Công dân laptop đi resort, homestay để làm việc

'Workcation' không chỉ toàn niềm vui và sự thoải mái như nhiều người nhầm tưởng. Chuyến đi này đòi hỏi sự tính toán để cân bằng công việc và sự nghỉ ngơi.

Như Ngọc (25 tuổi) vừa trở về TP.HCM sau 4 ngày 3 đêm ở Đà Lạt. Cô không tham quan, cũng không mua sắm. Chuyến đi của nhân viên truyền thông này chỉ để thay đổi không khí làm việc.

Khoảng một năm qua, cứ trung bình 2 tháng, Ngọc lại có một kỳ "workcation" như vậy. Tùy vào tâm trạng, cô lựa chọn những điểm đến khác nhau như Nha Trang, Đà Lạt, Đà Nẵng hoặc Hội An.

Khi xác định chuyến đi chỉ để làm việc, cô chỉ đi một mình để có thể tự quản lý thời gian và không ảnh hưởng đến bạn đồng hành.

 Mỗi 2 tháng, Như Ngọc lại có một chuyến "workcation".

Mỗi 2 tháng, Như Ngọc lại có một chuyến "workcation".

"Tôi là người thích xê dịch và tự do, luôn cần không gian mới mẻ để sáng tạo. Công ty không bắt buộc đến văn phòng, tôi có thể đi khắp nơi, miễn là hoàn thành công việc", Ngọc chia sẻ cùng Zing.

Nhiều người lao động trẻ tuổi không còn hứng thú với mô hình làm việc cố định tại công sở. Xu hướng "workcation" (kết hợp 'Work' - làm việc và 'Vacation' - kỳ nghỉ) mở ra cơ hội giúp họ vừa có thể làm việc từ xa, vừa thỏa mãn niềm đam mê du lịch.

Trên thực tế, "workcation" không còn là trào lưu xa lạ, tuy nhiên ngày càng được quan tâm từ khi đại dịch bùng phát.

Theo khảo sát của BBC trên 1000 nhân viên tại Mỹ, 85% cho biết đã duy trì "workcation" từ năm 2021. 80% trong số đó nhận thấy cách làm việc này thúc đẩy năng suất và sự sáng tạo, đồng thời giúp họ đối phó với các căng thẳng liên quan đến công việc.

Trong khi đó, tại Việt Nam, khảo sát của Booking.com vào năm 2021 trên 20.000 du khách từ 28 quốc gia, bao gồm 500 người Việt, cho thấy 52% cân nhắc đặt chỗ nghỉ phù hợp cho làm việc từ xa.

Đi du lịch làm việc với tần suất khá dày, chi phí là yếu tố được Như Ngọc cân nhắc hàng đầu. Theo đó, cô thường chọn lựa lưu trú tại homestay với mức giá khoảng 300.000 đồng/đêm, đồng thời yêu cầu có thêm không gian sinh hoạt chung như bếp, sân vườn để có thể tự phục vụ ăn uống.

"Mỗi chuyến đi, tôi dự trù chi phí chỉ trong khoảng 3-4 triệu đồng bao gồm ăn, ở và đi lại. Theo tôi, đây là mức phù hợp để thỏa mãn nhu cầu xê dịch mà vẫn đảm bảo không gian làm việc chất lượng", cô nói.

Quốc Duy thường chọn resort ven biển làm nơi "workcation".

Tương tự, Quốc Duy (26 tuổi, TP.HCM) cũng lên kế hoạch tỉ mỉ để có được những chuyến "workcation" hiệu quả và tiết kiệm.

Theo anh, việc lựa chọn ở resort tưởng chừng đắt đỏ, nhưng lại giúp mình "lời" hơn nhờ có bữa sáng miễn phí. Lưu trú tại đây, anh cũng ít di chuyển hoặc tham quan, từ đó đỡ tốn tiền xăng xe hoặc trải nghiệm dịch vụ khác tại địa phương.

