Công chúa ngoại tình ngay trong ngày cưới

Nghe viên thái giám hầu cận tâu, vua Nguyên Phong (họ Trần, húy là Cảnh, khi mất được dâng tôn hiệu là Thái Tông hoàng đế) ngẩng lên.

- Muôn tâu bệ hạ, đức Thụy Bà cầu kiến.

Chiếc đồng hồ nước hình rồng đã chỉ giờ Hợi. Khuya thế này mà công chúa Thụy Bà còn xin gặp mình, thì hẳn là có việc quan trọng, gấp gáp lắm đây. Nghĩ vậy, ngài bảo viên thái giám triệu vào. Lát sau, công chúa Thụy Bà đến, mặt đầy hoảng hốt, quỳ sụp xuống. Nhà vua khoát tay:

- Có việc gì, chị đứng dậy rồi hãy nói.

Nhưng công chúa không chịu đứng dậy:

- Xin bệ hạ rủ lòng thương, cứu lấy Quốc Tuấn. Lúc này, chỉ có bệ hạ mới cứu được nó mà thôi.

Nghe vậy, nhà vua chột dạ, hỏi dồn:

- Làm sao? Quốc Tuấn làm sao?

- Muôn tâu bệ hạ... Quốc Tuấn... Quốc Tuấn đang ở buồng công chúa Thiên Thành.

Nhà vua đập bàn:

- To gan. Làm sao nó dám thế?

Thiên Thành là công chúa con vua Nguyên Phong, được ngài gả cho Trung Thành vương. Chính hôm nay là ngày cưới. Trước đó mấy hôm, ngài đã cho công chúa đến ở dinh Nhân Đạo vương, thân sinh của Trung Thành vương. Giờ này, nhà trai đang chuẩn bị đón công chúa từ dinh Nhân Đạo vương về phủ Trung Thành vương để làm lễ động phòng. Thế mà Quốc Tuấn lại đang ở cùng phòng với công chúa, tức là gian phu. Theo luật, nếu bắt được gian phu trong buồng cô dâu, thì nhà trai có thể giết ngay cũng không bị truy cứu. Còn nếu giải đến hình quan, thì gian phu cũng không tránh khỏi tội bêu đầu. Nhà thường dân còn thế, huống chi đây gian phu lại phạm đến lá ngọc cành vàng. Vương tử phạm pháp, xử như thứ dân. Nghĩ vậy, nhà vua toan hô thị vệ bắt Quốc Tuấn về xử tội. Nhưng công chúa Thụy Bà nức nở:

- Muôn tâu bệ hạ, Quốc Tuấn và Thiên Thành từ lâu đã yêu nhau tha thiết, tình nghĩa sâu nặng. Nay thấy bệ hạ gả người yêu cho Trung Thành vương, nên nó phẫn chí, không kể gì đến tính mạng. Chỉ xin bệ hạ rủ lòng thương.

Nghe vậy, vua Nguyên Phong lại chần chừ. Quốc Tuấn là con của An Sinh vương Trần Liễu, anh ruột nhà vua. Còn Thụy Bà lại là chị của cả hai người. Từ nhỏ, Quốc Tuấn đã được Thụy Bà nuôi nấng, coi không khác gì con đẻ. Trước cái chết đang sắp sửa giáng xuống đầu con, lòng người mẹ nào không đau xót. Chao ôi, cuộc đời sao mà lắm nỗi éo le. Dẫu là đế vương, nắm trong tay uy quyền tối thượng, mà cũng không sao thoát khỏi lưới tình. Nhà vua và An Sinh vương Liễu vừa là anh em ruột, lại vừa là anh em cọc chèo. Nhà vua được Lý Chiêu hoàng kén làm chồng rồi nhường ngôi cho, lui xuống làm Chiêu Thánh hoàng hậu, còn An Sinh vương lấy Thuận Thiên, chị ruột của Chiêu Thánh.

Nhà vua và Chiêu Thánh ăn ở với nhau chục năm mà không được mụn con nào, trong khi đó thì Thuận Thiên đã mang thai. Trước tình cảnh đó, để ổn định lòng dân, chú của hai người là thái sư Trần Thủ Độ đã bắt An Sinh vương “nhường” vợ cho em, giáng Chiêu Thánh hoàng hậu xuống làm công chúa. Vì việc đó mà ngài chán nản, đã che mặt trốn khỏi kinh thành, tìm lên Yên tử tu hành, nhưng vẫn bị Thủ Độ phát hiện, tìm lên tận Yên Tử bắt phải trở về làm vua, còn An Sinh vương thì nổi giận, dấy quân làm loạn, và suýt nữa thì đã bỏ mạng dưới lưỡi gươm của Trần Thủ Độ, nếu không được chính nhà vua lấy thân mình che chắn.

Vụ bê bối “nhường vợ” ấy vừa tạm lắng, thì nay lại nảy sinh một vụ tầy đình: Công chúa ngoại tình ngay trong ngày cưới. Nếu chuyện này vỡ lở, tiếng đồn lan ra ngoài, thì uy tín hoàng gia còn đâu. Ngẫm nghĩ kỹ, nhà vua thấy trong chuyện này cũng có một phần lỗi của chính mình, là bắt con lấy một người mà nó không yêu. Nghĩ vậy, nhà vua lập tức hô ngự lâm quân chuẩn bị kiệu.

Kiệu vua đi như bay đến phủ Nhân Đạo vương. Phủ đệ trang hoàng lộng lẫy, cỗ bàn bày la liệt, khách khứa đang chè chén náo nhiệt. Chợt thấy kiệu vua, tất cả vội quỳ rạp xuống. Nhưng nhà vua không đáp lời một ai, ngài ra lệnh cho kiệu tiến thẳng đến phòng cô dâu, mới xuống kiệu bước vào. Thấy Trần Quốc Tuấn và con gái mình vẫn đắm đuối nhìn nhau, bốn con mắt đều đẫm lệ. Thấy vua cha đột ngột xuất hiện, cả hai hốt hoảng quỳ sụp xuống. Nhưng nhà vua khoát tay:

- Đứng dậy, lên kiệu, theo trẫm về cung.

Sáng hôm sau, nhà vua thiết triều, phân xử:

- Công chua Thiên Thành gả cho Trần Quốc Tuấn. Còn Trung Thành vương được đền 2.000 mẫu ruộng.

Thế là sóng gió qua đi. Nhưng điều đáng nói là Trung Thành vương và Trần Quốc Tuấn, sau đó, đều không ai để bụng hiềm khích với ai. Cả hai đều sát cánh bên nhau trong 3 cuộc kháng chiến chông giặc Nguyên - Mông xâm lược. Phần mình, khi lấy được người mình yêu, công chúa Thiên Thành cũng sát cánh cùng chồng, lo việc hậu cần trong 3 lần chống giặc, và sinh cho Quốc công Tiết chế Hương Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn những người con tài năng lừng lẫy như Hưng Nhượng vương Trần Quốc Tảng, Hưng Vũ vương Trần Quốc Nghiễn, Hưng Trí vương Trần Quốc Trí...

NHÀ VĂN VŨ HỮU SỰ (Kiến thức gia đình số 22)

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/cong-chua-ngoai-tinh-ngay-trong-ngay-cuoi-post219245.html