Công chức 'lạ' 8X được Forbes vinh danh: 'Đừng làm việc chỉ vì tiền'

Phan Hoàng Lan là một công chức 'lạ' của Bộ Khoa học và Công nghệ khi xuất hiện trong trong danh sách 30 under 30 của Forbes và được gọi là 'bà đỡ khởi nghiệp Việt'.

Cuộc sống của Phan Hoàng Lan kể từ khi được Forbes Việt Nam vinh danh trong danh sách Under 30 năm 2017 không có nhiều thay đổi. Mỗi sáng, cô vẫn chạy xe máy tới văn phòng và làm việc say sưa, có những hôm đến 21-22h, không kịp ăn tối với gia đình. Lịch trình của Lan có phần khác với tưởng tượng của không ít người về công việc nhàn hạ của nhiều viên chức. Cô gái trẻ sinh năm 1988, hiện là Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính, Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp Khoa học công nghệ (NATEC) thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ, có những chia sẻ cởi mở với Zing.vn về câu chuyện hỗ trợ các dự án startup (khởi nghiệp) ở Việt Nam.

- Sau khi được Forbes Việt Nam vinh danh, dư luận có gọi chị là “bà đỡ khởi nghiệp”, chị nghĩ sao về biệt danh này?

- Đây là lần đầu tiên tôi nghe thấy biệt danh đó (cười). Có lẽ tôi không dám nhận, vì chỉ may mắn được tham gia vào xây dựng chính sách hỗ trợ khởi nghiệp từ những ngày đầu tiên và không phải tôi làm tất cả mọi thứ. Khi xây dựng chính sách hỗ trợ khởi nghiệp cần sự chung sức của rất nhiều các cấp cơ quan, bộ ngành nên tôi cũng không dám nhận đã làm gì đó quá lớn lao.

Tôi chỉ có kiến thức thu góp trong quá trình tiếp xúc với cộng đồng khởi nghiệp, tiếp xúc với các chính sách trong và ngoài nước và muốn mang kiến thức đó chia sẻ cho những người làm chính sách sau này.

- Học thạc sĩ Kinh tế phát triển ở Anh, giờ vẫn học tiếp nghiên cứu sinh ở Malaysia, vì sao chị lại chọn làm việc trong cơ quan Nhà nước thay vì theo xu hướng bây giờ của nhiều người trẻ là tìm các công ty, thậm chí là công ty nước ngoài vì mức đãi ngộ của những đơn vị này khá tốt?

- Người trong nhà tôi hầu hết đều làm Nhà nước cả. Còn nói vì sao chọn thay vì làm việc ở một công ty nào đó thì có lẽ tôi bị ảnh hưởng bởi ông bà nội. Ông bà tôi làm việc tại Viện Kiểm sát nhân dân tối cao.

Hồi còn nhỏ, ở với ông, tôi đã có mong muốn được làm về chính sách để giúp cho mọi người có cuộc sống tốt đẹp hơn. Và sau này, khi đi học, rồi đi du học, tôi vẫn chọn con đường đó.

Tôi học chuyên tin, rất thích học toán. Hồi bé, có lúc tôi còn mơ ước chế tạo, thiết kế được robot (cười) nhưng phải đến khi học THPT thì ý thức nghề nghiệp mới rõ ràng hơn.

- Cơ duyên nào để chị làm việc về khởi nghiệp ở Bộ Khoa học Công nghệ và tham gia xây dựng đề án 844 về hỗ trợ khởi nghiệp?

- Tôi học về xây dựng chính sách cho các nước đang phát triển, đặc biệt tập trung vào các chính sách liên quan đến đổi mới sáng tạo, xây dựng kinh tế tri thức. Vì thế những việc tôi làm ở Bộ Khoa học và Công nghệ khá phù hợp với những điều mình từng được học tại nước ngoài.

Tôi làm việc được một thời gian thì đến năm 2013, Bộ Khoa học và Công nghệ có đề án Thương mại hóa công nghệ với tên Vietnam Silicon Valley (VSV). Đây là đề án về mô hình thúc đẩy phát triển kinh doanh dành cho khởi nghiệp rất mới, là sự kết hợp giữa Nhà nước và tư nhân để hỗ trợ khởi nghiệp.

