Công đoàn vững, doanh nghiệp hưởng lợi trước tiên

Điều cốt yếu là cán bộ Công đoàn phải có uy tín với cả người lao động lẫn chủ doanh nghiệp. Có như vậy mới kết nối được hai phía với nhau

“Khi hoạt động Công đoàn (CĐ) vững, vào nền nếp thì người lao động (NLĐ) có nhiều cơ hội để nâng cao trình độ, cả tay nghề lẫn tinh thần kỷ luật, cái này doanh nghiệp (DN) được hưởng lợi đầu tiên. Khi thuyết phục chủ DN hiểu thì họ sẽ mở lòng”. Ông Nguyễn Quang Thép, Chủ tịch CĐ Công ty Cơ khí Đại Lộc, đúc kết như vậy tại buổi tọa đàm “Xây dựng CĐ cơ sở vững mạnh” do LĐLĐ huyện Củ Chi, TP HCM tổ chức mới đây.

Tìm tiếng nói chung

Theo ông Thép, rất nhiều lao động hiện đang thiếu trình độ và kỹ năng, đặc biệt là ý thức kỷ luật và an toàn lao động. Nhiều người viết đơn xin việc 10 chữ thì sai chính tả hết 6 chữ. Trong khi đó, máy móc, thiết bị thì nhiều hướng dẫn, nhiều ký hiệu quy ước, quy trình vận hành chặt chẽ… “Đôi khi NLĐ không tuân thủ, khi có tai nạn xảy ra thì DN lẫn NLĐ đều thiệt. Ở đây, CĐ cũng phải tham gia tuyên truyền, nhắc nhở hằng ngày, hằng tuần. Lâu dần mới trở thành thói quen” - ông Thép cho biết. Theo ông, điều cốt yếu là cán bộ CĐ phải có uy tín với cả NLĐ lẫn chủ DN. Có như vậy mới kết nối được DN với NLĐ, giúp hai phía mở lòng với nhau.

Ông Nguyễn Quang Thép, Chủ tịch Công đoàn Công ty Cơ khí Đại Lộc, chia sẻ kinh nghiệm của đơn vị mình

Ông kể một chuyện xảy ra tại DN của mình. Có hai anh công nhân trẻ rất sáng dạ, học việc nhanh, giỏi việc; thế nhưng đùng một cái lại xin nghỉ ngay dịp cuối năm, sắp phát thưởng. “Chủ DN thì chấp nhận ngay nhưng mình thì lại băn khoăn. Tìm hiểu kỹ, tôi mới phát hiện hai anh trẻ bị hai anh lớn tuổi hơn chơi xấu (vì sợ hai anh trẻ qua mặt) rồi còn “méc” với giám đốc. Bị trách oan, hai anh trẻ tự ái xin nghỉ việc. Sự việc sau đó được giải quyết ổn thỏa, công nhân không thiệt thòi mà DN cũng không mất người giỏi. Uy tín để kết nối hai bên bắt nguồn từ những việc nhỏ như vậy” - ông Thép kể lại.

Diễn đạt đúng nguyện vọng của công nhân

Ông Nguyễn Xuân Mỹ, Chủ tịch CĐ Công ty Bao bì Vĩnh Khang, lại chia sẻ một kinh nghiệm hay khác. Ông Mỹ cho biết: “Công ty tôi có đủ lao động từ kỹ sư tới lao động phổ thông , lâu năm có, mới làm có… Mỗi nhóm lao động có nhu cầu và nguyện vọng riêng, lấy nguyện vọng của anh lao động phổ thông áp cho kỹ sư hay ngược lại đều không ổn thỏa. Chúng tôi phải phân tích, nắm bắt đặc điểm của từng nhóm lao động để có chính sách hợp lý”.

Nhưng chỉ nắm bắt thì cũng chưa đủ. Theo ông Mỹ, cán bộ CĐ cần có trình độ, kỹ năng để nói cho NLĐ hiểu. “Mỗi nhóm lao động cần cách giải thích, diễn đạt phù hợp; phải có cách nói sao cho anh kỹ sư hiểu mà anh lao động phổ thông cũng hiểu được. Vận động đoàn viên cốt yếu là ở chỗ này, người ta hiểu rõ tổ chức CĐ thì sẽ tích cực tham gia” - ông Mỹ nhấn mạnh.

Ban chấp hành đều tay

Kể về kinh nghiệm của mình, bà Nguyễn Thị Thu Nguyệt, Ủy viên Ban Chấp hành CĐ Công ty May Quảng Việt, cho biết dù tài giỏi đến đâu thì riêng một mình chủ tịch CĐ cũng không thể quán xuyến nổi công việc. Ở Công ty May Quảng Việt, ủy viên ban chấp hành CĐ rải đều ra các xưởng. Khi công nhân có điều vướng mắc thì tâm sự với tổ trưởng, tổ trưởng nói với ủy viên ban chấp hành để báo lên chủ tịch CĐ; sau đó, CĐ liên hệ giám đốc mời công nhân lên giải quyết. Việc này đặc biệt phát huy lợi thế trong trường hợp công nhân ốm đau phải nghỉ việc dài hạn.

“Chủ DN nước ngoài rất khó, nghỉ việc nhiều hay bệnh nan y đều phải chấm dứt hợp đồng. Tuy nhiên, vừa qua có 2 công nhân bị bệnh ung thư sau khi điều trị đã trở lại làm việc. Được như vậy là do CĐ cùng bộ phận nhân sự thuyết phục giám đốc và đề xuất hướng giải quyết. Thuận lợi của chúng tôi là người phụ trách nhân sự cũng là ủy viên ban chấp hành CĐ” - bà Nguyệt chia sẻ.

Công đoàn đi đầu, đi trước

Theo ông Lê Trần Thanh Hải, Chủ tịch CĐ Công ty May mặc Triple, để hoạt động CĐ hiệu quả thì phải tạo dựng được niềm tin nơi NLĐ. Trong việc khiếu nại, tranh chấp, CĐ phải đi đầu, đi trước thì đoàn viên mới thấy mình bảo vệ họ, chứ cứ thủng thỉnh thì đến bao giờ mới giải quyết cho xong? Một thuận lợi khác cho CĐ là khách hàng thường xuyên kiểm tra các biên bản đối thoại, hội nghị NLĐ nên CĐ cũng có cơ sở để vận động DN thực hiện nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật.

Về phong trào thi đua, ông Hải cho biết ban đầu cũng khó khăn nhưng học tập đơn vị bạn, CĐ phát động phong trào ở các tổ, chuyền sản xuất yếu trong nhà máy để khích lệ, nâng họ lên. Kết quả là năm nào cũng có sáng kiến mới, làm lợi cho công ty rất nhiều nên chủ DN rất ủng hộ.

Bài và ảnh: Đằng Giang

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/cong-doan/cong-doan-vung-doanh-nghiep-huong-loi-truoc-tien-20161031220202647.htm