Công bố Pháp lệnh về trình tự áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án

Pháp lệnh số 03 về trình tự, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/2/2023.

Cần thiết ban hành Pháp lệnh

Chiều 30/12, Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức Họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam công bố Pháp lệnh trình tự, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân.

Ông Nguyễn Trí Tuệ - Phó Chánh án Thường trực Tòa án nhân dân tối cao phát biểu

Ông Nguyễn Trí Tuệ - Phó Chánh án Thường trực Tòa án nhân dân tối cao phát biểu

Pháp lệnh số 03/2022/UBTVQH15 về Trình tự, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân, được Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV thông qua ngày 13/12/2022, tại phiên họp thứ 18. Pháp lệnh này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/2/2023.

Chia sẻ về sự cần thiết ban hành Pháp lệnh, ông Nguyễn Trí Tuệ - Phó Chánh án Thường trực Tòa án nhân dân tối cao cho biết, ngày 20/1/2014, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII đã ban hành Pháp lệnh số 09/2014/UBTVQH13 về trình tự, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân (sau đây gọi là Pháp lệnh số 09).

Sau hơn 8 năm triển khai thi hành Pháp lệnh số 09, bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình triển khai thi hành Pháp lệnh số 09, vẫn còn một số hạn chế và bất cập như: Việc tham vấn ý kiến của các cơ quan chuyên môn khi cần làm rõ tình trạng sức khỏe, tâm lý, điều kiện sống, học tập và làm việc của người bị xử lý vi phạm còn thiếu cụ thể, chung chung.

Bên cạnh đó, thiếu quy định về chi phí, lệ phí trong việc xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính; chưa quy định việc tổ chức phiên họp trực tuyến; cung cấp tài liệu bằng hình thức điện tử qua Cổng thông tin điện tử của Tòa án để phù hợp với thực tiễn; thiếu các quy định đặc thù đối với người chưa thành niên; không cho đình chỉ việc xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính đối với trường hợp người bị đề nghị đang bị bệnh hiểm nghèo...

Ngoài ra, ngày 13/11/2020, tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính, trong đó sửa đổi bổ sung nhiều quy định có liên quan đến áp dụng pháp xử lý hành chính... Như vậy, Pháp lệnh số 09 không còn phù hợp và chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn.

Quy định rõ thời hạn Tòa án phải xem xét giải quyết

Theo ông Nguyễn Trí Tuệ, Pháp lệnh số 03 gồm 05 Chương 44 điều. Về phạm vi điều chỉnh, Pháp lệnh quy định trình tự, thủ tục Tòa án nhân dân xem xét, quyết định việc áp dụng các biện pháp xử lý hành chính đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc;

Trình tự, thủ tục xem xét, quyết định việc hoãn, miễn chấp hành, giảm thời hạn, tạm đình chỉ hoặc miễn chấp hành phần thời gian áp dụng biện pháp xử lý hành chính còn lại; khiếu nại, kiến nghị, kháng nghị và giải quyết khiếu nại, kiến nghị, kháng nghị trong việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính.

Về nguyên tắc xem xét, quyết định áp dụng biện pháp hành chính: khi xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính bên cạnh việc bảo đảm các nguyên tắc theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính còn phải bảo đảm các nguyên tắc khác như: Quyền được bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị đề nghị; quyền dùng tiếng nói, chữ viết của dân tộc mình; quyền được xem xét theo hai cấp; được tham gia, trình bày ý kiến trước Tòa án, tranh luận tại phiên họp...

Bên cạnh đó, Pháp lệnh còn quy định những nguyên tắc xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đối với người chưa thành niên bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào trường giáo dưỡng phải bảo đảm tính đặc thù, phù hợp với người chưa thành niên.

Chẳng hạn như: Trình tự, thủ tục phải tiến hành nhanh chóng, kịp thời; bảo đảm thủ tục thân thiện, phù hợp với tâm lý, giới, lứa tuổi, mức độ trưởng thành, khả năng nhận thức của họ; người chưa thành niên mà không có người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp thì Tòa án yêu cầu tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý cử trợ giúp viên pháp lý, luật sư theo quy định của Luật Trợ giúp pháp lý hoặc Đoàn luật sư phân công tổ chức hành nghề luật sư cử luật sư để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ.

Pháp lệnh cũng quy định việc xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính phải được Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp thực hiện kiểm sát tính hợp pháp của các hành vi, quyết định của Tòa án nhân dân, cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính; Viện kiểm sát có quyền yêu cầu, kiến nghị, kháng nghị nhằm bảo đảm việc giải quyết kịp thời, đúng pháp luật.

Mặt khác, Pháp lệnh quy định chặt chẽ các trình tự, thủ tục Tòa án nhân dân cấp huyện xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính (Chương II); Trình tự, thủ tục xem xét, quyết định hoãn, miễn, giảm, tạm đình chỉ hoặc miễn chấp hành phần thời gian áp dụng biện pháp xử lý hành chính còn lại (Chương III); xem xét giải quyết khiếu nại, kiến nghị, kháng nghị (Chương IV).

Cụ thể, quy định rõ thời hạn Tòa án phải xem xét giải quyết; thời hạn mở phiên họp, thời hạn bổ sung tài liệu, chứng cứ, hoãn phiên họp, gửi các quyết định của Tòa án và thời hạn kiến nghị, kháng nghị; quy định cụ thể các trường hợp được đình chỉ, tạm đình chỉ việc xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính...

Quỳnh Nga

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/cong-bo-phap-lenh-ve-trinh-tu-ap-dung-cac-bien-phap-xu-ly-hanh-chinh-tai-toa-an-233115.html