Công đoàn TP.Hồ Chí Minh: Làm tốt những nhiệm vụ căn cốt của Tổ chức

Công đoàn (CĐ) các cấp thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) đang triển khai quyết liệt các giải pháp để đạt được các mục tiêu đề ra tại Đại hội CĐ Thành phố khóa XII (nhiệm kỳ 2023 - 2028), trong đó có giải pháp đổi mới công tác tuyên truyền, vận động, tập hợp người lao động (NLĐ) khu vực phi chính thức.

Nhiệm vụ này càng trở nên bức thiết trong bối cảnh cả nước nói chung, đặc biệt là TP.HCM - địa phương chịu thiệt hại nặng nề nhất bởi đại dịch Covid-19, cũng như dự báo sắp tới Việt Nam sẽ tiếp tục đối diện với nhiều thách thức về tăng trưởng kinh tế do suy thoái kinh tế toàn cầu. Đời sống công nhân, NLĐ, nhất là khu vực phi chính thức sẽ tiếp tục gặp không ít khó khăn khi doanh nghiệp (DN) cắt giảm lao động do thiếu đơn hàng hoặc ngừng hoạt động. Việc hỗ trợ, đồng hành, chia sẻ khó khăn với NLĐ tại khu vực phi chính thức không những là nguồn động viên to lớn để họ an tâm lao động, sản xuất mà còn là giải pháp để “kéo”, vận động và tập hợp NLĐ vào tổ chức CĐ.

Lãnh đạo LĐLĐ TP.HCM tặng quà cho công nhân, NLĐ có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: Minh Tuấn.

Phát biểu tại Đại hội CĐ Việt Nam khóa XIII (nhiệm kỳ 2023 - 2028) diễn ra vừa qua, ông Trần Đoàn Trung, Phó Chủ tịch Thường trực Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) TP.HCM cho biết: Thành phố đã thành lập được 134 nghiệp đoàn cơ sở với hơn 11.000 lao động ở nhiều ngành nghề. Đây là những cố gắng bền bỉ, là thử nghiệm quan trọng nhằm đề xuất chính sách, tìm kiếm giải pháp cho công tác vận động, tập hợp đối với khu vực phi chính thức trong thời gian tới.

CĐ các cấp TP.HCM đã có nhiều giải pháp, cố gắng trong vận động, thành lập và tổ chức hoạt động các nghiệp đoàn khu vực lao động phi chính thức. Tập trung tiếp cận có định hướng, mục tiêu cụ thể đối với NLĐ theo ngành nghề ở từng địa bàn; tổ chức tiếp xúc, tuyên truyền, vận động thành lập nghiệp đoàn.
Đại hội CĐ TP.HCM khóa XII (nhiệm kỳ 2023 - 2028) cũng đã xác định tập trung triển khai 3 chương trình trọng tâm, trong đó có chương trình nâng cao chất lượng hoạt động CĐ cơ sở, đổi mới công tác vận động, tập hợp NLĐ vào CĐ. Đây là nhiệm vụ hết sức quan trọng để có thể hoàn thành mục tiêu đến năm 2028 sẽ có 1,98 triệu đoàn viên trở lên gia tổ chức CĐ Thành phố.

Theo lãnh đạo LĐLĐ TP.HCM: Thời gian qua với phương châm “Nơi đâu có NLĐ, nơi đó có tổ chức CĐ”, các cấp CĐ Thành phố đã thành lập mới trên 6.740 CĐ cơ sở, kết nạp mới hơn 617.200 đoàn viên, trong đó khu vực ngoài Nhà nước đã kết nạp 570.730 đoàn viên.

CĐ các cấp đã đổi mới mô hình tổ chức, nội dung và phương thức hoạt động để phù hợp với cơ cấu lao động, loại hình DN, nhu cầu, nguyện vọng của công nhân, NLĐ, yêu cầu hội nhập quốc tế, qua đó tăng cường thu hút, tập hợp và phát triển đoàn viên, nhất là đội ngũ công nhân, NLĐ ngoài khu vực Nhà nước.

Để làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, tập hợp công nhân, lao động vào tổ chức CĐ, ngoài các giải pháp sẽ triển khai, LĐLĐ Thành phố kiến nghị Trung ương mà trực tiếp là Tổng LĐLĐ Việt Nam tiếp tục bổ sung, hoàn thiện pháp luật liên quan đến khu vực phi chính thức, trong đó quan tâm các nội dung liên quan đến môi trường, điều kiện làm việc, việc tham gia vào hệ thống an sinh xã hội kể cả tự nguyện hoặc bắt buộc. Tạo cơ chế, xây dựng chính sách hỗ trợ để lao động khu vực phi chính thức được đào tạo nghề, tìm kiếm cơ hội chuyển đổi nghề nghiệp.

Theo LĐLĐ TP.HCM: Dự báo tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của các DN còn tiếp tục khó khăn do đơn hàng sản xuất chưa ổn định; đời sống, việc làm và thu nhập của bộ phận NLĐ tiếp tục bị ảnh hưởng. Tình hình quan hệ lao động thời gian cuối năm 2023 và trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024 tiềm ẩn nguy cơ có thể xảy ra tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể liên quan đến vấn đề lương, thưởng Tết, nợ bảo hiểm xã hội... Trong đó, đáng lưu tâm đối với vấn đề thưởng Tết sẽ có sự chênh lệch mức thưởng Tết tại những DN có đông công nhân lao động, trong cùng một tập đoàn.

Vì thế các cấp CĐ Thành phố tiếp tục chủ động phối hợp các cơ quan chức năng nắm chắc tình hình quan hệ lao động, kịp thời tham mưu, giải quyết khi có tình huống phát sinh. LĐLĐ TP.HCM sẽ phối hợp với các cơ quan quản lý Nhà nước về lao động tham gia thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chế độ chính sách về lương, thưởng Tết đối với NLĐ.

Tham gia giám sát việc thực hiện các chế độ chính sách cho NLĐ tại cơ sở như về giờ làm thêm, xây dựng thang bảng lương, quy chế trả lương, quy chế thưởng, hướng dẫn xây dựng thương lượng và ký kết Thỏa ước lao động tập thể.

LĐLĐ sẽ chủ động phối hợp với Sở Lao động Thương binh và Xã hội, Ban Quản lý, CĐ các Khu chế xuất - công nghiệp (KCN-KCX) Bảo hiểm xã hội Thành phố và chính quyền địa phương nơi có KCN-KCX tập trung nắm bắt tình hình, tâm tư nguyện vọng của công nhân lao động, kịp thời kiến nghị xử lý ngay những DN cố tình vi phạm những quy định của pháp luật lao động.

Cùng với đó, CĐ cấp trên cơ sở, CĐ các sở, ban ngành, tổng công ty và CĐ cơ sở trực thuộc tiếp tục thực hiện tốt Nghị định số 145 của Chính phủ về Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động; Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở và Nghị định số 59 của Chính phủ về quy định chi tiết một số điều của Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Xuân Tình

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/cong-doan-tpho-chi-minh-lam-tot-nhung-nhiem-vu-can-cot-cua-to-chuc-163651.html