Sau khi hỗ trợ dự án trong khoảng hai năm về mặt chính sách, tôi nhận ra việc hỗ trợ khởi nghiệp rất có ý nghĩa. Các bạn làm khởi nghiệp chỉ cần một cú hích là có thể làm được rất nhiều điều cho xã hội. Trong khi đó, VSV một năm chỉ hỗ trợ được 10-20 nhóm khởi nghiệp. Tôi nghĩ tại sao không làm gì đó có độ phủ rộng cao hơn.

Nhóm nghiên cứu chúng tôi cũng nhận được sự đồng thuận của lãnh đạo Bộ và đề xuất về một đề án quốc gia liên quan khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Cả nhóm cũng nghiên cứu và phỏng vấn rất nhiều đơn vị trong hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam. Đề án cuối cùng đã được Chính phủ thông qua và có được quy mô như hiện tại.

- Trong quá trình xây dựng chính sách khởi nghiệp thì đâu là kỷ niệm khiến chị nhớ nhất?

- Kỷ niệm thì nhiều. Nhưng đáng nhớ nhất là sự kiện Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia - Techfest đầu tiên năm 2015. Khi đó, chưa nhiều người, đặc biệt trong khối cơ quan Nhà nước, biết rõ khởi nghiệp sáng tạo là gì. Cách tổ chức sự kiện cũng có nhiều khác biệt so với các sự kiện của bộ ngành trước đây và hoàn toàn chưa có tiền lệ.

Do là sự kiện cho các bạn trẻ khởi nghiệp nên cách làm cũng rất trẻ và không thể chắc chắn rằng các bạn trẻ làm startup có đến dự hay không. Mình được các lãnh đạo của Bộ hỗ trợ và tin tưởng rất nhiều song mọi người cũng lo sự kiện thất bại.

Đến sáng khai mạc, các bạn trẻ đến khá muộn. Sự kiện bắt đầu lúc 8h thì khoảng 30 phút sau, mọi người đến đông. Trong khoảng 30 phút ấy, khán phòng trống, thưa người, các lãnh đạo rất giận. Họ nói với mình “thế này thì hỏng hết cả sự kiện”.

Sự kiện này có cả bộ trưởng, thứ trưởng và lãnh đạo nhiều cơ quan khác đến dự. Tôi bị mắng, và thật sự rất sợ. Nhưng sau đó thì mọi người đến đông, sự kiện thành công, cảm giác mọi người bắt đầu cảm thấy hứng thú và ủng hộ.

Tôi còn hỏi lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ là liệu tôi có bị đuổi việc không. Vui, nhưng thật sự cũng mệt vì đêm hôm trước, cả nhóm phải thức cả đêm để dựng gian hàng giúp các bạn, kê bàn ghế. Đến 7h lại tổng duyệt lần cuối vì tôi làm đơn vị tổ chức kiêm MC do kinh phí hạn hẹp.

Nhiều nhà đầu tư cùng quan khách ngày hôm đó cũng rất bất ngờ khi Việt Nam có một sự kiện về khởi nghiệp tại thời điểm đó. Dù bàn ghế còn sơ sài, không được chuẩn năm sao, những người tham dự vẫn rất thích vì mang tinh thần khởi nghiệp, vượt lên khó khăn. Rất may là sự kiện đã diễn ra suôn sẻ và đó cũng là kỷ niệm rất đáng nhớ.

- Giúp đỡ các dự án khởi nghiệp sáng tạo ở Việt Nam, đâu là điều khó khăn nhất?

Khó khăn nhất tôi nghĩ không phải nằm ở nguồn lực mà nằm ở văn hóa khởi nghiệp, ở lối tư duy. Văn hóa này mới hình thành ở Việt Nam và chưa thể hoàn thiện như tại nhiều nước trên thế giới.

Lấy ví dụ điển hình nhất là văn hóa chấp nhận thất bại. Kể cả nhà đầu tư hay người làm chính sách thì họ cần hiểu nếu hỗ trợ 10 startup thì nhiều khả năng 9 trong số đó, hay thậm chí 9,5 trong số đó, sẽ “chết”.

Cách đây một năm tôi có tham gia phát biểu tại một trường đại học về việc hỗ trợ sinh viên của trường khởi nghiệp sáng tạo. Tới cuối cùng lãnh đạo trường có nói một câu là khởi nghiệp ở đâu có thể thất bại nhưng trường tôi thì không thể thất bại. Tôi thấy tinh thần đó thực sự là chưa được (cười).

