Công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai đối với sạt lở đê biển Tây tỉnh Cà Mau

Ngày 20/7, Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau ban hành Quyết định số 1804/QĐ-UBND về việc công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai đối với sạt lở đê biển Tây tỉnh Cà Mau, đoạn từ bờ Nam cống Kênh Mới đến bờ Bắc cống Đá Bạc và Vàm Tiểu Dừa thuộc địa bàn huyện Trần Văn Thời và huyện U Minh.

Tại đoạn đê biển Tây thuộc địa bàn huyện Trần Văn Thời, triều cường có khi dâng cao gần 2m, ngang bằng mặt đê. Ảnh: Huỳnh Anh/TTXVN

Tại đoạn đê biển Tây thuộc địa bàn huyện Trần Văn Thời, triều cường có khi dâng cao gần 2m, ngang bằng mặt đê. Ảnh: Huỳnh Anh/TTXVN

Tình hình sạt lở khu vực đê biển Tây tỉnh Cà Mau, đoạn từ bờ Nam cống Kênh Mới đến bờ Bắc cống Đá Bạc và Vàm Tiểu Dừa diễn biến hết sức nghiêm trọng.

Ngày 3/8/2019, sóng lớn kết hợp với mưa kèm theo dông lốc và triều cường dâng cao với mực nước đo tại cống Đá Bạc +1,70m, khiến nước biển tràn qua tuyến đê biển Tây đoạn từ Kênh Mới đến Đá Bạc từ 0,3 - 0,4m, gây ra sạt lở đặc biệt nguy hiểm đến nhiều đoạn đê. Một số vị trí sạt lở đã khoét sâu vào tận thân đê, làm mất ổn định, gây nguy cơ vỡ đê rất cao, đe dọa tính mạng, tài sản của người dân và ảnh hưởng rất lớn đến cơ sở hạ tầng, sản xuất khu vực phía trong đê biển Tây.

Ngày 11/7/2022, sóng lớn do ảnh hưởng của gió mùa Tây Nam và triều cường đã gây sạt lở 3 vị trí với tổng chiều dài 110m tại đê biển Tây. Thời điểm xảy ra sự cố có gió cấp 5, cấp 6, giật cấp 7; lượng mưa ngày dự báo 50 - 90mm. Tuy nhiên, lượng mưa thực tế đo được 70 - 100mm, riêng tại huyện Trần Văn Thời là 146mm. Thủy triều dâng cao nhất +1,75m (tại Đá Bạc), vượt trên báo động 3 là 0,8m. Mực nước sông dâng lên đến mức cao, gây ảnh hưởng ngập úng nghiêm trọng và có thể gây nguy hiểm cho đời sống sinh hoạt, sản xuất của nhân dân, đe dọa đến tính mạng và tài sản của nhân dân. Sóng biển ven bờ cao từ 1,5 - 2m, thời điểm cao nhất tràn qua mặt đê bê tông (+3,0m) là 15 - 20cm, cấp độ rủi ro thiên tai được xác định là cấp 2.

Bên cạnh đó, sóng lớn do ảnh hưởng của gió mùa Tây Nam và triều cường gây ảnh hưởng trực tiếp đến bờ biển Tây tỉnh Cà Mau với tần suất ngày càng nhiều. Thống kê từ năm 2019 đến nay, tại Cà Mau, hai lần mực nước triều cường dâng cao, ảnh hưởng của sóng gió làm nước biển tràn qua thân đê biển Tây với mức độ ảnh hưởng năm sau cao hơn năm trước. Hiện, bờ biển Tây thuộc địa bàn huyện Trần Văn Thời và huyện U Minh có đến 5 vị trí sạt lở đặc biệt nghiêm trọng với tổng chiều dài 2.692m.

Cơ quan chức năng tỉnh cho biết thêm, sạt lở không chỉ gây ảnh hưởng trực tiếp đến tuyến đê biển Tây mà còn có nguy cơ đe dọa trực tiếp đến an toàn tính mạng, sức khỏe, tài sản của nhiều người dân tại các khu dân cư tập trung Vàm Đá Bạc và Sào Lưới. Ngoài ra, các công trình đê điều, công trình phòng, chống thiên tai ở đê biển Tây; hệ thống lưới điện, các khu di tích lịch sử cấp quốc gia ở Khu Di tích Đá Bạc, trường học nơi đây đang đặt trong tình trạng báo động nguy hiểm.

Trước mắt, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị, chính quyền địa phương phối hợp triển khai thực hiện ngay một số biện pháp khẩn cấp để ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai, ngăn chặn, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do sạt lở gây ra.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các đơn vị liên quan có trách nhiệm huy động các nguồn lực (bao gồm cả nguồn lực từ Quỹ Phòng, chống thiên tai) để ứng phó với tình huống khẩn cấp; huy động lực lượng, phương tiện và các nguồn lực để cứu hộ, cứu nạn; tổ chức cấp cứu kịp thời người bị nạn; nhanh chóng sơ tán, di dời nhân dân ra khỏi khu vực sạt lở nguy hiểm và khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở nguy hiểm...; thông báo, cắm biển cảnh báo, khoanh vùng ngăn không cho người, phương tiện vào khu vực sạt lở, bố trí cán bộ trực canh theo dõi chặt chẽ diễn biến sạt lở.

Đồng thời, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn bố trí lực lượng trực theo dõi chặt chẽ diễn biến sạt lở; phối hợp chặt chẽ với UBND huyện Trần Văn Thời và huyện U Minh thực hiện khoanh vùng khu vực bị sạt lở đặc biệt nguy hiểm và có nguy cơ sạt lở nguy hiểm, thiết lập hành lang an toàn; lắp đặt biển báo tại khu vực sạt lở đặc biệt nguy hiểm.

Cùng với đó, chính quyền địa phương làm tốt việc tổ chức vận động, sơ tán người và di dời tài sản ra khỏi khu vực sạt lở đặc biệt nguy hiểm và khu vực có nguy cơ sạt lở nguy hiểm (phía ngoài đê); cấm mọi tác động vào rừng và đất rừng khu vực này, không để xảy ra tình trạng sạt lở diễn ra nhanh và nguy hiểm hơn; thông báo, cắm biển cảnh báo, biển giới hạn tải trọng xe.

UBND tỉnh chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức khảo sát, lựa chọn giải pháp và lập thủ tục đầu tư các dự án chống sạt lở nêu trên theo tình huống khẩn cấp, trình cấp thẩm quyền thẩm định, phê duyệt theo quy định của Luật Đầu tư công và các quy định có liên quan; tổ chức triển khai thực hiện công trình theo tình huống khẩn cấp.

Kim Há (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/thoi-su/cong-bo-tinh-huong-khan-cap-ve-thien-tai-doi-voi-sat-lo-de-bien-tay-tinh-ca-mau-20220720183143663.htm