'Công chức, viên chức nhất định phải tăng tuổi nghỉ hưu từ 2021'

'Những ngành lao động độc hại thì không thể tăng tuổi nghỉ hưu, nhưng những người làm hành chính trong doanh nghiệp hay công chức, viên chức nhất định phải tăng theo lộ trình' – ông Bùi Sĩ Lợi, Phó Trưởng ban soạn thảo Bộ Luật lao động (sửa đổi) cho biết.

Chiều ngày 16/9, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TBXH) Đào Ngọc Dung có buổi làm việc với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và một số Hiệp hội doanh nghiệp để lắng nghe những ý kiến góp ý nhằm tiếp tục tiếp thu, chỉnh lý, nắm bắt tình hình thực tế để hoàn thiện dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi).

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, trong quá trình đưa ra lấy ý kiến góp ý, dự thảo Luật nhận được nhiều ý kiến về thời giờ làm việc bình thường, thời gian làm thêm, tiền lương, hợp đồng lao động, điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu….

“Rất khó để có thể tìm ra sự thỏa mãn tất cả các đối tượng, do vậy, không có phương án tối ưu thì phải tìm phương án phù hợp nhất”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nêu quan điểm.

Doanh nghiệp muốn tăng giờ làm thêm, không giảm giờ làm chính

Đối với một số vấn đề cụ thể của Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi), cụ thể về thời gian làm việc, VCCI đề nghị giữ nguyên thời gian làm việc như hiện nay, tức là mỗi người làm việc 48 giờ/tuần. Thời gian làm thêm trong năm nên tăng từ 200 giờ lên 500 giờ đối với trường hợp bình thường, tăng từ 300 giờ lên 500 đến 600 giờ trong trường hợp đặc biệt. Mức tiền lương làm thêm giờ nên giữ nguyên như các quy định hiện hành, còn việc trả lương lũy tiến làm thêm giờ với mức lương cao hơn thì do hai bên thỏa thuận để thực hiện. Tiền lương ngừng việc trong trường hợp vì sự cố, thiên tai, hỏa hoạn, địch họa hoặc vì lý do kinh tế mà người lao động phải ngừng việc thì hai bên nên thỏa thuận nhưng không được thấp hơn mức tiền lương tối thiểu.

Nêu ý kiến tại buổi làm việc, hầu hết đại diện các hiệp hội (Hiệp hội da dày – túi xách, Hiệp hội dệt may, Hiệp hội thủy sản, Hiệp hội bán lẻ…) đều đề nghị tăng giờ làm thêm, không giảm giờ làm chính với lý do nhiều ngành nghề hoạt động theo mùa vụ, phải đáp ứng các đơn hàng của đối tác. Nếu không cho tăng giờ làm thêm vào các mùa vụ thì doanh nghiệp phải tuyển thêm người, nhưng việc tuyển này rất khó khăn. Trong khi đó, nếu giảm giờ làm xuống còn 44 giờ thay vì 48 giờ như trước đây, người lao động sẽ bị giảm thu nhập.

Đại diện các Hiệp hội phát biểu tại buổi làm việc

Bà Đào Thị Thu Huyền, đại diện Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản đề xuất nâng số giờ làm thêm lên 400 hoặc 450 giờ để đảm bảo trong những thời điểm mùa vụ cần tập trung cung cấp đơn hàng cho khách hàng. Về lương làm thêm giờ, đại diện doanh nghiệp Nhật Bản đề nghị không trả lương theo lũy tiến. “Từ năm 2011 đến nay, lương đã tăng gấp 3 lần rồi, Ngày xưa đầu tư vào Việt Nam có lợi thế nhân công rẻ, bây giờ lợi thế này không còn mà chỉ còn sự khéo léo, tiến thủ, chăm chỉ” – bà Huyền nói.

Ông Nguyễn Hoài Nam, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản VN (Vasep) cho rằng, nếu vẫn áp dụng khung giờ làm việc tối đa 300 giờ/năm, để phục vụ đơn hàng theo mùa vụ, doanh nghiệp sẽ vi phạm quy định của pháp luật Việt Nam. Khi đó, khách hàng nước ngoài sẽ lập tức dừng tiếp nhận hàng hóa của doanh nghiệp trong nước....

Còn theo bà Đỗ Thị Thúy Hương, Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam, việc giữ lại khung giờ làm việc 48h/ tuần sẽ giúp giữ được lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp và thu hút đầu tư FDI.

Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh: “Doanh nghiệp là cỗ máy tạo ra việc làm, là “ân nhân” để giúp Chính phủ lo công ăn việc làm. Đây là thực tiễn.”

