4 vấn đề gây tranh cãi về công nhận giáo sư, phó giáo sư

Số lượng GS, PGS được công nhận tăng đột biến, nhiều người không giảng dạy, không có bài báo ISI/Scopus khiến dư luận lo ngại về tiêu cực trong xét duyệt và chất lượng GS, PGS mới.

Ngay sau khi Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước công bố, danh sách ứng viên đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS năm 2017 ngay lập tức thu hút sự chú ý của dư luận.

Nhiều người lo ngại về tiêu cực trong quá trình xét duyệt, cũng như chất lượng đội ngũ GS, PGS mới khi số lượng ứng viên đạt tiêu chuẩn năm nay tăng đột biến, tương đương số lượng của hai năm 2015, 2016 cộng lại.

'Chuyến tàu vét’ số hiệu 174

Cụ thể, số lượng GS được công nhận năm nay là 85 người, 1.141 người đạt tiêu chuẩn phó giáo sư. Tổng ứng viên đủ tiêu chuẩn là 1.226.

Con số này gấp 1,74 lần so với năm 2016 (703 người), gấp 2,35 lần so với năm 2015 (522 người), thậm chí nhiều hơn tổng số ứng viên năm 2015, 2016 cộng lại.

Số lượng giáo sư, phó giáo sư được công nhận năm 2017 tăng đột biến. Ảnh: Nguyễn Sương.

Số lượng giáo sư, phó giáo sư được công nhận năm 2017 tăng đột biến. Ảnh: Nguyễn Sương.

Số lượng ứng viên đạt tiêu chuẩn năm 2017 cao kỷ lục trong vòng 41 năm nước ta thực hiện xét công nhận chức danh GS, PGS khiến nhiều người lo ngại đây là “chuyến tàu vét” trước khi quy định 174 hết hiệu lực.

Lý giải con số này, GS Trần Văn Nhung - Tổng thư ký Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước - khẳng định việc tăng GS, PGS có lý do khách quan, chất lượng không thay đổi. Thậm chí, chất lượng có phần tăng lên.

Theo ông, năm nay, thời hạn nộp hồ sơ kéo dài hơn 6 tháng so với năm trước. Cụ thể, hạn nộp hồ sơ ứng cử chức danh GS, PGS năm 2017 là ngày 5/11, (trong khi năm 2016 là ngày 25/5).

Ngoài ra, nhiều ứng viên có thể mong muốn được xét theo quy định hiện hành trước khi có sự thay đổi về tiêu chuẩn chức danh. Vì vậy, số ứng viên ứng cử chức danh GS, PGS tăng tới 1.537 hồ sơ. Trong đó, 151 ứng viên GS và hơn 1.300 ứng cử PGS.

‘Chạy’ phiếu trong các hội đồng

Dù GS Trần Văn Nhung khẳng định chất lượng GS, PGS năm nay không đổi, thậm chí có phần tăng lên, trên thực tế, trong số GS, PGS được xét duyệt, số người có công trình nghiên cứu khoa học được đăng trên các tạp chí ISI/Scopus rất thấp.

Thậm chí, nhiều chuyên gia uy tín cho rằng có tiêu cực trong việc xét duyệt GS, PGS.

GS Trần Văn Nhung khẳng định chất lượng GS, PGS năm nay không thay đổi, thậm chí có phần tăng. Ảnh: P.T.

Trong đó, nhiều người lo ngại về tiêu cực “chạy” phiếu trong các hội đồng. Trả lời báo Sài Gòn Giải Phóng, ông Vũ Hào Quang, Ủy viên Hội đồng Tư vấn Khoa học - Giáo dục và Môi trường, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, khẳng định có đủ bằng chứng để chứng minh rằng có tiêu cực rất lớn trong xét duyệt ở hội đồng liên ngành.

Đây là nguyên nhân dẫn đến tình trạng nhiều người giỏi chuyên môn, điểm nghiên cứu khoa học rất cao, các tiêu chuẩn phẩm chất đạo đức không có vi phạm gì nhưng vẫn bị trượt nhiều lần.