Nếu tư duy như vậy thì không thể hỗ trợ khởi nghiệp bởi trong trường hợp hỗ trợ khởi nghiệp, Nhà nước bỏ ra 1 đồng và mong doanh nghiệp khởi nghiệp trả lại 1 đồng trong tương lai hoặc ít nhất tạo ra một cái gì đó, một sản phẩm gì đó, phải thành công. Nếu không phải trả lại tiền cho Nhà nước thì sẽ rất khó vì không ai biết được ai sẽ là người thành công.

Ngay cả những nhà đầu tư lão luyện cũng không thể biết chắc chắn ai sẽ là người thành công thì những người làm chính sách và những người làm hỗ trợ khởi nghiệp ở những bước ban đầu sẽ như mò kim đáy bể.

Do đó, tư duy chấp nhận rằng 100 startup được hỗ trợ sẽ có 90, 95 hay thậm chí 99 startup thất bại là điều cần thời gian để những người hoạch định chính sách có thể nắm được.

- Nhiều người cho rằng nếu khởi nghiệp 10 làm 9 hỏng thì có phải phong trào đáng khuyến khích?

- Việc 10 người làm 9 người hỏng về nhiều mặt vẫn rất tốt. Một người thành công sẽ trở thành mũi nhọn cho kinh tế trong tương lai. Nếu không có hỗ trợ cho khởi nghiệp, sẽ chẳng có bất kỳ một startup nào thành công để trở thành mũi nhọn kinh tế cả.

Mặt khác thì thất bại trong khởi nghiệp không hoàn toàn là mất đi. Những startup thành công nhất như Facebook hay Google cũng từng thất bại nhiều lần với nhiều ý tưởng khác nhau trước khi thành công với một mô hình kinh doanh nhất định nào đó.

Các nhà đầu tư đã đúc kết để thành công thì đều qua vấp ngã. Có người nói rằng nhà sáng lập startup phải thất bại ít nhất 3 lần, những thất bại đó sẽ trở thành kinh nghiệm, giá trị về mặt kiến thức để người sáng lập tiếp tục tạo ra những thành công về sau.

Ngoài ra, nhiều nhà sáng lập không thành công vẫn quay lại đi làm cho những công ty, tập đoàn khác và tiếp tục chuyển giao kiến thức cho tập đoàn, công ty mới. Do đó, trong khởi nghiệp sáng tạo, nếu mình thất bại thì gần như mình không mất gì cả.

- Vậy thì theo chị, hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam còn thiếu điều gì và có những rào cản nào về chính sách?

- Thực ra thì hệ sinh thái ở đâu cũng sẽ đi qua những cấp bậc khác nhau. Ví dụ như Singapore hay Malaysia cũng từng đi qua giai đoạn như tại Việt Nam, khi lượng tổ chức hỗ trợ và các chính sách còn ít và sơ sài, đây gần như là bước một. Giờ đây, hệ sinh thái của họ đã hoàn thiện hơn rất nhiều. Nếu để so sánh, hệ sinh thái startup tại Singapore và Malaysia hiện đã tiến tới bước 3 hay thậm chí hơn bước 3, trong khi Việt Nam đang trong giai đoạn từ bước 1 sang bước 2.

Tuy nhiên, đây là sự phát triển tự nhiên và Việt Nam cần đi chậm mà chắc. Về mặt chính sách thì hai năm vừa qua Việt Nam đã có nhiều chính sách hỗ trợ rất quan trọng, cho thấy sự quan tâm của Chính phủ tới phát triển khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Chúng ta vẫn đang thiếu những chính sách hỗ trợ nhà đầu tư nước ngoài vào rót vốn cho các startup Việt Nam. Các startup có tốc độ phát triển rất nhanh, có nhu cầu mở rộng thị trường rất nhanh và nếu chỉ phát triển trong lãnh thổ Việt Nam thì chưa đủ, do đó rất cần những chính sách để thu hút nhà đầu tư nước ngoài như xuất nhập cảnh cho nhà đầu tư, nền tảng gọi vốn cộng đồng, chính sách thoái vốn … Chính các nhà đầu tư này sẽ giúp startup Việt có thể mở rộng ra được thị trường quốc tế.