"Tôi đi 'workcation' khá nhiều, tần suất khoảng 1-2 lần/tháng, nhưng lại không cảm thấy quá tốn kém. Tôi hầu như dành toàn bộ thời gian để làm việc bên trong resort hoặc khách sạn, tiết kiệm hơn nhiều so với việc du lịch thông thường", anh chia sẻ.

Điều Duy quan tâm nhất là làm sao để cân bằng yếu tố công việc và nghỉ ngơi trong hành trình.

Theo đó, anh thường bắt đầu chuyến đi của mình từ thứ 5 trong tuần, sau đó tận dụng những ngày cuối tuần để nghỉ dưỡng tại địa điểm du lịch. Các vùng biển như Phú Quốc, Phú Yên hay Mũi Né là điểm đến yêu thích của anh.

"Tôi là người cuồng công việc, nhưng vẫn đam mê dịch chuyển, 'workcation' giúp tôi đáp ứng cả hai sở thích. Tôi không cần nghỉ phép hoàn toàn. Lâu lâu, cho tôi đi du lịch và làm việc từ xa, dù chỉ một ngày cũng được", anh tâm sự.

"Không phải lúc nào cũng là niềm vui" - đó là chia sẻ thực tế từ Quế Thanh (27 tuổi, TP.HCM) sau hàng loạt chuyến "workcation" được cô sắp xếp vào thời gian qua.

Đối với cô, kết hợp giữa đi làm và du lịch không hề là chuyện dễ dàng. Trong đó, sự chuẩn bị, lên kế hoạch là tối quan trọng để hoạt động cá nhân không làm ảnh hưởng đến công việc tập thể.

"Trước chuyến đi, tôi phải thông báo với quản lý, xin họp online và nhờ đồng nghiệp hỗ trợ các phần việc offline đột xuất. Suốt chuyến đi, ngoài chiếc laptop, sạc dự phòng, bộ phát Wi-Fi và tai nghe kết nối Bluetooth cũng là vật bất ly thân của tôi. Không phải nơi nào cũng có kết nối Internet ổn định, tôi không muốn mình rơi vào tình huống bị động", cô kể.

Thanh thừa nhận việc mang theo nhiều thiết bị, phụ kiện trong hành trình khiến mình mệt mỏi. Nhiều lần, cô đi rong ruổi ở Phú Quốc, Cam Ranh hay Sapa, Hà Giang nhưng đều phải "gánh" theo chiếc ba lô nặng trĩu.

Đối với Quế Thanh, "workcation" không hề thoải mái như nhiều người nhầm tưởng.

Như Ngọc cũng thừa nhận trong chuyến "workcation", hiệu quả công việc vẫn cần ưu tiên hơn cả vì vốn dĩ mục đích của chuyến đi là để làm việc. Cô chuẩn bị kỹ lưỡng cho các tình huống khẩn cấp, đồng thời rèn cho mình tính kỷ luật, trách nhiệm với nhiệm vụ được giao.

"Đến một địa điểm mới, ai cũng muốn được đi khám phá ngay, công việc gác lại sau. Nhưng nếu như vậy, công việc sẽ bị tồn đọng, gây ảnh hưởng đến tập thể, ngoài ra không đáp ứng được mục đích ban đầu của chuyến đi", cô cho hay.

Còn với Quốc Duy, những cuộc họp gấp trở thành yếu tố chính để anh lựa chọn địa điểm, không gian cho chuyến "workcation".

"Không ai muốn nghe người khác thuyết trình online tại một nơi ồn ào, đông đúc cả. Điều đó rất kém chuyên nghiệp. Vì thế, tôi chỉ thường ở resort hoặc khách sạn mà thôi. Tại đây, tôi cũng có thể có được trải nghiệm tốt về dịch vụ, đồ ăn để thư giãn sau giờ làm việc", anh nói.

Mỹ Trinh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/cong-dan-laptop-di-resort-homestay-de-lam-viec-post1333832.html