Công đoàn Việt Nam luôn tự hào về đồng chí Nguyễn Đức Cảnh

Hôm nay, tròn 89 năm về trước, ngày 28/7/1929, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh đã sáng lập Tổng Công hội đỏ Bắc Kỳ (tiền thân của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam). Sự ra đời của Tổng Công hội đỏ đặc biệt có ý nghĩa đối với phong trào công nhân Việt Nam và hoạt động tổ chức Công đoàn.

Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh sinh ngày 2/2/1908 tại làng Diêm Điền, tổng Hộ Đội, huyện Thụy Anh (nay là thị trấn Diêm Điền, huyện Thái Thụy), tỉnh Thái Bình. Năm nay, cũng vừa tròn 110 năm Ngày sinh của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh. Nhân dịp này, Đảng, Nhà nước và Tổng LĐLĐ Việt Nam đã tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm và hội thảo khoa học về quá trình hoạt động cách mạng cũng như những đóng góp quan trọng với Đảng, tổ chức Công đoàn của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh.

Cán bộ công đoàn, đoàn viên và người lao động dâng hương tưởng niệm tại Khu lưu niệm đồng chí Nguyễn Đức Cảnh ở huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình. Ảnh: Sơn Tùng

Cán bộ công đoàn, đoàn viên và người lao động dâng hương tưởng niệm tại Khu lưu niệm đồng chí Nguyễn Đức Cảnh ở huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình. Ảnh: Sơn Tùng

Sử sách còn lưu lại, khi là học sinh trường Thành Chung (Nam Định), Nguyễn Đức Cảnh đã tham gia các hoạt động như: Đấu tranh đòi thả nhà yêu nước Phan Bội Châu (1925), để tang chí sỹ Phan Chu Trinh (1926). Sau giờ học, Nguyễn Đức Cảnh thường đi tới các xóm thợ ở khu Mỹ Trọng, Năng Tĩnh, hỏi chuyện và làm quen với những người công nhân làm việc trong các nhà máy. Có khi anh giúp con họ học tập, viết giúp đơn kiện. Với một phong thái điềm đạm, thái độ chân thành, cởi mở, thật thà, Nguyễn Đức Cảnh nhanh chóng chiếm được cảm tình của những người thợ.

Năm 1927, Nguyễn Đức Cảnh gia nhập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Tại lớp huấn luyện ở Quảng Châu (Trung Quốc), Nguyễn Đức Cảnh được tiếp xúc với tư tưởng của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc về con đường cách mạng - con đường giải phóng dân tộc và xây dựng xã hội mới dưới sự lãnh đạo của giai cấp công nhân. Vì vậy, cuối khóa học, Nguyễn Đức Cảnh đã tự nguyện gia nhập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, quyết tâm đi theo con đường cách mạng mà lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã vạch ra.

Trở về nước, Nguyễn Đức Cảnh tham gia lãnh đạo phong trào công nhân Hải Phòng sau đó được cử làm Ủy viên Ban Chấp hành Kỳ bộ Thanh niên Bắc Kỳ, Bí thư Tỉnh bộ Thanh niên Hải Phòng. Trước khi đưa anh chị em xuống cơ sở, Nguyễn Đức Cảnh thường căn dặn: “Đi vô sản hóa” nhằm làm cho cán bộ ta thực sự hòa mình với công nhân. Chỉ có thật sự lao động mới thấy rõ thủ đoạn bóc lột dã man của chủ tư bản và nỗi cực khổ của người công nhân.

Nguyễn Đức Cảnh đã cử nhiều cán bộ, hội viên Thanh niên đến “vô sản hóa” ở khu mỏ than Hồng Quảng như: Nguyễn Văn Cừ, Nguyễn Văn Mẫn, Bùi Đức Thành... Những người do anh lựa chọn bồi dưỡng, đào tạo sau đó đều trở thành những cán bộ trung kiên của Đảng. Ban ngày, Nguyễn Đức Cảnh còn trải nghiệm cuộc sống vất vả của một công nhân thực thụ, còn đêm đến, anh bí mật viết tài liệu tổng kết, tuyên truyền hoặc tin tức cho báo chí. Những hoạt động liên tục và phong phú trong phong trào công nhân của Nguyễn Đức Cảnh trong hai năm 1928- 929 đã góp phần khai phá và phát triển mạnh mẽ phong trào cách mạng từ vùng duyên hải Hải Phòng đến nhiều mỏ than vùng Đông Bắc của Tổ quốc.

Tượng đài đồng chí Nguyễn Đức Cảnh được đặt trang trọng tại Quảng trường 14/10 TP Thái Bình - quê hương của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh. Ảnh: Đ.Hải

Năm 1929, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh tham gia sáng lập: Chi bộ Cộng sản đầu tiên ở trong nước, Đông Dương Cộng sản Đảng, Tổng Công hội đỏ Bắc Kỳ (tiền thân của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam). Sự ra đời của Tổng Công hội đỏ Bắc Kỳ đặc biệt có ý nghĩa với phong trào công nhân Việt Nam. Bởi đó vừa là kết quả tất yếu của sự trưởng thành về chất lượng của phong trào công nhân, vừa là thắng lợi của đường lối Đông Dương Cộng sản Đảng; đồng thời đáp ứng nhu cầu bức thiết về tổ chức của phong trào công nhân Việt Nam, góp phần vào sự lớn mạnh của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế.

