Công diễn thanh xướng kịch Lụa vì bệnh nhi bị hoại huyết

(TGĐA Online) - Phác thảo đầu tiên cho thanh xướng kịch này được hình thành khi nhạc sỹ Quốc Bảo và một số nhà hảo tâm muốn gây dựng một quỹ từ thiện cho các bệnh nhi hoại huyết (ung thư máu).

Sáng lập thì không khó khăn, nhưng để gây dựng quỹ và nuôi nó phát triển, thì cần có xung động khởi đầu. Sẽ là gì nếu không phải là một công trình nghệ thuật nho nhỏ, đúng tài đúng sức? Ý tưởng ấy được các bạn nghệ sỹ ủng hộ, sẵn lòng bỏ công sức thật nhiều và nhận thù lao tối thiểu, thế là nhạc sỹ Quốc Bảo bắt tay vào viết nhạc.

Nhạc sĩ Quốc Bảo

Cơ sở cho thanh xướng kịch lấy cảm hứng từ tiểu thuyết ngắn Lụa của nhà văn Ý Alessandro Baricco. Vì sao lại là cuốn sách ấy? Bởi vì nó ngắn, cô đọng,hàm súc như những bài thơ haiku, có cốt truyện đầy bi kịch, đẹp cả về cách diễn đạt ngôn ngữ lẫn cấu trúc, có tính-kịch rõ nét. Khi viết đề cương kịch bản âm nhạc, nhạc sỹ gần như bị cuốn vào không khí truyện, tự đặt mình vào bối cảnh truyện và rồi soạn nhạc trên cảm xúc của người trong cuộc. Trừ "Bình Yên" và "Lạnh" là hai bài hát đã có sẵn, 18 bài còn lại và các đoạn nhạc mở đầu, giữa các màn đều được soạn mới.

Thanh xướng kịch (oratorio) là một thể loại âm nhạc/sân khấu cổ điển, được phát triển nhờ công lao của Monteverdi hồi thế kỷ 17 ở Ý. Trong các nhà thờ thời đó, thanh xướng kịch được công diễn thường xuyên với phần đệm đàn organ và bộ dây, có dàn hợp xướng phụ họa, các diễn viên chỉ đứng hát mà không làm động tác kịch, không di chuyển (khác với nhạc kịch). Vì nội dung các bài hát đều lấy từ tích Kinh Thánh, nên khán giả dĩ nhiên hiểu cốt truyện mà không cần diễn giải thêm. Duy nhất có Dudley Buck soạn oratorio The Light of Asia (1886) nói về cuộc đời đức Phật. Oratorio vẫn phát triển song song với opera (ca kịch) đến tận ngày hôm nay.

Thế kỷ 20, Stravinsky đã công diễn thanh xướng kịch Oedipus Rex (1927) ở Pháp, Franz Schmidt dựng vở The Book with Seven Seals (1938) ở Đức. Các nhạc sỹ đại chúng cũng viết thanh xướng kịch: La Chanson du mal-aimé (1954, 1972, Léo Ferré, dựa trên thơ Apollinaire), Liverpool Oratorio (1991, Paul McCartney).

Nhưng cũng cần nói ngay để các bạn hình dung: thanh xướng kịch cần một sân khấu rộng, dàn nhạc lớn, âm thanh và ánh sáng tốt, tức là phải có một nhà hát hiện đại. Song, chờ đến khi có đủ điều kiện thì cái gánh nặng mà gia đình và xã hội phải mang vì những đứa trẻ mắc bệnh hiểm nghèo đến bao giờ mới được san sẻ? Và chính những đứa trẻ ấy, liệu chúng có chờ được không? Vậy nên nhạc sỹ và các nghệ sỹ quyết tâm làm một đêm nhạc trong không gian mini của phòng trà, với dàn nhạc nhỏ tối thiểu, và nhạc sỹ đã chuyển soạn các bản phối từ dàn nhạc lớn thành tổng phổ thu gọn, bỏ đi phần hợp xướng và một vài nhạc phẩm phức tạp không hợp với không gian diễn nhỏ này.

Ca sĩ Đồng Lan

Hãy nhìn nhận Lụa của đêm 28/8 sắp tới như một phác thảo - vừa là phác thảo nghệ thuật lại cũng là phác thảo dự án từ thiện. Như một khởi đầu, như một xung động nhỏ nhoi nhưng không thể bỏ qua khi ta đã hướng tới một mục đích lớn.

Tất cả các nghệ sỹ (ca sỹ Phương Linh, Hà Anh Tuấn, Hồ Trung Dũng, Đồng Lan, Thành Lộc và Ammy; người kể chuyện Nguyễn Minh; ban nhạc Dũng Dalat; violinist Phúc Hạnh; nhà hòa âm Bảo Chấn) đều hết lòng cho đêm nhạc này, cùng chung lưng đấu cật vì quỹ từ thiện và vì nghệ thuật, là tiền đề cho một vở thanh xướng kịch nghiêm túc, công phu một ngày không xa.

Số tiền lời thu được từ đêm diễn là món tiền đầu tiên dành cho quỹ bệnh nhi hoại huyết.

Minh Tuyền

Nguồn TGĐA: http://thegioidienanh.vn/index.php?catid=37:van-hoa-giai-tri&id=7757:cong-din-thanh-xng-kch-la-vi-bnh-nhi-b-hoi-huyt&Itemid=37&option=com_content&view=article