Công chức nào mà chả phải có… đạo đức!

Đừng đưa ra quy định theo kiểu chung chung, chau chuốt câu chữ rất hay nhưng khó thực hiện.

Ngày 21-8, Tổ công tác của Thủ tướng làm việc với 14 bộ, ngành để kiểm tra, xem xét việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật còn nợ đọng và việc cắt giảm thực chất điều kiện kinh doanh (ĐKKD).

Nhiều vấn đề “nóng” được nêu ra sau mỗi lần các bộ báo cáo về việc cắt giảm ĐKKD và đơn giản hóa thủ tục hành chính, thủ tục kiểm tra chuyên ngành. Mỗi lần một bộ báo cáo xong thì Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác, lại có những bình luận và lưu ý.

Chẳng hạn, đại diện Bộ Tư pháp khi báo cáo về cắt giảm ĐKKD cho rằng: Sở dĩ việc cắt giảm ĐKKD của bộ này còn chưa được như yêu cầu (cắt giảm 15/94 ĐKKD) là do một số nguyên nhân. Chẳng hạn như định nghĩa thế nào là ĐKKD cũng chưa rõ ràng, cách thống kê việc cắt giảm ĐKKD cũng như định lượng tác động của việc này cũng chưa thống nhất.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho rằng đừng ngại "thả" điều kiện kinh doanh ra thì ảnh hưởng đến các lĩnh vực khác. Ảnh: CHÂN LUẬN

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho rằng đừng ngại "thả" điều kiện kinh doanh ra thì ảnh hưởng đến các lĩnh vực khác. Ảnh: CHÂN LUẬN

Đặc biệt, đại diện Bộ Tư pháp lo ngại nếu không quy định chặt những điều kiện về đạo đức nghề nghiệp thì có thể các ngành lĩnh vực tư pháp sẽ không cung cấp được dịch vụ tốt cho xã hội. Hoặc giả, nếu không quy định chặt chẽ thì có thể dịch vụ pháp lý sẽ phải cạnh tranh với những doanh nghiệp từ bên ngoài vào.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng sau khi lắng nghe trình bày của Bộ Tư pháp nói rằng: Vấn đề quan trọng nhất phải là thay đổi tư duy trong quản lý nhà nước. “Bộ Tư pháp toàn đưa ra các quy định chung chung, về đạo đức chẳng hạn. Công chức ai mà chả phải có đạo đức. Đừng đưa ra các tiêu chuẩn chung chung để tạo kẽ hở. Đừng chau chuốt câu chữ tuy rất hay nhưng khó thực hiện, rồi xuống hoạnh họe, tiêu cực” - Bộ trưởng Dũng nói.

Mặt khác, theo Bộ trưởng Dũng, Bộ Tư pháp cũng chưa công khai phương án cắt giảm ĐKKD cũng như kết quả cắt giảm ĐKKD. Theo báo cáo, nếu bộ này có 94 ĐKKD mà chỉ mới cắt được 15 ĐKKD thì tỉ lệ quá thấp. “Đừng nghĩ thả ra là ảnh hưởng tất cả mọi thứ khác” - Bộ trưởng Dũng nói.

Dẫn lại việc kết quả cắt giảm ĐKKD của Bộ Y tế trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, Bộ trưởng Dũng nói trước khi cắt giảm thì ngành y thực phẩm cứ đòi phải kiểm tra 100%. “Khi kiểm tra thực tế thì có những chỉ tiêu kiểm tra chỉ phát hiện ra 0,06% có sai phạm. Khi có Nghị định 15/2018 cắt bỏ tới hơn 90% thủ tục kiểm tra an toàn thực phẩm thì có ai đau bụng thêm không? Đừng nghĩ lý do để tạo ra rào cản” - Bộ trưởng Dũng nói.

Tương tự như vậy, khi đại diện Bộ LĐ-TB&XH báo cáo việc cắt giảm ĐKKD xong thì Bộ trưởng Dũng hỏi ngay: “Thế cái ĐKKD theo kiểu phải “có đủ nhân lực, phương án bảo đảm an toàn lao động theo quy định của an toàn lao động" đã bỏ chưa?”. Ông hỏi và cho biết những quy định chung chung như vậy làm khổ doanh nghiệp rất nhiều.

Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng lưu ý: Các bộ đừng đưa ra những “gói” ĐKKD chung chung mà phải làm rõ thế nào là ĐKKD, phương án cắt giảm phải rõ ràng, không nên “đẩy mạnh, nâng cao, tăng cường…” vì sẽ không giúp cho sản xuất, kinh doanh phát triển.

Bộ trưởng Dũng còn cho biết doanh nghiệp và người dân bình luận rằng: Cắt giảm thủ tục hành chính, ĐKKD thực chất chỉ là “gói” những thứ ấy lại. Thành ra, đầu mối thì có vẻ cắt giảm nhưng số lượng thủ tục thì không giảm.

“Tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng là phải đảm bảo các điều kiện quản lý nhà nước liên quan đến an ninh, chủ quyền, trật tự, đạo đức xã hội… Nhưng không vì vậy mà bao biện, kìm hãm sản xuất, phải bảo đảm mục tiêu phát triển kinh tế song song với mục tiêu trên” - Bộ trưởng Dũng kết luận.

CHÂN LUẬN

Nguồn PLO: https://plo.vn/kinh-te/cong-chuc-nao-ma-cha-phai-co-dao-duc-853500.html