu cầu về kỹ năng mà người lao động trong độ tuổi từ đủ 15 đến dưới 18 tuổi cần có.

- Phân tích xu hướng thị trường lao động hiện nay và xác định nhu cầu lao động trong thời gian tới; những yêu cầu của doanh nghiệp đối với lao động qua đào tạo nghề nghiệp; cơ hội nghề nghiệp, việc làm cho trẻ em từ đủ 15 đến dưới 18 tuổi.

Báo cáo phân tích, đánh giá thực trạng rào cản, nguyên nhân không tiếp tục đi học, công tác hướng nghiệp, tình hình việc làm, học nghề đối với các trẻ em từ đủ 15 đến dưới 18 tuổi tại Hà Nội, Điện Biên, An Giang và Kom Tum.

Rào cản lớn nhất khiến các em từ đủ 15 đến dưới 18 không tiếp tục đi học là do điều kiện kinh tế gia đình khó khăn, không có tiền đóng học phí và chi phí ăn ở khi học nội trú. Ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, những em có hoàn cảnh khó khăn thường không có khả năng tham gia học tập và một số các em trong độ tuổi này còn là lực lượng lao động chính của gia đình.

Học lực kém, không thể chịu đựng được áp lực học tập, ở lại lớp học lại khiến các em có mặc cảm với bản thân cũng là nguyên nhân khiến nhiều em từ đủ 15 đến dưới 18 không tiếp tục đi học hoặc bỏ học. Trẻ sẽ cảm thấy xấu hổ khi mình “già” hơn so với những bạn học khác dẫn đến tâm lý chán nản và bỏ học.

Báo cáo cũng đưa ra những số liệu, những phân tích sâu về đào tạo nghề, hướng nghiệp và việc làm cho trẻ vị thành niên, cũng như đưa ra những khuyến nghị:

Tăng cường công tác tư vấn, định hướng nghề nghiệp tập trung vào đối tượng thanh niên từ 15 - 18 tuổi trong và ngoài trường học.

- Đẩy mạnh công tác phối hợp giữa các trường THCS, THPT với các cơ sở GDNN trong tuyên truyền về giáo dục nghề nghiệp; định hướng học nghề - lập nghiệp, các chính sách đào tạo giáo dục nghề nghiệp; thông tin về cơ hội việc làm gắn với giáo dục nghề nghiệp.

- Tăng cường công tác tư vấn, định hướng nghề nghiệp tập trung vào đối tượng thanh niên từ đủ 15 đến dưới 18 tuổi.

PV

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/cong-bo-bao-cao-dao-tao-nghe-huong-nghiep-va-viec-lam-cho-tre-vi-thanh-nien-73549