Công đoàn nỗ lực đẩy lùi tai nạn lao động

Lãnh đạo Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) thành phố Hà Nội cho rằng, để đạt được mục tiêu là hạn chế tới mức thấp nhất các vụ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp xảy ra đòi hỏi sự vào cuộc tích cực hơn nữa của các cấp, các ngành, trong đó có tổ chức Công đoàn, đặc biệt là sự nỗ lực cố gắng hơn nữa của đội ngũ cán bộ công đoàn các cấp.

Phát biểu tại hội nghị gặp mặt, tặng quà công nhân lao động (CNLĐ) bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp nặng và thân nhân của CNLĐ tử vong vì tai nạn lao động do LĐLĐ thành phố Hà Nội tổ chức mới đây, đồng chí Lê Đình Hùng - Phó Chủ tịch LĐLĐ Thành phố cho biết, những năm qua, công tác an toàn vệ sinh lao động đã được Đảng, Nhà nước, Chính phủ và các cấp, các ngành đặc biệt quan tâm. Việc xây dựng và ban hành Luật An toàn vệ sinh lao động năm 2015 và các văn bản hướng dẫn thi hành đã góp phần thực hiện chiến lược về con người của Đảng ta, trong đó con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của thời kỳ Công nghiệp hóa - Hiện đại hóa đất nước, đồng thời cũng cơ bản đáp ứng được các vấn đề của xã hội và hội nhập quốc tế.

Trong điều kiện được sự quan tâm của các cấp, các ngành của Trung ương và Thành phố, công tác an toàn vệ sinh lao động trên địa bàn Thủ đô những năm qua cũng đã có những chuyển biến tích cực, điều kiện làm việc của người lao động tại các đơn vị, doanh nghiệp ngày càng được quan tâm cải thiện.

Cũng theo đồng chí Lê Đình Hùng, những năm gần đây, nền kinh tế của Thủ đô phát triển với tốc độ mạnh, đô thị hóa tăng nhanh, hàng trăm dự án đầu tư hạ tầng giao thông, các công trình xây dựng với quy mô lớn cùng với sự gia tăng của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và các doanh nghiệp trong nước đã tạo ra nhiều việc làm cho người lao động.

Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội Lê Đình Hùng trao quà cho công nhân bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp

Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội Lê Đình Hùng trao quà cho công nhân bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp

Tuy nhiên, bên cạnh các công nghệ, thiết bị mới hiện đại, an toàn, vẫn còn nhiều doanh nghiệp với công nghệ, thiết bị cũ, lạc hậu, cùng với việc đầu tư cho công tác an toàn vệ sinh lao động so với yêu cầu còn hạn chế; Các doanh nghiệp, đa số các doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp tư nhân đầu tư rất ít cho công tác an toàn vệ sinh lao động, cả về con người, về đào tạo và trang thiết bị... Những điều đó đã ảnh hưởng không nhỏ đến công tác an toàn vệ sinh lao động và tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

Năm 2021, trên địa bàn thành phố đã xảy ra 275 vụ tai nạn lao động, làm 298 người bị nạn. Trong đó, có 43 vụ tai nạn lao động nghiêm trọng, làm 43 người chết, 31 người bị thương nặng (các nạn nhân thuộc đối tượng có giao kết hợp đồng lao động).

Các vụ tai nạn lao động vẫn chủ yếu là tai nạn ngã cao, vật rơi từ trên cao trong ngành xây dựng (chiếm 45,6%), sản xuất lắp ráp cơ khí (chiếm 21,0%); lắp ráp linh kiện (chiếm 15,0%), khác (chiếm 16,0%)... Nạn nhân của các vụ tai nạn lao động hầu hết là lao động phổ thông, ký hợp đồng lao động thời hạn dưới 1 tháng, không tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.

Đồng chí Lê Đình Hùng nhấn mạnh: Hậu quả do các vụ tai nạn lao động để lại là vô cùng lớn, không thể đo, đếm hết được. Về phía chủ sử dụng lao động, thiệt hại là không nhỏ khi phải đứng trước các khoản chi phí y tế, bồi thường, trợ cấp cho người lao động. Mặt khác, uy tín của doanh nghiệp cũng bị ảnh hưởng, hoạt động sản xuất kinh doanh có thể bị gián đoạn nhưng trên hết, thiệt hại lớn nhất thuộc về phía người lao động. Tai nạn lao động xảy ra, gây tổn thất nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe của người lao động, dẫn đến khả năng làm việc và cuộc sống gia đình người lao động bị đảo lộn, thậm chí có thể rơi vào tình trạng đói nghèo.

Để đạt được mục tiêu là hạn chế tới mức thấp nhất các vụ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp xảy ra đòi hỏi sự vào cuộc tích cực hơn nữa của các cấp, các ngành, trong đó có tổ chức Công đoàn, nhất là không thể thiếu được sự nỗ lực cố gắng hơn nữa của đội ngũ cán bộ công đoàn các cấp. Bộ Luật Lao động, Luật Công đoàn và đặc biệt là Luật An toàn vệ sinh lao động sẽ là những cơ sở pháp lý quan trọng để tổ chức Công đoàn phát huy vai trò của mình.

“Trong thời gian tới, LĐLĐ Thành phố sẽ tập trung tăng cường, đổi mới các hình thức tuyên truyền, tập huấn đảm bảo thiết thực và hiệu quả, góp phần nâng cao nhận thức của người sử dụng lao động và người lao động trong công tác an toàn vệ sinh lao động, trong đó tập trung vào tuyên truyền, phổ biến Luật An toàn vệ sinh lao động và các văn bản hướng dẫn thi hành luật đến với doanh nghiệp và người lao động.

Công đoàn sẽ tiếp tục vận động công nhân viên chức lao động phát huy sáng kiến, cải thiện điều kiện lao động, đẩy mạnh các phong trào thi đua về an toàn vệ sinh lao động, trong đó trọng tâm là phong trào “Xanh - Sạch - Đẹp, bảo đảm an toàn vệ sinh lao động” để phong trào thực sự đi vào chiều sâu chất lượng, thu hút được nhiều hơn các đơn vị cơ sở tham gia hưởng ứng.

Công đoàn sẽ thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn bồi dưỡng kỹ năng hoạt động cho các an toàn vệ sinh viên, đây sẽ trở thành lực lượng quần chúng rộng lớn làm công tác an toàn vệ sinh lao động, giúp cho doanh nghiệp sớm phát hiện và xử lý các nguy cơ có thể dẫn đến tai nạn lao động. Đặng biệt, LĐLĐ Thành phố sẽ phối hợp với Ủy ban nhân dân và các sở ngành chức năng tthành phố tổ chức tốt các hoạt động hưởng ứng Tháng hành động về An toàn vệ sinh lao động hàng năm.

Phạm Diệp

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/cong-doan-no-luc-day-lui-tai-nan-lao-dong-140720.html