'Công dân tiêu biểu' ở biên giới Hà Tiên

Không chỉ sống chan hòa, có trách nhiệm với cộng đồng, ông Si Phon và ông Chau Danh, ở khu phố Mỹ Lộ, phường Mỹ Đức, thành phố Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang còn hy sinh việc riêng, đặt công việc, lợi ích quốc gia lên hàng đầu. Vậy nên, họ được người dân địa phương gọi với cái tên trìu mến 'công dân tiêu biểu'...

Ông Si Phon và Trung tá Danh Tâm trao đổi công việc. Ảnh: Phương Vy

Ông Si Phon và Trung tá Danh Tâm trao đổi công việc. Ảnh: Phương Vy

Nhường “Mái ấm biên cương” cho người khác

Tuy là thứ 7, nhưng ông Si Phon, Bí thư chi bộ kiêm Trưởng khu phố Mỹ Lộ, vẫn vui vẻ nhận lời tiếp chúng tôi tại trụ sở của khu phố. Ông nói vui, mình là “công bộc” của dân, chứ có phải công chức đâu, làm gì có ngày nghỉ. Dân cần, gọi là mình đi thôi, không kể ngày đêm. Đi cùng chúng tôi, Trung tá Danh Tâm, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế (CKQT) Hà Tiên cho biết, cuối năm 2018, ông Si Phon là đại biểu duy nhất của tỉnh Kiên Giang được mời đi Hà Nội tham gia chương trình “Điểm tựa của bản làng” nhân kỷ niệm 60 năm Ngày Truyền thống BĐBP.

Mỹ Lộ là khu phố có đông dân cư sinh sống gần biên giới với 389 hộ/1.685 người, trong đó có trên 78% là người Kh’mer. Trong 2,6km đường biên giới chạy qua địa giới hành chính của Mỹ Lộ, có 2 cột mốc chính (311, 312) và 10 cột mốc phụ. Theo Trung tá Danh Tâm, trước kia, nhận thức của người dân về đường biên, mốc giới còn hạn chế. Ông Si Phon đã rất tích cực trong phối hợp với đồn Biên phòng, với địa phương để tuyên truyền người dân trong khu phố, trong phường tham gia phong trào toàn dân bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới theo Chỉ thị 01/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Để cho người dân hiểu rõ hơn, anh Si Phon còn dịch tài liệu tuyên truyền từ tiếng Việt sang tiếng Kh’mer. Từ chỗ hiểu, chấp hành nghiêm các quy chế, quy định khu vực biên giới, trên 100 hộ dân khu phố Mỹ Lộ còn đăng ký tham gia phong trào tự quản đường biên, cột mốc. Từ tháng 6-2013, được sự hỗ trợ của Đồn Biên phòng CKQT Hà Tiên, với vai trò tích cực, ông Si Phon đã tham mưu cho địa phương tổ chức cho Mỹ Lộ kết nghĩa với phum (ấp) Tho Câu, xã Rưs Sây Sọc, huyện Pong Trach, tỉnh Cam Pốt, Campuchia. Đây cũng là địa phương thứ hai của tỉnh Kiên Giang tổ chức ký kết nghĩa với phum (ấp) đối diện bên Campuchia. Nhân dân 2 bên vốn có mối quan hệ thân tộc, dân tộc lâu đời càng trở nên gắn bó, mật thiết. Số vụ vượt biên, vi phạm đường biên mốc giới giảm rõ rệt.

Không chỉ tích cực trong công việc, ông Si Phon còn là tấm gương sáng về sự gương mẫu, sẻ chia. Trước kia, gia đình ông Si Phon được xét hỗ trợ một căn nhà “Mái ấm biên cương” nhưng ông không nhận. Ông nhường lại tiêu chuẩn đó cho gia đình ông Nguyễn Phước Tạo, có vợ là người Kh’mer, thuộc diện hộ nghèo. Ông Si Phon nói, mình cũng khó khăn, nhưng nhiều người khác còn khó khăn, vất vả hơn...

