CÔNG BỐ LỆNH CỦA CHỦ TỊCH NƯỚC VỀ PHÁP LỆNH TRÌNH TỰ, THỦ TỤC XEM XÉT, QUYẾT ĐỊNH ÁP DỤNG CÁC BIỆN PHÁP XỬ LÝ HÀNH CHÍNH TẠI TÒA ÁN

Chiều 30/12, tại Hà Nội, Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước công bố Pháp lệnh trình tự, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân.

UBTVQH THÔNG QUA PHÁP LỆNH VỀ TRÌNH TỰ, THỦ TỤC XEM XÉT, QUYẾT ĐỊNH ÁP DỤNG BIỆN PHÁP XỬ LÝ HÀNH CHÍNH TẠI TÒA ÁN (SỬA ĐỔI)

Toàn cảnh họp báo

Toàn cảnh họp báo

Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Phạm Thanh Hà; Phó Tổng Thư ký Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Thị Thúy Ngần; Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Trí Tuệ đồng chủ trì họp báo.

Tại họp báo, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Phạm Thanh Hà đã công bố Lệnh số 13/2022/L-CTN về việc công bố Pháp lệnh trình tự, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân.

Giới thiệu một số nội dung cơ bản của Pháp lệnh, Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Trí Tuệ cho biết, về phạm vi điều chỉnh, Pháp lệnh quy định trình tự, thủ tục Tòa án nhân dân xem xét, quyết định việc áp dụng các biện pháp xử lý hành chính đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; trình tự, thủ tục xem xét, quyết định việc hoãn, miễn chấp hành, giảm thời hạn, tạm đình chỉ hoặc miễn chấp hành phần thời gian áp dụng biện pháp xử lý hành chính còn lại; khiếu nại, kiến nghị, kháng nghị và giải quyết khiếu nại, kiến nghị, kháng nghị trong việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính.

Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Trí Tuệ giới thiệu một số nội dung cơ bản của Pháp lệnh

Về nguyên tắc xem xét, quyết định áp dụng biện pháp hành chính, Phó Chánh án Tòa án nhan dân cho biết, khi xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính, bên cạnh việc bảo đảm các nguyên tắc theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính còn phải bảo đảm các nguyên tắc khác như: quyền được bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị đề nghị; quyền dùng tiếng nói, chữ viết của dân tộc mình; quyền được xem xét theo hai cấp; được tham gia, trình bày ý kiến trước Tòa án, tranh luận tại phiên họp; việc xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính do 01 Thẩm phán thực hiện. Khi xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính, Thẩm phán độc lập và chỉ tuân theo pháp luật.

Bên cạnh đó, Pháp lệnh còn quy định những nguyên tắc xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đối với người chưa thành niên bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào trường giáo dưỡng phải bảo đảm tính đặc thù, phù hợp với người chưa thành niên như: trình tự, thủ tục phải tiến hành nhanh chóng, kịp thời; bảo đảm thủ tục thân thiện, phù hợp với tâm lý, giới, lứa tuổi, mức độ trưởng thành, khả năng nhận thức của họ; người chưa thành niên mà không có người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp thì Tòa án yêu cầu tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý cử trợ giúp viên pháp lý, luật sư theo quy định của Luật Trợ giúp pháp lý hoặc Đoàn luật sư phân công tổ chức hành nghề luật sư cử luật sư để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ.

Đối với thẩm quyền xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính, theo Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, thẩm quyền xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính của Tòa án nhân dân là: Tòa án nhân dân cấp huyện nơi có trụ sở cơ quan của người đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính; Tòa án nhân dân cấp huyện nơi người bị đề nghị có hành vi vi phạm trong trường hợp người đề nghị là Trưởng Công an cấp huyện, Giám đốc Công an cấp tỉnh theo quy định tại khoản 2 Điều 99, khoản 1 Điều 100, khoản 2 Điều 101, khoản 1 Điều 102 của Luật Xử lý vi phạm hành chính. Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có thẩm quyền xét lại quyết định của Tòa án nhân dân cấp huyện bị khiếu nại, kiến nghị, kháng nghị.

Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao cũng cho biết, về kiểm sát việc xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính, Pháp lệnh quy định việc xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính phải được Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp thực hiện kiểm sát tính hợp pháp của các hành vi, quyết định của Tòa án nhân dân, cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính; Viện kiểm sát có quyền yêu cầu, kiến nghị, kháng nghị nhằm bảo đảm việc giải quyết kịp thời, đúng pháp luật. Viện kiểm sát cả quyền nghiên cứu hồ sơ vụ việc tại Tòa án đã thụ lý, có quyền sao chụp hồ sơ vụ việc đó và tham gia các phiên họp; tham gia việc xét hoàn, miễn, giảm, tạm đinh chi việc chấp hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính.