Những thủ tục hành chính phức tạp hiện tại về đăng ký đầu tư từ nước ngoài vào Việt Nam chỉ phù hợp với những khoản đầu tư theo kiểu FDI rất lớn, vài chục triệu USD trở lên nhưng lại chưa phù hợp với những khoản đầu tư cho khởi nghiệp với giá trị khoảng vài nghìn tới vài chục nghìn USD. Phải trải qua nhiều thủ tục như thế, nhà đầu tư nhỏ có lẽ sẽ cảm thấy bị cản trở và không muốn đầu tư tại Việt Nam nữa.

Mặt khác, nếu nhà đầu tư vẫn quan tâm, họ sẽ yêu cầu startup phải đi đăng ký kinh doanh ở Singapore hay Hong Kong, những nơi có thủ tục hành chính đơn giản hơn dẫn tới chảy máu chất xám khởi nghiệp. Mình nghĩ những thủ tục hành chính liên quan đến đăng ký đầu tư từ nước ngoài vào Việt Nam và sau khi đầu tư xong mang tiền từ Việt Nam trở lại nước ngoài chính là những rào cản lớn nhất.

- Hiện có rất nhiều bạn trẻ làm khởi nghiệp sáng tạo đang chịu những sức ép từ phụ huynh về thu nhập, về tính ổn định, chị có lời khuyên nào cho họ?

- Khởi nghiệp ở Việt Nam đang ở những bước ban đầu và bất kỳ bạn nào tự mở được một doanh nghiệp là tôi đã thấy rất ngưỡng mộ rồi. Mỗi khi thuyết phục một lãnh đạo thế hệ trước về một chính sách nào đó tôi đã thấy rất khó khăn thì các bạn thuyết phục gia đình, thuyết phục khách hàng, bỏ hết các cơ hội về một công việc ổn định là điều không hề đơn giản.

Bố mẹ các bạn băn khoăn cũng là điều không thể trách được nhưng mà có một điều tôi có thể khuyên các bạn là chúng ta nên nhìn xa ra. Tuổi từ 20-30 hay 30-40 nếu mình không làm gì thì sau đó sẽ rất hối hận. Đây là lúc chúng ta trẻ nhất, có nhiệt huyết nhất để làm những việc chúng ta muốn thì nên tận dụng. Trong 10-15 năm này hãy sống ra sao để mình cảm thấy ý nghĩa nhất, nghĩ dài hơn một chút thay vì nghĩ rằng các bạn khác đã kiếm được từng này thì mình cũng không nên thua kém.

- Chị có ý định startup?

- Hiện tại thì hơi khó để làm việc đó vì nếu vừa làm công chức Nhà nước vừa khởi nghiệp thì sẽ không hợp lý. Tuy nhiên, tôi nghĩ không hẳn phải làm một doanh nghiệp mới thì mới là khởi nghiệp.

Về tư tưởng, mình làm cái gì đó mới trong tổ chức của mình cũng giống như mình khởi nghiệp rồi. Ví dụ như bản thân tôi và các đồng nghiệp cũng luôn tìm kiếm những vấn đề mới, mong muốn tạo ra những giá trị mới.

- Khởi nghiệp thì không nhưng nếu là nhà đầu tư, có 1 triệu USD, chị sẽ đầu tư vào đâu?

- Tôi không muốn chỉ đầu tư vào một doanh nghiệp. Tôi sẽ đầu tư cho khoảng 10 dự án mang tính lan tỏa cao trong đó, đặc biệt là startup trong lĩnh vực sức khỏe, môi trường, những dự án clean-tech (công nghệ xanh - PV) đều rất cần thiết.

- Nói chuyện tiền, chị có thể tiết lộ mức lương hiện tại?

- Khoảng 5 triệu đồng/tháng (cười).

- Số tiền này, với nhiều người, khó có thể trang trải cuộc sống ở Hà Nội, chị thì sao?

- Hiện tại thì khoản thu nhập của tôi không đến hoàn toàn từ lương mà còn từ các dự án nghiên cứu hợp tác với các tổ chức nước ngoài nên phần nào cũng đủ để trang trải cuộc sống.

Tuy nhiên nếu nhìn rộng hơn, nhiều bạn đồng nghiệp của tôi đang gặp gánh nặng về thu nhập và phải tìm thêm thu nhập từ các công việc bên ngoài. Vừa làm công chức vừa làm nghề tay trái, không bạn đã nhanh chóng bị stress và phải nghỉ việc. Đây cũng là điều rất đáng tiếc bởi rất nhiều bạn được đào tạo bài bản, mong muốn được cống hiến cho Nhà nước nhưng nhanh chóng phải rời đi vì không chịu được áp lực vừa phải làm tại cơ quan tới tối muộn, vừa phải lo kiếm thêm nguồn thu nhập từ bên ngoài, không còn thời gian dành cho gia đình.

