Công đoàn đồng hành cùng doanh nghiệp, bảo vệ người lao động

Trong 2 ngày 28 - 29.3, tại TP.Hạ Long, diễn ra Đại hội Công đoàn (CĐ) tỉnh Quảng Ninh lần thứ 13, nhiệm kỳ 2018 -20123. Nhân dịp này, PV Báo Lao Động có cuộc trao đổi với ông Trần Danh Chức - Ủy viên Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐVN, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Quảng Ninh - về những thành tựu của nhiệm kỳ đã qua cũng như mục tiêu, định hướng trong nhiệm kỳ tới của CĐ tỉnh Quảng Ninh.

Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính (bìa trái) và Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Bùi Văn Cường (thứ hai từ trái qua) lên xe lì xì, tiễn công nhân Cty Than Hòn Gai và gia đình lên đường về quê ăn Tết Nguyên đán 2018. Ảnh: N.H

- Chăm lo, bảo về quyền lợi chính đáng của người lao động (NLĐ) là một trong những nhiệm vụ chính của các cấp CĐ. Tuy nhiên, doanh nghiệp (DN) có ổn định, phát triển thì NLĐ mới được hưởng lợi. CĐ Quảng Ninh đã hài hòa mối quan hệ này như thế nào trong giai đoạn qua, thưa ông?

- Phương châm xuyên suốt của nhiệm kỳ 12 là “CĐ Quảng Ninh đồng hành cùng sự phát triển bền vững của DN, vì việc làm, đời sống của NLĐ”. Từ đó, chúng tôi xây dựng các chủ đề công tác quý, năm, tập trung hỗ trợ để DN phát triển bền vững, qua đó, họ có điều kiện hơn chăm lo cho NLĐ. CĐ đã tham gia tư vấn, đề xuất nhiều giải pháp để chính quyền, các ban, ngành liên quan tháo gỡ khó khăn cho DN, để DN có điều kiện nâng cao năng lực cạnh tranh. Động viên NLĐ gắn bó với DN, có ý thức xây dựng để DN phát triển thì chính NLĐ mới có công việc ổn định, thu nhập tốt hơn.

Các cấp CĐ tích cực tham gia vào xây dựng quy chế dân chủ cơ sở tại nơi làm việc. Số lượng các DN tổ chức hội nghị NLĐ, các thỏa ước lao động tập thể (TƯLĐTT) ngày một tăng. Với những TƯLĐTT kém chất lượng, CĐ hướng dẫn DN và NLĐ làm và ký lại. Đến năm 2017, đã có gần 87% đơn vị, DN ký TƯLĐTT. Nhờ vậy, những xung khắc, bất đồng giữa chủ DN và NLĐ tại Quảng Ninh rất ít. Chúng ta phải quan tâm tới cả 2 bên, thì có thể mới có sự phát triển ổn định và 2 bên cùng có lợi.

Nhiệm kỳ qua, các cấp CĐ tỉnh Quảng Ninh tập trung vào việc tư vấn pháp luật tại chỗ cho NLĐ. Chúng tôi phối hợp với các Bảo hiểm xã hội, Sở LĐTBXH để tư vấn cho NLĐ về các vấn đề liên quan đến chính sách pháp luật, quyền lợi chính đáng của họ. Việc này vừa giúp NLĐ có kiến thức để biết bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình, vừa biết để tuân thủ pháp luật. Điều này cũng góp phần xây dựng mối quan hệ hài hòa giữa chủ DN và NLĐ. Đây cũng là một trong những thành tựu nổi bật của CĐ Quảng Ninh nhiệm kỳ qua.

- Công tác chăm lo vật chất, tinh thần cho các CĐ viên đã được các cấp CĐ toàn tỉnh thực hiện ra sao, thưa ông?

- Ngoài việc hỗ trợ, giúp đỡ thường xuyên thì dịp “Tháng Công nhân”, “Tết Sum vầy”, bản thân tổ chức CĐ hoặc CĐ phối hợp với chính quyền, các DN thăm động viên, tặng quà, tiền, đảm bảo NLĐ nào cũng có tết. Năm 2017, LĐLĐ tỉnh Quảng Ninh đã ký kết với 26 DN về chương trình phúc lợi đoàn viên, theo đó, bất cứ NLĐ nào có thẻ CĐ viên đều được giảm giá từ 5-30% khi mua sản phẩm, dịch vụ của 26 DN trên.

Về chương trình “Mái ấm CĐ”, hiện nay, mỗi năm LĐLĐ Quảng Ninh hỗ trợ để xây dựng khoảng 100 nhà “Mái ấm CĐ”, với mỗi suất khoảng 30 triệu đồng. Số tiền không nhiều, nhưng là cơ sở, là niềm tin để NLĐ vay mượn thêm cùng với sự hỗ trợ, giúp đỡ về tinh thần, tài chính, ngày công lao động của bạn bè, người thân, các cấp CĐ để có thể xây dựng lên những ngôi nhà khang trang hơn.

Trong 5 năm qua, Quỹ trợ vốn cho CNLĐ nghèo của LĐLĐ tỉnh Quảng Ninh đã hỗ trợ xây mới và sửa chữa cho 467 gia đình công nhân với tổng số tiền 9,77 tỉ đồng; 4.492 lượt CNVCLĐ được vay tổng cộng 65,2 tỉ đồng để cải thiện điều kiện sinh hoạt, phát triển kinh tế gia đình, học tập nâng cao trình độ.