Theo ông, tiêu cực này liên quan quan hệ xã hội chứ không theo nghĩa tiền tệ. Nó chủ yếu xuất phát từ cơ chế bỏ phiếu không ký tên và nhiệm kỳ 5 năm.

Đồng quan điểm, TS Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, ĐH FPT, cho rằng dư luận lo ngại về tiêu cực khi bỏ phiếu ứng viên ở các hội đồng là điều dễ hiểu. Ứng viên phải qua 3 vòng bỏ phiếu kín ở hội đồng các cấp.

Tiêu chí xét duyệt ngày càng rõ ràng hơn, nhưng khâu bỏ phiếu lại tiềm ẩn nguy cơ, vì có hội đồng theo quy định phải đạt 3/4 số phiếu, nhiều ứng viên bỏ phiếu 5-7 lần vẫn trượt mà không hiểu nguyên nhân vì đâu.

GS, PGS không có bài báo ISI/Scopus

Cùng những nghi vấn liên quan tiêu cực trong quá trình xét duyệt, dư luận cũng lo ngại về chất lượng GS, PGS năm nay khi số người có bài báo đăng trên tạp chí khoa học thuộc danh mục ISI, Scopus rất thấp.

Theo thống kê, 56 tân GS có bài đăng trên tạp chí ISI/Scopus với tổng số bài đăng là 924 bài. Như vậy, 29 người được công nhận dù không có bài đăng trên ISI/Scopus, chiếm 34% tổng số tân GS năm nay.

Con số này ở PGS còn cao hơn, 53%, tức 609 người không có bài đăng trên tạp chí ISI/Scopus.

GS, PGS không có bài đăng trên tạp chí ISI/Scopus chủ yếu rơi vào các ngành thuộc khoa học xã hội. Cụ thể, 11 ngành trong tổng số 28 ngành có giáo sư được phong lần này không có bài báo ISI/Scopus nào.

13 PGS ngành Luật, 22 PGS ngành Ngôn ngữ học được công nhận không có bài trên tạp chí ISI/Scopus.

Ngành Khoa học An ninh, Khoa học Quân sự chỉ có một trong tổng 93 người được xét duyệt năm nay có bài đăng trên tạp chí danh tiếng quốc tế với chỉ một bài.

Ba trong số 32 PGS năm nay của ngành giáo dục học có bài đăng trên tạp chí ISI/Scopus, số lượng là 4 bài. Con số này ở ngành Tâm lý học là hai trên tổng 17 người với 6 bài đăng. Ngành Triết học - Xã hội - Chính trị học có 26 PGS được xét duyệt nhưng chỉ có 2 người có bài báo trên ISI/Scopus.

Những người này được xét công nhận vì quy định hiện nay không bắt buộc ứng viên ngành khoa học xã hội phải có bài đăng trên tạp chí thuộc ISI/Scopus. Điều này cùng dẫn đến lo ngại khi tiêu chuẩn xét công nhận GS, PGS hiện nay còn thấp hơn tiêu chuẩn tiến sĩ.

Cụ thể, việc công nhận chức danh PGS gồm 4 tiêu chuẩn, không yêu cầu ứng viên phải có bài báo khoa học đăng trên tạp chí ISI/Scopus.

5 tiêu chuẩn công nhận chức danh giáo sư cũng không bao gồm yếu tố bài báo khoa học đăng trên tạp chí ISI/Scopus mà chỉ cần “có đủ công trình khoa học quy đổi theo quy định, trong đó có ít nhất 50% số công trình khoa học quy đổi từ các bài báo khoa học và 25% số công trình khoa học được quy đổi được thực hiện trong 3 năm cuối tính đến thời điểm hết hạn nộp hồ sơ”.

Danh mục tạp chí được tính điểm bao gồm cả các tạp chí ISI/Scopus và tạp chí trong nước, tạp chí nội bộ trường với mức điểm quy đổi chênh lệch rất ít, từ 1,5 đến 1 điểm.

Trong khi đó, theo quy chế do Bộ GD&ĐT ban hành năm 2017, để được đăng ký đánh giá luận án, nghiên cứu sinh phải công bố tối thiểu hai bài báo về kết quả nghiên cứu của luận án.