Ông Phạm Khắc Phara, Chủ tịch UBND phường Mỹ Đức (thành phố Hà Tiên) cho biết: “Liên tục từ năm 1996 đến nay đảm nhiệm các cương vị Trưởng ấp rồi trưởng Công an ấp, ông Si Phon luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ, là tấm gương sáng cho mọi người noi theo”.

“Ông hiến đất”

Đó là tên gọi thân mật mà người dân ở Hà Tiên thường dùng để chỉ ông Chau Danh (người Kh’mer, ở ấp 9, khu phố Mỹ Lộ, phường Mỹ Đức). Câu chuyện hiến đất diễn ra từ năm 2007, nhưng nhiều người dân ở đây vẫn nhớ, vì ông Chau Danh là người đầu tiên của tỉnh Kiên Giang có nghĩa cử cao đẹp đó.

Ông Chau Danh tại mảnh ruộng gia đình, nơi có cột mốc 312. Ảnh: Phương Vy

Ông Chau Danh là người cởi mở, sống tình cảm và có trách nhiệm, nên được người dân địa phương rất quý mến và tôn trọng. Khi chúng tôi tới nhà, ngồi chưa ấm chỗ, đã thấy mấy ông bạn hàng xóm sang chơi. Bên cái sạp tre ở góc vườn, họ nói đủ chuyện, từ chuyện làng, chuyện xã rồi đến chuyện được mùa, mất giá. Nhắc lại chuyện cũ, ông Chau Danh nói, ngày xưa, ông đã từng có 5 năm làm giáo viên tiếng Kh’mer ở huyện Giồng Riềng (tỉnh Kiên Giang). Là người Kh’mer, nên ngay sau giải phóng (năm 1975), ông được Nhà nước cho đi học lớp sư phạm cấp tốc 1 năm, rồi đi dạy. Học trò của ông lúc đó phần lớn là cán bộ xã, cán bộ huyện. Thời gian vừa học, vừa dạy đã giúp ông hiểu hơn về tình yêu đất nước, về chủ quyền biên giới. Sau này, khi trở lại sinh sống tại quê hương, ông rất tích cực tham gia công tác xã hội, vận động nhân dân chấp hành nghiêm các quy định của địa phương, cùng chung tay xây dựng xóm thôn ngày càng vững mạnh. Sinh ra và lớn lên ở vùng đất Hà Tiên, từng tận mắt chứng kiến chiến tranh biên giới Tây Nam, ông Chau Danh rất hiểu giá trị thiêng liêng của đường biên, mốc giới, nên khi thấy chính quyền địa phương và cán bộ BĐBP tới vận động hiến đất xây cột mốc, ông đồng tình, ủng hộ ngay mà không đặt điều kiện hay đòi hỏi gì.

Nhà ông có 5.000m2 chạy dọc biên giới, trong đó có 3.000m2 đất nơi khu vực xây cột mốc 312. Ông nói, muốn lấy bao nhiêu đất cũng được, miễn là để xây dựng cột mốc. “Ông hiến đất” nói rất chân tình: “Biên giới, cột mốc cũng giống như cái hàng rào của ruộng nhà mình thôi. Phải rào lại để người ta biết, không trồng trọt trên ruộng nhà mình”.

Tuy đang là buổi trưa, trời nắng gắt, nhưng khi chúng tôi có nhã ý mời ông ra thăm cột mốc, ông vui vẻ nhận lời. Ông nói, từ ngày có cột mốc, ông dễ nhận biết ruộng của nhà mình hơn. Đứng xa cả cây số vẫn biết đó là ruộng nhà mình, yên tâm lắm. “Ngày nào, tui cũng đi thăm ruộng 2-3 lượt, tiện thể thăm, kiểm tra cột mốc luôn”.

Trong tâm khảm của ông Chau Danh, cột mốc không còn là khái niệm xa vời, trừu tượng nữa mà nó đang tồn tại thật trong ruộng nhà ông, ở nơi mà ông đã chôn rau cắt rốn nên ông và gia đình nói riêng, mọi người dân Mỹ Đức nói chung phải có trách nhiệm bảo vệ, chăm sóc như báu vật của gia đình, dòng họ vậy.

Phương Vy

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/cong-dan-tieu-bieu-o-bien-gioi-ha-tien/