Công bố quy hoạch tỉnh Lâm Đồng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050

Cùng với Hội nghị công bố quy hoạch tỉnh Lâm Đồng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, dự kiến diễn ra vào tháng 5 tới, nhân dịp này, địa phương sẽ tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư với danh mục gồm 227 dự án ưu tiên đầu tư ở nhiều lĩnh vực.

Ngày 7/5, trong thông cáo báo chí về Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và xúc tiến đầu tư vào tỉnh năm 2024, UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết, địa phương dự kiến tổ chức sự kiện trong tháng 5 tới.

Quy hoạch tỉnh Lâm Đồng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1727/QĐ-TTg, ngày 29/12/2023.

Tại hội nghị công bố quy hoạch, cùng với việc trình bày báo cáo quá trình xây dựng quy hoạch và những nội dung cốt lõi của quy hoạch tỉnh, UBND tỉnh Lâm Đồng sẽ tổ chức trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư cho các doanh nghiệp đối với 7 dự án, tổng số vốn đầu tư dự kiến gần 17.232 tỉ đồng.

Theo UBND tỉnh Lâm Đồng, quy hoạch được phê duyệt tại Quyết định số 1727/QĐ-TTg đã phân tích đánh giá các tiềm năng, lợi thế, nhận diện các điểm nghẽn của tỉnh Lâm Đồng trong phát triển kinh tế - xã hội; từ đó xác định các khâu đột phá và các vấn đề trọng tâm cần giải quyết, bao gồm tăng cường liên kết vùng, đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng diện rộng;

Sắp xếp, tái cấu trúc không gian lãnh thổ của tỉnh Lâm Đồng, hướng tới trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Xây dựng tỉnh Lâm Đồng trở thành điểm đáng đến, đáng sống, khẳng định vị thế và vai trò của tỉnh Lâm Đồng đối với vùng Tây Nguyên và cả nước.

Theo quy hoạch, hoa là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực trong lĩnh vực nông nghiệp, 1 trong 3 ngành kinh tế chủ lực của tỉnh Lâm Đồng. Ảnh: NH.

Mục tiêu phát triển đến năm 2030 Lâm Đồng trở thành tỉnh phát triển khá toàn diện của cả nước; xây dựng thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận thành trung tâm du lịch chất lượng cao của cả nước và khu vực Đông Nam Á, là trung tâm giáo dục, đổi mới sáng tạo;

Đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế, lấy phát triển nông, lâm nghiệp là trọng tâm, trụ đỡ; phát triển công nghiệp chế biến là động lực; phát triển du lịch là đột phá. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế vùng theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao hiệu quả dựa trên công nghệ cao, chuyển đổi số và giá trị gia tăng cao;

Phát triển kinh tế nông nghiệp bền vững, hiện đại, hiệu quả cao, hữu cơ, hướng đến hình thành các vùng chuyên canh quy mô lớn; trở thành trung tâm nghiên cứu, sản xuất nông nghiệp hữu cơ công nghệ cao tầm quốc gia và quốc tế;

Phát triển các ngành dịch vụ, du lịch, logistics dựa trên nền tảng số, chất lượng cao và đa dạng hóa các loại hình dịch vụ;

Ưu tiên phát triển bền vững công nghiệp khai thác, chế biến bauxit, alumin, công nghiệp chế biến nhôm và các sản phẩm từ nhôm; phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm sản;

Cao tốc Nha Trang- Liên Khương thuộc hành lang Đông- Tây, một trong số các dự án ưu tiên đầu tư của tỉnh Lâm Đông. Ảnh minh họa, nguồn: Sơn Hải Group.

Đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, kết nối giữa các vùng, giữa thành thị và nông thôn; phát triển không gian đô thị hiệu quả, bền vững, hình thành các vùng kinh tế động lực, các trung tâm kinh tế, phát triển đô thị mới gắn với động lực, tiềm năng, thế mạnh từng vùng với tầm nhìn dài hạn, toàn diện, có tính chiến lược, tôn trọng quy luật thị trường và nguyên tắc phát triển bền vững; bảo đảm tính tầng bậc, liên tục, thống nhất, đầy đủ, tích hợp của hệ thống quy hoạch;

Tầm nhìn đến năm 2050 tỉnh Lâm Đồng đạt các tiêu chuẩn để trở thành thành phố trực thuộc trung ương hiện đại, có bản sắc, xanh, thông minh và đáng sống.

Quy hoạch nhấn mạnh phương hướng phát triển 3 lĩnh vực quan trọng của địa phương, bao gồm nông nghiệp, du lịch- dịch vụ- thương mại và công nghiệp - xây dựng.

Trong đó phát triển ngành nông, lâm, thủy sản toàn diện và hiện đại, trở thành Trung tâm nghiên cứu, sản xuất công nghệ cao tầm Quốc gia và Quốc tế; là vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ, sản xuất hàng hóa có giá trị cao trên thị trường Đông Nam Á.

Với ngành du lịch, Lâm Đồng phấn đấu đến năm 2030 trở thành “Thiên đường xanh” với sức hút của các trung tâm du lịch nghỉ dưỡng - sinh thái - chăm sóc sức khỏe - thể thao cao cấp hàng đầu Việt Nam và Đông Nam Á;

Cùng với QL27C, tuyến cao tốc Nha Trang- Liên Khương tạo một trục giao thông ngang hướng Đông- Tây mới, kết nối Tây Nguyên với Nam Trung bộ; kết nối rừng- biển, các trung tâm kinh tế- du lịch vùng. Ảnh: NH.

Phát triển hệ thống khu, điểm du lịch theo các cụm không gian du lịch, hành lang kinh tế; trong đó thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận trở thành đô thị du lịch chất lượng cao, phát triển kinh tế ban đêm, hiện đại, đẳng cấp quốc tế; thành phố Bảo Lộc và vùng phụ cận trở thành vệ tinh, trung tâm du lịch cấp vùng;

Tập trung đầu tư 6 nhóm sản phẩm du lịch chính: Du lịch nghỉ dưỡng - chữa bệnh - chăm sóc sức khỏe - thể thao cao cấp (gôn, đua ngựa, đua chó…); du lịch sinh thái - mạo hiểm; du lịch nông nghiệp, nông thôn; du lịch văn hóa tâm linh; du lịch đô thị; du lịch sáng tạo.

Các dự án ưu tiên được tỉnh Lâm Đồng kêu gọi đầu tư gồm 227 dự án, ở nhiều lĩnh vực gồm giao, công nghiệp, văn hóa- thể thao và du lịch, y tế, dân cư- đô thị.

Một số dự án trọng tâm, trọng điểm: làKhu du lịch quốc gia Đankia - Suối vàng; cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc; Cao tốc Bảo Lộc - Liên Khương; Cao tốc Nha Trang - Liên Khương (CT.25); Nâng cấp, mở rộng Cảng hàng không Liên Khương từ cấp 4D thành cấp 4E; Tổ hợp nhà máy tuyển bauxit và chế biến Alumin, nhôm và các sản phẩm từ nhôm; Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Đà Lạt; Khu đô thị Liên Khương Prenn; Khu đô thị phía Đông Đà Lạt; Khu đô thị phía Tây Đà Lạt; Khu công nghiệp Phú Bình; Cảng cạn tại huyện Đức Trọng và thành phố Bảo Lộc.

PV

Nguồn BVPL: https://baovephapluat.vn/kinh-te/do-thi-xay-dung/cong-bo-quy-hoach-tinh-lam-dong-thoi-ky-2021-2030-tam-nhin-den-nam-2050-157556.html