“Tháng Công nhân” đã trở thành 1 thương hiệu lớn của CĐ tỉnh Quảng Ninh. Dịp này, không có 1 công nhân, gia đình công nhân nào có hoàn cảnh khó khăn mà không được thăm hỏi, tặng quà; hàng trăm công nhân giỏi, xuất sắc trên toàn tỉnh được tuyên dương, tặng thưởng. Từ vài năm trở lại đây, trong “Tháng Công nhân”, chúng tôi luôn tổ chức các cuộc đối thoại giữa Bí thư Tỉnh ủy với CNVCLĐ. Nhiều vấn đề cấp thiết liên quan đến đời sống của NLĐ đã được giải quyết ngay sau mỗi cuộc đối thoại.

Bảo vệ quyền lợi chính đáng cho NLĐ cũng là 1 điểm sáng trong nhiệm kỳ qua. Cùng với các cơ quan liên quan, chúng tôi đã “đòi” được gần 50 tỉ đồng tiền nợ bảo hiểm dài hạn, bảo đảm quyền lợi cho trên 20.000 NLĐ. Chúng tôi đã làm hồ sơ đưa ra tòa 7 DN nợ bảo hiểm, tuy chưa xử vụ nào nhưng qua đó buộc các DN nợ và có ý định trây ỳ phải nhanh chóng đóng bảo hiểm cho NLĐ. Đề xuất, kiến nghị với tỉnh, bộ, ngành T.Ư, nhờ đó đã giải quyết được quyền lợi cho hàng ngàn giáo viên, công nhân môi trường.

- Vấn đề nhà ở luôn bức xúc đối với CNLĐ không chỉ ở Quảng Ninh. Vấn đề này đã và sẽ được các cấp CĐ Quảng Ninh giải quyết, tham mưu giải quyết như thế nào, thưa ông?

- Không chỉ vấn đề nhà ở, mà nhà trẻ cho con em công nhân, các thiết chế văn hóa tại các khu tập thể, KCN đều là những vấn đề được CNLĐ kiến nghị, nhất là tại các cuộc đối thoại với Bí thư Tỉnh ủy. Về nhà ở, đến nay, cơ bản các Cty thành viên của Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) và các DN trong ngành xây dựng đều có các khu tập thể dành cho NLĐ. Nhiều DN không xây được nhà thì hỗ trợ một phần tiền thuê nhà, tiền đi lại nếu nhà ở xa nơi làm việc cho NLĐ. Tới đây, Quảng Ninh giao cho Tập đoàn FLC xây thêm 1 khu nhà xã hội tại khu đô thị Cao Xanh - Hà Khánh. Tỉnh Quảng Ninh cũng sẵn sàng dành quỹ đất để các DN xây nhà cho NLĐ. Tỉnh Quảng Ninh, Tổng LĐLĐVN và CĐ TKV cũng đã thống nhất xây dựng khu thiết chế, trong đó có quỹ nhà dành cho CNLĐ không chỉ của ngành than tại TP.Cẩm Phả.

- Quảng Ninh đang trở thành 1 cực tăng trưởng của cả nước, cần 1 lực lượng lao động rất lớn và chuyên nghiệp hơn. Trong khi đó, với việc Việt Nam tham gia ký kết Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTTP) mới đây, NLĐ có thể tự thành lập 1 tổ chức CĐ cho riêng mình hoặc tham gia vào tổ chức CĐ khác. Trong nhiệm kỳ tới, CĐ Quảng Ninh đặt nhiệm vụ gì để vượt qua thách thức trên?

- Những năm gần đây, Quảng Ninh luôn đứng trong tốp đầu cả nước về tốc độ tăng trưởng và thuộc tốp 5 các địa phương có thu ngân sách lớn nhất cả nước, với trên 39.000 tỉ đồng năm 2017. Số lượng DN đăng ký kinh doanh trên địa bàn tăng nhanh: năm 2013 có 7.700 DN với hơn 310.000 lao động, đến cuối năm 2017 đã có gần 15.000 DN với gần 400.000 lao động. Hiện, trên địa bàn tỉnh có gần 400.000 CNVCLĐ, tăng gần 90.000 CNVCLĐ so với đầu nhiệm kỳ. Dự kiến, đến năm 2020, để phục vụ cho nhu cầu phát triển, Quảng Ninh cần khoảng 820.000 người, trong đó số nhập cư khoảng 160.000 người. CĐ cũng cần phải tham gia, đóng góp trong việc thu hút, đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho tỉnh. Tới đây, lĩnh vực du lịch, dịch vụ của Quảng Ninh sẽ phát triển rất nhanh. Cơ hội nhiều, nhưng NLĐ cũng dễ bị sa thải nếu không đáp ứng được về trình độ, tính chuyên nghiệp. Số lượng CNLĐ tăng cũng đồng nghĩa với quan hệ lao động ngày càng phức tạp, vì thế đòi hỏi vai trò của tổ chức CĐ cũng ngày một cao hơn, để bảo vệ quyền lợi chính đáng của NLĐ nhưng cũng phải xây dựng được mối quan hệ lao động hài hòa giữa DN và NLĐ. Nếu không làm được những việc đó, CĐ sẽ mất vị thế của mình và NLĐ có thể tự thành lập tổ chức CĐ của riêng mình hoặc đi theo tổ chức CĐ khác.

Xin cám ơn ông về cuộc trao đổi này

NGUYỄN HÙNG thực hiện

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/cong-doan/cong-doan-dong-hanh-cung-doanh-nghiep-bao-ve-nguoi-lao-dong-597869.ldo