Các đại biểu tại họp báo

Về chi phí, lệ phí trong việc xem xét, quyết đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, theo quy định tại điều 7 của Pháp lệnh, chi phí trong việc xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính, gồm: chi phí cho người phiên dịch, người dịch thuật; chi phí cho Luật sư. Trợ giúp viên pháp lý là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị đề nghị, chi phí giám định, chi phí sao chụp tài liệu và các khoản chi phí khác theo quy định của pháp luật; và được thực hiện theo quy định của pháp luật về chi phí tố tụng.

Việc chi trả chi phí, lệ phí thực hiện như sau: Chi phí cho người phiên dịch, người dịch thuật, luật sư, trợ giúp viên pháp lý nếu người bị đề nghị, cha mẹ hoặc người giám hộ của người bị đề nghị là người chưa thành niên tự yêu cầu thì họ tự chi trả; nếu do Tòa án yêu cầu thì Tòa án chỉ trả. Chi phí cho trợ giúp viên pháp lý, luật sư do tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý cử thì thực hiện theo quy định của pháp luật về trợ giúp pháp lý.

Về trình tự, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính, Pháp lệnh quy định chặt chẽ các trình tự, thủ tục Tòa án nhân dân cấp huyện xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính; Trình tự, thủ tục xem xét, quyết định hoãn, miễn, giảm, tạm đình chỉ hoặc miễn chấp hành phần thời gian áp dụng biện pháp xử lý hành chính còn lại; xem xét giải quyết khiếu nại, kiến nghị, kháng nghị.

Theo đó, Pháp lệnh quy định rõ thời hạn Tòa án phải xem xét giải quyết; thời hạn mở phiên họp, thời hạn bổ sung tài liệu, chứng cứ, hoãn phiên họp, gửi các quyết định của Tòa án và thời hạn kiến nghị, kháng nghị; Quy định cụ thể các trường hợp được đình chỉ, tạm đình chỉ việc xem xét, định áp dụng biện pháp xử lý chính; Quy định việc cung cấp tài liệu, đơn đề nghị hoãn, miễn áp dụng biện pháp xử lý hành chính có thể được thực hiện bằng phương thức nộp trực tiếp tại Tòa án hoặc gửi đến Tòa án theo đường dịch vụ bưu chính; gửi trực tuyến bằng hình thức điện tử qua Cổng thông tin điện tử của Tòa án (nếu có); Phiên họp xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính được tổ chức trực tiếp hoặc trực tuyến; Phiên họp thực hiện theo thứ tự hỏi đáp, tranh luận cụ thể, rõ rằng; Quy định cụ thể các loại quyết định của Tòa án có thể bị khiếu nại, kiến nghị, kháng nghị và thời điểm có hiệu lực của các quyết định này.

Ngoài ra, về thủ tục thân thiện đối với người chưa thành niên, Pháp lệnh quy định một số thủ tục thân thiện đối với người chưa thành niên, bảo đảm lợi ích tốt nhất và phù hợp cho các em như sau: Thẩm phán được phân công tiến hành phiên họp phải là người đã được đào tạo hoặc có kinh nghiệm giải quyết các vụ việc liên quan đến người dưới 18 tuổi hoặc có hiểu biết cần thiết về tâm lý học, khoa học giáo dục đối với người dưới 18 tuổi. Tại phiên họp Thẩm phán mặc trang phục hành chính của Tòa án nhân dân; Phòng họp được bố trí thân thiện, an toàn; Trong phiên họp, cha mẹ hoặc người giám hộ hoặc người đại diện hợp pháp được hỗ trợ người chưa thành niên; Việc hỏi người bị đề nghị phải phù hợp với lứa tuổi, mức độ phát triển, trình độ văn hóa và hiểu biết của họ. Câu hỏi cần ngắn gọn, đơn giản, dễ hiểu, không hỏi nhiều vấn đề cùng một lúc.

Trân trọng giới thiệu một số hình ảnh họp báo:

Quang cảnh họp báo

Các đại biểu tại họp báo

Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Phạm Thanh Hà công bố Lệnh số 13/2022/L-CTN về việc công bố Pháp lệnh trình tự, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân.

Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Trí Tuệ cho biết, Pháp lệnh quy định trình tự, thủ tục Tòa án nhân dân xem xét, quyết định việc áp dụng các biện pháp xử lý hành chính đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc...

Phóng viên, nhà báo đặt câu hỏi về một số vấn đề liên quan đến Pháp lệnh

Đại diện cơ quan soạn thảo giải đáp ý kiến của các phóng viên, nhà báo./.

Hồ Hương- Nghĩa Đức

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=71983