- Đi học nước ngoài về nhưng làm Nhà nước, chị có bao giờ băn khoăn về mức thu nhập?

- Khi tôi phỏng vấn các bạn vào nhóm, tôi phải khẳng định luôn với các bạn một điều là nếu các bạn cần thu nhập thì không nên xin vào đây. Tôi nghĩ làm những việc như mình đang làm có lẽ không thể vì tiền được.

- Thường thì mọi người nghĩ làm cơ quan Nhà nước sẽ nhàn hạ, thời gian cũng dư dả. Công việc của chị thì sao?

- Tôi nghĩ cũng có người làm Nhà nước thì nhàn nhưng không ít người rất bận rộn, vất vả. Tại Bộ Khoa học Công nghệ, nhân sự một số đơn vị có những hôm làm việc đến 22-23h. Gia đình tôi cũng phàn nàn. Bố mẹ tôi thỉnh thoảng than phiền vì thấy tôi dành quá nhiều thời gian cho công việc, họ thường xuyên phải chờ cơm tối vì tôi về muộn.

- Vậy có bao giờ chị nhẩm tính một ngày chị làm việc bao nhiêu tiếng?

- Khoảng 10-12 tiếng.

- Như thế là không còn thời gian cho các thú vui?

- Do công việc bận quá nên giờ tôi cũng không còn thú vui nào rõ ràng. Ngày trước, tôi có tham gia các hoạt động thiện nguyện, dạy tiếng Anh cho trẻ nghèo nhưng giờ không còn thời gian để duy trì.

- Nhiều người cho rằng phụ nữ nên chọn việc nhàn nhã rồi lấy chồng, sinh con, đó mới là thiên chức, vậy chọn việc vất vả như hiện tại chị có khi nào thấy hối tiếc không?

- Tôi cũng chưa bao giờ nghĩ sẽ chọn việc nhàn hạ. Đấy chắc là suy nghĩ dở hơi nhất trên đời (cười). Tôi mong muốn làm việc mà có ảnh hưởng tới xã hội và tạo ra giá trị mới.

Còn về hối tiếc hay không thì bản thân tôi từ lâu đã luôn muốn làm chính sách và công việc hiện tại thực sự khiến tôi rất vui. Chỉ khi mất quá nhiều thời gian mà không ra được vấn đề gì, tôi mới thấy mệt mỏi.

Ví dụ một văn bản chính sách mà chúng tôi soạn thảo ra chỉ mất một tháng nhưng lại mất tới nhiều tháng hoặc cả năm mà không thuyết phục được các đơn vị khác, đôi khi mệt quá cũng nghĩ sao mình lại làm công việc này, liệu làm công việc khác có mang lại ảnh hưởng tốt hơn cho xã hội không, nên lựa chọn gì giữa việc tạo một ảnh hưởng lớn hay việc tạo nhiều ảnh hưởng nhỏ...

- Trong cơ quan Nhà nước, người ta vẫn nói nhiều đến khái niệm “con ông cháu cha”. Chị nghĩ sao?

- Bản thân tôi nghĩ “con ông cháu cha” không phải là một cái gì quá xấu. Nếu bố mẹ bạn làm một việc gì rất nhiều năm rồi và truyền đạt lại cho bạn thì đó là điều rất tốt chứ sao. Kinh nghiệm đó được truyền đạt lại thì rất đáng quý. “Con ông cháu cha” chỉ xấu khi những người đó lợi dụng quan hệ của vượt qua người khác một cách không công bằng.

Bản thân tôi dù ở chức vụ này khi còn khá trẻ nhưng nếu đánh giá những gì làm được thì tôi nhận thấy đã cống hiến rất nhiều thời gian, trí tuệ cho công việc và đã tạo ra những giá trị nhất định. Tôi không quan tâm đến con đường chính trị, mình chỉ nghĩ làm gì để tạo ra ảnh hưởng tốt nhất cho xã hội mà thôi.

- Cảm ơn chị.

Ngô Minh - Lan Anh
Ảnh: Quỳnh Trang Đồ họa: Nhân Lê

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/cong-chuc-la-8x-duoc-forbes-vinh-danh-dung-lam-viec-chi-vi-tien-post828220.html