“Muốn giàu có thì phải tăng năng suất lao động. Giờ này mà nói giảm giờ làm là không hợp lý. Chúng ta phải vượt lên để thoát khỏi tình trạng thu nhập trung bình. Thời điểm này, đất nước này đang phải đứng lên để tăng GDP mà tự nhiên lại giảm đến 4 giờ làm. Đây chính là biện pháp giảm GDP, giảm tốc độ tăng trưởng” – ông Lộc thẳng thắn nêu quan điểm.

Theo ông Lộc, duy trì tăng trưởng như hiện nay đã khó, nếu siết doanh nghiệp nữa thì sẽ rất khó khăn.

Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc: Doanh nghiệp là "ân nhân" tạo ra việc làm

Tăng tuổi nghỉ hưu lộ trình

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi, với tư cách cơ quan thẩm tra dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi) cho biết, Chính phủ trình 4-5 lý do để sửa Bộ luật Lao động. Nhưng có một lý do quan trọng không sửa không được, đó là phải đáp ứng các yêu cầu của công ước quốc tế mà Việt Nam tham gia.

Ông Lợi khẳng định, quan điểm của Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết, trong tổng số 26 nội dung sửa đổi tại Bộ Luật lần này, có 8 nội dung đảm bảo quyền lợi tốt hơn cho người lao động và 7 nội dung đảm bảo có lợi hơn cho chủ sử dụng lao động.

Điều thứ nhất, điều chỉnh cho cả đối tượng không có quan hệ lao động; Thứ hai là không tăng thời gian làm thêm và cũng không hạ thời gian làm việc bình thường xuống 44 giờ.

“Không cho tăng khung thời gian làm thêm thì cũng không được hạ thời gian làm việc 48 giờ, bởi năng suất lao động rất thấp. Tuy nhiên, tôi mong muốn cho một số ngành nghề, lĩnh vực làm xuất khẩu (dệt may, da giày…) được làm thêm giờ. Tuy nhiên Chủ tịch QH đã kết luận rồi, chúng ta cứ nói trước QH đất nước chúng ta tăng trưởng năm sau cao hơn năm trước mà lại kéo dài thời gian làm thêm. Tôi cũng đã gọi điện cho 4 Chủ tịch hiệp hội và họ đề nghị không tăng thời gian làm thêm, nhưng cũng không được hạ giờ làm việc xuống 44 giờ. Tôi thấy điều này rất thuyết phục” – ông Lợi giải thích.

“Người lao động cũng nói, nếu hạ giờ làm chính mà không cho tăng giờ làm thêm thì chúng tôi chết, vì sẽ bị giảm tiền lương, giảm thu nhập” – ông Lợi nói thêm và đề nghị giữ quy định này để không gây bất lợi cho cả người lao động và chủ sử dụng lao động.

Đối với việc điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu lên 62 tuổi đối với lao động nam, 60 tuổi đối với lao động nữ, ông Lợi cho biết, tất cả các doanh nghiệp, các tổ chức đều hoan nghênh nâng tuổi nghỉ hưu. Riêng người lao động thì không muốn nâng và không đề xuất nâng tuổi nghỉ hưu, đây là điều đương nhiên ở tất cả các quốc gia. Nhưng nếu chỉ nghe người lao động thì sẽ thiếu hụt nguồn lao động trong tương lai. Hiện nay, phương án tối ưu nhất đó là đến 2028 nam 62, đến 2035 nữ 60. Lộ trình bắt đầu từ năm 2021, nữ tăng mỗi năm 4 tháng, nam tăng mỗi năm 3 tháng. Còn lao động nặng nhọc độc hại vẫn tiếp tục giảm.

“Có tăng tuổi nghỉ hưu là tăng ở những ngành hoàn toàn thuận lợi, các lao động hành chính của doanh nghiệp. Công chức viên chức nhất định phải tăng theo lộ trình” – ông Lợi nói thêm.

Kết thúc buổi làm việc, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định, quan điểm của Ban soạn thảo là tiếp thu tất cả các ý kiến của Hiệp hội với phương châm chia sẻ, thấu hiểu, hài hòa, cùng tiến bộ. “Quan điểm của Ban soạn thảo là làm sao để tìm ra tiếng nói chung, bộ luật Lao động (sửa đổi) phải là bộ luật tiến bộ, hài hòa vì người lao động nhưng phải quan tâm tới sự phát triển của đất nước, quan tâm tới doanh nhân doanh, bởi có doanh nhân doanh nghiệp mới tạo ra việc làm, phát triển kinh tế xã hội”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Xuân Hưng

Nguồn VnMedia: http://vnmedia.vn/dan-sinh/201909/cong-chuc-vien-chuc-nhat-dinh-phai-tang-tuoi-nghi-huu-tu-2021-640308/