Trong đó, một bài đăng trên tạp chí ISI/Scopus hoặc hai báo cáo bằng tiếng nước ngoài trong kỷ yếu hội thảo quốc tế có phản biện hoặc 2 bài báo đăng trên tạp chí khoa học nước ngoài có phản biện.

GS, PGS là quan chức

Một trong những điểm đáng chú ý trong đợt xét công nhận chức danh GS, PGS năm nay là một số ứng viên được phong hàm dù không làm công tác giảng dạy. Trường hợp được nhắc đến nhiều nhất là Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến.

Ngoài ra, cũng trên báo Sài Gòn Giải Phóng, PGS.TS Phạm Bích San - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Xã hội và các vấn đề phát triển - cũng đề cập trường hợp một thứ trưởng được công nhận GS kinh tế. Bà đặt câu hỏi tại sao người làm công tác quản lý, không liên quan việc giảng dạy lại được công nhận GS.

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến được công nhận GS năm 2017. Ảnh: Minh Quang.

Theo TS Lê Viết Khuyến - nguyên Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT - PGS, GS chỉ là hư danh, nhiều người không nghiên cứu hay giảng dạy cũng xin được thỉnh giảng cho đủ tiết dạy còn làm hồ sơ.

Theo ông, GS, PGS phải là chức vụ giảng dạy tại các trường đại học, cao đẳng, do trường xét duyệt và công nhận dựa trên đánh giá, nhu cầu của trường.

Nhìn chung, việc công nhận chức danh GS, PGS ở nước ta có nhiều khác biệt với các nước khác. Cụ thể, ở Mỹ, PGS, GS là chức vụ dành cho người tham gia công tác giảng dạy hoặc nghiên cứu khoa học.

Các trường tự phong GS, PGS và chức vụ này gắn liền quá trình công tác tại trường. Khi nghỉ hưu, chỉ những người có cống hiến đặc biệt mới được phong GS, PGS danh dự.

Danh hiệu này cũng được trao cho những người đã nghỉ hưu nhưng tiếp tục giảng dạy hoặc chuyển sang công tác tại trường khác. Các trường hợp không tham gia giảng dạy, nghiên cứu mà chuyển sang lĩnh vực khác, bao gồm quản lý, sẽ không còn mang danh PGS, GS.

Tại các trường Đông Âu, GS là chức vụ khoa bảng do trường đại học bổ nhiệm hoặc đề bạt. Australia cũng không có chuyện công nhận chức danh GS, PGS như nước ta.

Tiêu chí bổ nhiệm không yêu cầu bằng cấp tiến sĩ nhưng họ phải thực sự giỏi và cống hiến cho lĩnh vực của mình đồng thời có sức ảnh hưởng trong ngành.

Trong khi đó, ở nước ta, GS, PGS là chức danh phong cho tiến sĩ có đủ số năm làm công tác giảng dạy hoặc có giải thưởng quốc tế uy tín vì thành tích nghiên cứu khoa học và phục vụ cộng đồng.

Việc tước chức danh GS, PGS chỉ áp dụng với những người bị phát hiện không đủ tiêu chuẩn, sử dụng văn bằng, chứng chỉ bất hợp pháp, bị thu hồi, tước bằng tiến sĩ chuyên môn, bị kỷ luật buộc thôi việc, bị phạt tù giam, án treo.

Điều này dẫn đến tình trạng người không tham gia giảng dạy hay nghiên cứu khoa học vẫn mang danh GS, PGS hoặc khi đã được công nhận PGS, GS, họ có thể dừng việc nghiên cứu, giảng dạy, phấn đấu cho đủ bài đăng trên tạp chí khoa học trong nước và quốc tế.

Giáo sư trẻ nhất năm 2017 mới 36 tuổi Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước vừa công bố danh sách 1.226 ứng viên đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm 2017.

Nguyễn Sương

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/4-van-de-gay-tranh-cai-ve-cong-nhan-giao-su-pho-giao-su-post821136.html