Công bố Chỉ số Thương mại điện tử 2019

Năm 2018, thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam tiếp tục phát triển toàn diện với tốc độ tăng trưởng trên 30%. Tuy nhiên, sự chênh lệch chỉ số giữa các địa phương còn rất cao. Khá bất ngờ là lĩnh vực giải trí có tỷ lệ lao động chuyên trách về TMĐT cao nhất.

Tăng khoảng cách số giữa các địa phương

Sáng 26/3, trong khuôn khổ Diễn đàn Toàn cảnh TMĐT Việt Nam 2019, Hiệp hội TMĐT Việt Nam (VECOM) đã chính thức công bố Báo cáo Chỉ số TMĐT (EBI) 2019.

Ông Nguyễn Kỳ Minh, Ủy viên Ban Chấp hành VECOM cho biết, tốc độ tăng trưởng của TMĐT Việt Nam năm 2018 đạt trên 30%. Với sự tăng trưởng cao và liên tục những năm gần đây thì sẽ đạt mục tiêu 10 tỷ USD doanh thu vào năm 2020 trong Kế hoạch tổng thể phát triển TMĐT giai đoạn 2016 – 2020.

Tuy nhiên, Báo cáo EBI Việt Nam 2019 cũng cho thấy vẫn còn nhiều cản trở cho sự bứt phá trong giai đoạn tới. Những cản trở lớn nhất gồm lòng tin của người tiêu dùng vào giao dịch mua bán trực tuyến còn thấp, dịch vụ logistic – giao hàng chặng cuối – hoàn tất đơn hàng còn nhiều hạn chế, đặc biệt là chênh lệch khoảng cách số giữa các địa phương còn rất cao.

Cụ thể, EBI của TP.HCM tiếp tục dẫn đầu với điểm tổng hợp là 86,8 điểm, tăng 4,7 điểm phần trăm so với năm 2018. Điểm số này cao hơn rất nhiều so với điểm số trung bình của EBI trong cả nước (40,3 điểm) và cao hơn tới gần 60 điểm so với địa phương có điểm xếp hạng thấp nhất là Bắc Kạn (27,4 điểm).

Đứng thứ hai là Hà Nội với điểm tổng hợp là 84,3 điểm, cao hơn 4,5 điểm so với năm trước.

Hải Phòng năm thứ 2 liên tiếp giữ vị trí thứ 3 về EBI. Hai vị trí tiếp sau vẫn là Đà Nẵng và Bình Dương.

Nhìn chung top 5 tỉnh thành đầu bảng vẫn không có sự thay đổi so với năm trước. Tuy nhiên, khoảng cách giữa TP.HCM và Hà Nội với 3 địa phương còn lại cũng rất lớn (khoảng cách giữa Hà Nội với Hải Phòng lên tới 24,7 điểm).

Cách biệt giữa điểm trung bình của nhóm 5 địa phương thấp nhất (29 điểm) với điểm trung bình của nhóm 5 địa phương cao nhất (68,4 điểm) lên tới 39,4 điểm (năm 2018 là 36,7 điểm, năm 2017 là 36 điểm, năm 2015 là 30,5 điểm, năm 2014 là 20,3 điểm, và năm 2013 chỉ là 18 điểm). Đồng nghĩa sự chênh lệch về phát triển TMĐT giữa các địa phương đang tăng dần.

"Thu hẹp khoảng cách số tiếp tục là thử thách lớn đối với TMĐT Việt Nam", ông Nguyễn Kỳ Minh nhận định.

Báo cáo Chỉ số Thương mại điện tử Việt Nam năm 2019 vừa được chính thức công bố sáng 26/3 trong khuôn khổ Diễn đàn Toàn cảnh Thương mại điện tử Việt Nam năm 2019 diễn ra ở Hà Nội.

Lĩnh vực giải trí có tỷ lệ chuyên trách về TMĐT cao nhất

Cũng theo Báo cáo EBI 2019, nguồn nhân lực về TMĐT (đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao) vẫn đang là vấn đề được nhiều doanh nghiệp chú trọng phát triển, do đặc thù đòi hỏi phải vừa có kiến thức về công nghệ lại vừa phải hiểu biết về thương mại để nắm bắt kịp thời các xu hướng mới và ứng dụng một cách hiệu quả nhất.

Năm 2018, tỷ lệ doanh nghiệp có lao động chuyên trách về TMĐT không thay đổi nhiều so với các năm trước, giảm 2% so với năm 2017.

Đặc biệt, lĩnh vực giải trí có tỷ lệ lao động chuyên trách về TMĐT cao nhất (chiếm tới 49%). Tiếp đến là hai lĩnh vực gồm công nghệ thông tin – truyền thông và y tế - giáo dục – đào tạo (45%).

Xây dựng vẫn là nhóm doanh nghiệp có tỷ lệ lao động chuyên trách TMĐT thấp nhất (20%).

Tỷ lệ doanh nghiệp gặp khó khăn khi tuyển dụng lao động có kỹ năng về TMĐT và công nghệ thông tin vẫn dao động trên dưới 30% và không có sự thay đổi lớn so với trước (năm 2018 có 28%, năm 2017 là 31% và năm 2016 là 29%).

Kỹ năng khai thác và sử dụng các ứng dụng TMĐT là khó khăn lớn nhất trong quá trình tuyển dụng, gồm các kỹ năng: Cài đặt chế độ, ứng dụng, khắc phục sự cố thông thường của máy vi tính; Quản trị website và sàn giao dịch TMĐT; Quản tri cơ sở dữ liệu; Triển khai thanh toán trực tuyến; Tiếp thị trực tuyến; Xây dựng kế hoạch, triển khai dự án TMĐT.

Một điểm đáng chú ý khác trong Báo cáo EBI 2019 là song song với việc sử dụng email, các doanh nghiệp có xu hướng ứng dụng các công nghệ tiên tiến hơn, điển hình là các nền tảng hỗ trợ giao tiếp như Viber, Skype, Facebook Messenger, Zalo… Gần như 100% doanh nghiệp có ứng dụng các công cụ này với mức độ khác nhau.

Thế nhưng việc ứng dụng tốt các nền tảng di động vẫn chỉ dừng ở các doanh nghiệp lớn. Cả nước chỉ có 17% doanh nghiệp cho biết website có phiên bản di động. Tỷ lệ doanh nghiệp có ứng dụng bán hàng trên thiết bị di động năm 2018 cũng chỉ chiếm 14%.

Có tới 58% doanh nghiệp chi biết mới chi dưới 10 triệu đồng/năm để làm chi phí quảng cáo website/ứng dụng di động qua các phương tiện trực tuyến và ứng dụng di động.

Mức độ quan tâm, ứng dụng của doanh nghiệp trên các sàn TMĐT cũng chưa có sự tăng trưởng mạnh mẽ, vẫn chỉ dao động 11 – 13% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết có kinh doanh qua sàn.

Cuộc khảo sát doanh nghiệp ứng dụng TMĐT diễn ra từ tháng 9 tới tháng 11 năm 2018, với tổng số 4.500 doanh nghiệp tham gia khảo sát, trong đó, 4.300 doanh nghiệp hợp lệ có số liệu được dùng để thống kê.

Bình Minh

Nguồn Infonet: https://infonet.vn/cong-bo-chi-so-thuong-mai-dien-tu-2019-post294368.info