Công bố danh mục những 'vết thương' của cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh

Như Infonet đã thông tin, hiện cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh, TP.HCM) bị xuống cấp trầm trọng, thậm chí nhiều thanh xà đỡ đã gãy rời, trơ lõi thép, ngoài ra nhiều bức tường bao cũng đổ sập.

Một chiếc ốc vít lệch tâm dưới chân trụ thép gia cố cho cây cầu.

Một chiếc ốc vít lệch tâm dưới chân trụ thép gia cố cho cây cầu.

Trước những thông tin trên báo chí, chiều ngày 7/9 ông Lê Ngọc Hùng – Giám đốc Khu quản lý giao thông đô thị số 2 (Khu 2) – đơn vị chịu trách nhiệm quản lý cây cầu đã có những trả lời đầu tiên về các nghi ngại liên quan đến sự cố tại cây cầu này.

Theo ông Hùng, vào ngày 20/6 vừa qua nơi này tiến hành kiểm tra hiện trường thì nhận thấy phần đà kiềng đỡ tường gạch thuộc khoang giữa trụ T22 và T23 đã bị đứt gãy, đà kiềng thuộc khoang giữa trụ T23 và T24 có vết nứt gãy.

Ngoài ra phần từng gạch giữa trụ T22, T23, T24 bị sụp đổ, phần bên trụ T23 bị gãy, phần xà mũ trụ bị nứt gãy và tách rời khỏi phần dầm bản phía trên. Theo ông Hùng phần dầm bản và bản mặt cầu chưa phát hiện các hư hỏng, tuy nhiên phần lan can cầu phía trên khoảng T22-T23 đã xuất hiện vết nứt.

Trước những hư hỏng này, Sở Giao thông vận tải đã phải tổ chức lại luồng giao thông tại đây (hướng từ cầu Sài Gòn đi trung tâm TP). Theo đó làn đường bên phải (nơi trụ T22 bị nứt) bị phong tỏa hoàn toàn, làn đường giữa dành cho xe 2 và 3 bánh, làn đường bên trái dành cho xe ô tô con, ô tô khách dưới 16 chỗ và xe tải dưới 1,5 tấn.

Ông Lê Ngọc HùngGiám đốc Khu quản lý giao thông đô thị số 2

Với những “vết thương” nói trên, Sở Giao thông vận tải cũng yêu cầu sửa chữa, gia cố tạm thời, neo đỡ dầm ngang gối lên trụ T23 bằng hệ thống dầm thép và thay thế một phần tường gạch bị sụp bằng các tấm tôn. Việc gia cố này hoàn thành vào ngày 20/7.

Về hướng xử lý tiếp theo, ông Hùng cho biết ngay sau khi được UBND TP thông qua kế hoạch, Khu 2 sẽ khảo sát và đánh giá lại toàn diện cây cầu này để xác định nguyên nhân gây ra các hư hỏng nói trên.

Nơi này cũng cho biết sẽ gia cường khả năng chịu lực của công trình bằng cách bổ sung các cọc khoan nhồi D1000 với chiều dài 55m tại vị trí trụ T23 và bố trí dầm thép tại các khoảng T22-T23, T23-T24.

Theo ông Hùng, kinh phí cho tất cả những công việc nêu trên sẽ vào khoảng 12,2 tỷ đồng và nguồn vốn này sẽ được lấy từ vốn đảm bảo giao thông năm 2016. Thời gian sửa chữa cây cầu này sự kiến sẽ kéo dài trong 30 ngày.

Cũng theo ông Hùng, do tính chất cấp bách, nhằm ổn định và an toàn cho công trình, Sở Giao thông vận tải đã đề nghị UBND TP cho phép áp dụng hình thức chỉ định thầu để chọn nhà thầu thi công gói bảo dưỡng này.

Trụ théo gia cố cho trụ T23.

Trả lời câu hỏi của PV Infonet về mức độ an toàn cho người dân khi đi qua đây trong thời gian chờ bảo dưỡng, ông Hùng khẳng định nếu các loại xe đi đúng làn và đúng khối lượng quy định thì cây cầu sẽ “an toàn”.

Về những hư hỏng tại cây cầu, ông Hùng cho biết mình đã đi khảo sát tại hiện trường và thấy được thực trạng. Tuy nhiên theo ông Hùng thì đơn vị mình mới chỉ tiếp quản quản lý cây cầu này cách đây ít lâu nên khi xảy ra tình trạng trên trách nhiệm thuộc về chủ đầu tư cũ.

“Thiết kế cây cầu cách đây đã hơn 10 năm nên giờ lạc hậu rồi” – ông Hùng nói và khẳng định mình sẽ xem lại việc gia cố trước đây như phản ánh tại bài báo này của Infonet để kịp thời điều chỉnh.

Cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh do công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích TP.HCM làm chủ đầu tư. Năm năm 2012 công trình này được đưa vào khai thác. Cây cầu có tổng chiều dài 618m, trong đó phần cầu vượt dài 55m, phần dẫn dài 563m, rộng 12,7m. Trước ngày 23/6/2016 cầu được khái thác với tải trọng 30 tấn.

Nguyễn Cường

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/cong-bo-danh-muc-nhung-vet-thuong-cua-cau-vuot-nguyen-huu-canh-post208432.info