Tháng 2/1930, đồng chí tham dự Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam và được phân công giữ các trọng trách: Bí thư Đảng bộ Hải Phòng, Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ, Ủy viên Ban Thường vụ Xứ ủy Trung Kỳ.

Phụ trách công tác tuyên huấn tại Ban Thường vụ Xứ ủy Trung Kỳ, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh đã đóng vai trò quan trọng, cùng với Xứ ủy Trung Kỳ xây dựng một hệ thống báo Đảng từ xứ đến tỉnh và các cơ sở. Những tờ báo đó và các tài liệu tuyên truyền khác đã góp phần củng cố giữ vững phong trào cách mạng của quần chúng trước sự khủng bố điên cuồng của kẻ địch...

Tháng 4/1931, đồng chí bị thực dân Pháp bắt ở Vinh. Bọn chúng còn dùng cả cách tra tấn thời trung cổ như bắt quỳ trên bàn chông hoặc dùng kìm nung đỏ dứt từng mảng da, miếng thịt trên người anh... Nhiều lần Nguyễn Đức Cảnh ngất đi; khi tỉnh lại, máu ộc ra miệng, chảy ra mũi. Sau đó, kẻ địch lại chuyển đồng chí về giam tại Nhà tù Hỏa Lò.

Tại phiên tòa Hội đồng Đề hình Hà Nội, ngày 17/11/1931, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh đã nói: “Tôi không cần nhờ thầy cãi do các người chỉ định. Tự tôi, tôi đòi thẩm quyền cãi cho mình và cho Đảng mình. Tòa án thực dân của các người chỉ là trò hề. Hội đồng Đề hình cũng là một thứ trò hề. Những người cách mạng không bao giờ công nhận nền luật pháp cũng như tòa án của bọn cướp nước...”.

Đứng trước bản án tử hình, người tử tù có bí danh Bé Con ấy vẫn nỗ lực hết mình, hăng hái đấu tranh để “Biến nhà tù thực dân thành trường học cách mạng”. Dồn tâm trí trong những ngày còn lại, đồng chí viết tác phẩm “Công nhân vận động” để trao lại cho Đảng.

Hình ảnh đồng chí Nguyễn Đức Cảnh và những dòng thơ “Tạ từ ngôn” vĩnh biệt người mẹ kính yêu nơi quê nhà được trưng bày tại Nhà tù Hỏa Lò. Ảnh: L.N

Lắng đọng giây phút "Tạ từ ngôn"

Mờ sáng ngày 30/7/1932, bọn gác ngục vào tận nơi giam giữ đồng chí Nguyễn Đức Cảnh và Hồ Ngọc Lân trong Nhà tù Hỏa Lò, đưa lên xe hòm chở xuống Nhà lao Hải Phòng. Khi bị giải qua dãy xà lim và các trại giam, Nguyễn Đức Cảnh cất tiếng to: “Chào vĩnh biệt các đồng chí!”. Lập tức, từ trại chín gian, rồi lan sang các trại giam khác ở Hỏa Lò vang lên những tiếng hô liên tiếp:

- Tinh thần đồng chí Nguyễn Đức Cảnh muôn năm!

- Tinh thần đồng chí Hồ Ngọc Lân muôn năm!

- Đả đảo án tử hình!

- Đả đảo đế quốc Pháp!

- Đảng Cộng sản Đông Dương muôn năm!

Ngày 31/7/1932, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh hiên ngang lên máy chém, nêu tấm gương trọn đời hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc. Trước khi bị hành hình, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh đã gửi tình cảm qua những dòng thơ “Tạ từ ngôn” vĩnh biệt người mẹ kính yêu nơi quê nhà.

Tạ từ ngôn

Lọt cửa sổ gió đông hiu hắt

Ván xà lim lạnh ngắt như đồng!

Não lòng cho khách anh hùng,

Mơ màng thầm mộng tới trong quê nhà.

Xót tình con trẻ mẹ già

Tấm lòng thương nhớ biết là có nguôi!

Chốc đà bảy, tám năm trời!

Huyên đường nay đã da mồi tóc sương!

Một mình trằn trọc canh trường,

Nát lòng muôn việc giữa đường chưa xong!

Ngổn ngang trăm mối tơ lòng,

Xông pha giông tố chi mong độ về.

Hồn còn mang nặng lời thề,

Nát thân chưa dễ đền nghì trời mây!

Tạ từ vĩnh quyết từ đây,

Cúi xin từ mẫu chóng khuây nỗi buồn!

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/cong-doan-viet-nam-luon-tu-hao-ve-dong-chi-nguyen-duc-canh-77485.html