Công đoàn cần tổ chức nhiều cuộc đối thoại để giải quyết bức xúc của người lao động

Cho rằng việc xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ là hết sức cần thiết, Thủ tướng yêu cầu Công đoàn các cấp cần phải tổ chức nhiều cuộc đối thoại để giải quyết bức xúc của nhân dân, người lao động.

Thủ tướng phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: VGP

Sáng 25/9, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc làm việc thường kỳ với Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam để đánh giá kết quả thực hiện quy chế về mối quan hệ công tác giữa Chính phủ và Tổng LĐLĐ Việt Nam năm 2018, trọng tâm phối hợp công tác năm 2019 - 2020.

Phát biểu kết luận cuộc làm việc, Thủ tướng cho rằng, trong thời gian qua, công tác phối hợp giữa Chính phủ và Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam được tăng cường, đi vào nề nếp, thực chất hơn, đạt được một số kết quả tích cực giúp mỗi bên hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, góp phần vào những thành tựu chung của đất nước.

Thủ tướng cho biết, 9 tháng năm 2019, kinh tế nước ta tăng trưởng trên tất cả lĩnh vực, dự kiến 12/12 chỉ tiêu năm nay đều đạt và vượt. Trong đó, chúng ta đã giải quyết cho 1 triệu người có việc làm mới. Môi trường kinh doanh được cải thiện nhanh, rõ nét, được các tổ chức quốc tế đánh giá cao, được doanh nghiệp, người dân ghi nhận.

Mới đây, tạp chí US News&World Report vừa xếp hạng Việt Nam thuộc trong 20 quốc gia tốp đầu, đứng thứ 8/80 quốc gia có nền kinh tế tốt nhất để đầu tư, cao hơn cả Chile (9/80) và New Zealand (10/80).

Thủ tướng đánh giá, Tổng LĐLĐ Việt Nam và các bộ, ngành đã tăng cường phối hợp trong việc tham gia xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật, đặc biệt là các chính sách liên quan đến người lao động như xây dựng Bộ luật Lao động sửa đổi, Luật Công đoàn 2012 sửa đổi, tham gia xây dựng thực hiện Đề án của Chính phủ về cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội… Cơ chế phối hợp giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật giữa Tổng LĐLĐ Việt Nam và các cơ quan quản lý nhà nước tiếp tục được kết quả tốt, trong đó có việc giải quyết những vấn đề bức xúc liên quan trực tiếp đến người lao động.

Tuy nhiên, Thủ tướng nhìn nhận đời sống của một bộ phận người lao động vẫn còn khó khăn. Tình trạng trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, nợ đọng, chiếm dụng tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế ở các doanh nghiệp vẫn diễn ra ở một số địa phương. Việc xây dựng 50 thiết chế công đoàn còn gặp những vướng mắc về Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, Luật Đầu tư công. Những vấn đề này chúng ta đã phát hiện và sẽ tiếp tục xử lý, Thủ tướng nói.

Về định hướng phối hợp thời gian tới, Thủ tướng nêu rõ, sự nghiệp công nghiệp hóa hiện đại của đất nước, tác động của cuộc cách mạng 4.0 đặt ra cho đất nước và tổ chức công đoàn nhiều vấn đề phải suy nghĩ phối hợp giải quyết tốt hơn nữa, hiệu quả hơn nữa để giai cấp công nhân là giai cấp lãnh đạo cách mạng thông qua đội tiên phong là Đảng Cộng sản Việt Nam, giai cấp đại diện cho phương thức sản xuất tiên tiến, hiện đại, đi tiên phong trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, là lực lượng nòng cốt trong liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức.

Bên cạnh đó, giai cấp công nhân phải tiếp tục chủ động tiên phong trong tiếp cận tri thức mới, làm chủ khoa học công nghệ để khẳng định vị trí vai trò của mình.

Thủ tướng đề nghị Công đoàn phối hợp tốt hơn với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để giải quyết nhiều vấn đề liên quan đến người lao động, nhất là những vướng mắc về thể chế chính sách, giải quyết những bức xúc của người lao động; đẩy mạnh tuyên tuyền giáo dục để nâng cao nhận thức cho công nhân, lao động chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, bài trừ những thông tin chống phá, sai sự thật...

Đặc biệt, Công đoàn cần tiếp tục tham gia hiệu quả trong việc xây dựng thể chế, tập trung nghiên cứu các vấn đề như tuổi nghỉ hưu, giờ lao động; nâng cao chất lượng thỏa ước lao động tập thể, tăng cường đối thoại; phối hợp tuyên truyền cho người lao động hiểu được việc Việt Nam tham gia các tổ chức quốc tế; chăm lo đời sống vật chất tinh thần cho người lao động, nhất là trong dịp lễ tết; quan tâm đến những lao động mất việc làm, điều kiện sống khó khăn; giám sát thực hiện an toàn thực phẩm cho người lao động.

Cho rằng việc xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ là hết sức cần thiết, Thủ tướng yêu cầu Công đoàn các cấp cần cử cán bộ chuyên trách thường xuyên theo dõi, nắm bắt tâm tư, nhu cầu của người lao động, không để những việc bất thường xảy ra, củng cố mối quan hệ gắn bó giữa doanh nghiệp và người lao động. Công đoàn cần phải tổ chức nhiều cuộc đối thoại để giải quyết bức xúc của nhân dân, người lao động trong các khu công nghiệp công nghệ cao.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu. Ảnh: TTXVN

Về xây dựng thiết chế công đoàn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, đây không phải là trách nhiệm riêng của tổ chức Công đoàn mà cần phân rõ trách nhiệm đối với mỗi bộ, ngành, nhất là các địa phương. Các địa phương phải giải quyết vấn đề nhà ở cho công nhân. Trước mắt hoàn thiện hệ thống thiết chế về nhà ở cho công nhân, lao động ở tỉnh Hà Nam, sau đó sẽ đồng loạt triển ở các tỉnh, thành phố...

Về đề nghị Thủ tướng tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành nghiên cứu hỗ trợ Tổng Liên đoàn từ 1.000 - 2.000 tỷ đồng để tập trung triển khai đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật và các công trình hạ tầng xã hội tại 50 thiết chế của công đoàn, Thủ tướng đồng ý chủ trương, giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu; rà soát, tổng hợp phương án phân bổ để ghi vốn trung hạn 2021-2025 một khoản kinh phí để hỗ trợ cho những thiết chế công đoàn.

PV

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/cong-doan-can-to-chuc-nhieu-cuoc-doi-thoai-de-giai-quyet-buc-xuc-cua-nguoi-lao-dong-post68434.html