Công bố nghị quyết của Quốc hội bãi nhiễm đại biểu Phạm Phú Quốc

Sáng 12/11, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đã công bố Nghị quyết của Quốc hội về bãi nhiệm đại biểu Quốc hội Phạm Phú Quốc.

Theo đó, việc bãi nhiệm đại biểu Quốc hội Phạm Phú Quốc được căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Căn cứ Luật Tổ chức Quốc hội số 57/2014/QH13; Căn cứ Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân số 85/2015/QH13.

Theo đề nghị của Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hồ Chí Minh tại văn bản số 14/MTTQ-BTT ngày 15/9/2020 và đề nghị của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tại Tờ trình số 24/TTr-MTTQ-ĐCT ngày 14/10/2020.

Đồng thời, trên cơ sở xem xét Tờ trình số 601/TTr-UBTVQH14 ngày 30/10/2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Căn cứ Biên bản kiểm phiếu kết quả bỏ phiếu bãi nhiệm đại biểu Quốc hội khóa XIV đối với ông Phạm Phú Quốc ngày 03/11/2020, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã ký Nghị quyết số Nghị quyết số 123/2020/QH14 về việc bãi nhiệm đại biểu Quốc hội Phạm Phú Quốc.

 Ông Phạm Phú Quốc.

Ông Phạm Phú Quốc.

Theo đó, Quốc hội đã quyết nghị bãi nhiệm đại biểu Quốc hội khóa XIV đối với ông Phạm Phú Quốc thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh, Đơn vị bầu cử số 4 (gồm Quận 5, Quận 10 và Quận 11, thành phố Hồ Chí Minh) vì đã không trung thực trong việc báo cáo với tổ chức, vi phạm tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội; không còn xứng đáng với sự tín nhiệm của cử tri và Nhân dân.

Nghị quyết nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hồ Chí Minh, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh và ông Phạm Phú Quốc theo trách nhiệm thi hành Nghị quyết này.

Nghị quyết được Quốc hội khóa VIV, kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 03/11/2020 và có hiệu lực thi hành kể từ khi được Quốc hội biểu quyết thông qua.

Trước đó, ngày 25/8/2020, hãng tin Al Jazeera đăng tải danh sách những người nước ngoài đã sở hữu hộ chiếu Cộng hòa Síp cùng với thông tin về chương trình hộ chiếu của Cộng hòa Síp (Cyprus) cho phép những ai đầu tư ít nhất khoảng 2,5 triệu USD sẽ sở hữu hộ chiếu nước này; đồng nghĩa với việc cá nhân đó trở thành công dân EU, được đi lại, làm việc tự do ở 27 nước thành viên EU và có thể nhập cảnh vào 174 quốc gia mà không cần visa. ĐBQH Phạm Phú Quốc là một trong những cái tên được Al Jazeera nêu lên.

Trả lời báo chí, ĐBQH Phạm Phú Quốc cũng thừa nhận ông có quốc tịch Síp từ giữa năm 2018 nhưng "do gia đình bảo lãnh chứ không phải ông "mua" quốc tịch như thông tin từ hãng tin Al Jazeera.

Ông Phạm Phú Quốc đã có đơn xin thôi là Đại biểu Quốc hội và thôi chức vụ Tổng Giám đốc tại Công ty TNHH Một thành viên Phát triển công nghiệp Tân Thuận vào ngày 25/8 sau khi thông tin trên được công bố.

Việc ông Phạm Phú Quốc có 2 quốc tịch mà không khai báo với tổ chức Đảng, các cơ quan quản lý được cho là không trung thực, không gương mẫu, vi phạm tư cách đảng viên.

Ngày 2/11, trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội, đại biểu Nguyễn Tuấn Anh (Đoàn Bình Phước) - Phó Trưởng Ban Công tác Đại biểu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chia sẻ, vấn đề này không chỉ một mà rất nhiều đại biểu trăn trở và khi đi tiếp xúc cử tri, cử tri cũng nói nhiều.

Đại biểu Nguyễn Tuấn Anh cho rằng, tất cả những đại biểu trúng cử Quốc hội khóa XIV, được công nhận tư cách đại biểu đều là những người đủ điều kiện làm đại biểu Quốc hội, đã được thẩm tra và xác nhận đủ tư cách đại biểu Quốc hội khi đó. Sở dĩ có những đại biểu bị thôi nhiệm vụ, phải miễn nhiệm hoặc đương nhiên mất quyền đại biểu phát sinh trong thời gian giữa nhiệm kỳ là do quá trình thẩm tra ban đầu chưa phát hiện được vi phạm.

Phó Trưởng Ban Công tác Đại biểu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, từ những vụ việc như vừa qua, cần phải đặt ra vấn đề chọn người thế nào cho chuẩn hơn, và ngay cả trong quá trình làm đại biểu rồi cũng cần phải thường xuyên giám sát và đánh giá đại biểu, ví dụ như đánh giá theo định kỳ hàng năm, tương tự như quy trình đánh giá với cán bộ công chức. Nhưng hiện nay chưa có cơ chế nào để làm việc này.

"Như trường hợp đại biểu Phạm Phú Quốc, nếu chúng ta tiến hành đánh giá hàng năm thì qua đánh giá đó, từ năm 2018 đã có thể xác định được việc đại biểu có 2 quốc tịch. Như vậy, Quốc hội đỡ phải xem xét thông qua kênh báo chí phản ánh mà đã chủ động việc bãi nhiệm, miễn nhiệm từ khi đó" - ông Nguyễn Tuấn Anh nói.

Phó Trưởng Ban Công tác Đại biểu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, những sự việc đáng tiếc vừa qua cần được xem là hồi chuông cảnh tỉnh khi chúng ta chuẩn bị tiến hành bầu cử Quốc hội khóa XV, bầu cử HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 tới.

Mời độc giả xem thêm video Ông Phạm Phú Quốc: “dính” nghi vấn chi triệu đô mua quốc tịch Síp

Nguồn: VTV TSTC

Hải Ninh

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/xa-hoi/cong-bo-nghi-quyet-cua-quoc-hoi-bai-nhiem-dai-bieu-pham-phu-quoc-1459935.html