Cộng đồng bé nhỏ, ẩn dật nhưng chiếm 1/5 số tỷ phú của Ấn Độ

Những người Parsi theo Hỏa giáo là một cộng đồng khép kín, sống biệt lập tại một trong những khu vực giàu có nhất của Mumbai, tuy nhiên số lượng người Parsi đang ngày càng ít đi.

Hãy tưởng tượng về một thế giới bên trong một thế giới, đó là mô tả của Hormuz Bana, một người Parsi theo Hỏa giáo, về cộng đồng của anh ở thành phố Mumbai, Ấn Độ.

Nằm phía dưới Đường cao tốc phía Đông của thành phố, cộng đồng dân cư khép kín này có những nét đặc trưng mà người ta không thể tìm thấy ở phần còn lại của Mumbai, đó là một sự bình dị, chậm rãi và không tấp nập các phương tiện giao thông - một nét đặc trưng của siêu đô thị 20 triệu dân này.

 Một người Parsi đi qua bức phù điêu về các vị thần Hỏa giáo ở thành phố Mumbai, Ấn Độ. Ảnh: Reuters.

Một người Parsi đi qua bức phù điêu về các vị thần Hỏa giáo ở thành phố Mumbai, Ấn Độ. Ảnh: Reuters.

Cộng đồng khép kín

"Sống ở đây cho tôi cảm giác của việc thuộc về một nơi nào đó", anh Bana, một chuyên gia marketing cấp cao, chia sẻ.

Anh Bana sống tại Khu định cư Parsi Dadar, một trong 25 khu định cư dành riêng cho người Parsi theo Hỏa giáo ở thành phố Mumbai, một sắc dân thiểu số gốc Ba Tư.

Những người Parsi theo Hỏa giáo - một học thuyết tôn giáo có ảnh hưởng đến những lời dạy của Do Thái giáo và Cơ Đốc giáo. Họ chạy trốn khỏi Vương quốc Ba Tư - Iran ngày nay - để đến Ấn Độ vào thế kỷ thứ 7 nhằm tránh sự đàn áp chính trị và tôn giáo của những người theo đạo Hồi. Qua nhiều thế kỷ, một cộng đồng thịnh vượng gồm các chủ ngân hàng, nhà tư bản công nghiệp, thương nhân và kỹ sư đã được hình thành dọc theo bờ biển phía tây của Ấn Độ.

Khu định cư Parsi Dadar được thành lập từ giữa thập niên 1890 sau khi bệnh dịch hạch tràn qua thành phố - khi đó còn được gọi là Bombay - và khiến hàng nghìn người chết.

Bombay lúc đó đã là một đô thị tầm cỡ với 800.000 người sinh sống, và đại dịch nhanh chóng lây lan tới các khu ổ chuột đông đúc. Để giảm bớt sự chật chội này, chính quyền thuộc địa Anh đã quyết định mở rộng quy hoạch thành phố tới khu Dadar, lúc đó vẫn còn là một vùng đầm lầy.

Kiến trúc sư Mancherji Edulji Joshi, người sau này được đánh giá cao về tầm nhìn khi quy hoạch thành phố, đã thuyết phục người Anh mở ra những khu đất dành riêng cho người Parsi. Ông phác thảo một bản thiết kế về khu phố kiểu mẫu, với những loài cây và hoa được trồng trên được phố.

Chính quyền thành phố sau đó đã cấp cho ông Joshi quyền thuê 103 khu đất trong vòng 999 năm.

Tại Dadar, những con đường đầy cây xanh ở khu dân cư được bố trí theo ô bàn cờ, và toàn bộ các khu nhà đều thấp tầng.

"Ông ấy có một quy tắc rằng không tòa nhà nào được cao hơn hai tầng", cháu gái của Joshi, bà Zarine Engineer chia sẻ.

Đường phố trong khu định cư Parsi ở Dadar, Mumbai nhiều cây xanh và yên bình. Ảnh: On the Grid.

"Trước khi một ngôi nhà được xây dựng, ông ấy sẽ trồng cây trên những con đường, mỗi đường một loại cây khác nhau", bà Engineer nói thêm.

Trong số những khu định cư Parsi ở Mumbai, Dadar là nơi có diện tích lớn nhất. Khoảng 15.000 người Parsi sinh sống ở đây, chiếm 12% dân số của tộc người này trên toàn cầu.

Lối sống độc đáo

Mỗi buổi sáng, từ lúc 4h30, nhiều người đã dậy để tập thể dục. Người lớn tuổi thì thức dậy muộn hơn, ngồi trên mái hiên và nhìn ra đường. Sau đó, những người bán rau và cá tìm đến từng căn hộ để chào hàng. Những người thu dọn rác đến làm công việc của mình, cũng như những người giặt là. Thậm chí thợ mài dao cũng đến từng nhà để tìm khách.

Nếp sống truyền thống độc đáo này trong nhiều năm qua đã bị đe dọa bởi các tập đoàn lớn và các công ty tiêu dùng. Bà Engineer đã phải hết lần này tới lần khác chống lại những nỗ lực đó để bảo vệ giá trị đặc trưng của cộng đồng.

Bà Engineer năm nay 75 tuổi và là thành viên của Hiệp hội Trung ương Parsi (PCA), tổ chức có trách nhiệm chăm sóc cho đời sống của người dân trong khu định cư. Không phải những người Parsi từ bỏ hẳn các tiện nghi của thế giới hiện đại, họ có nhóm chat trên ứng dụng WhatsApp để phàn nàn hoặc khiếu nại về các vấn đề tới PCA, từ đèn đường bị hỏng cho đến ổ gà xuất hiện, và hiệp hội sẽ đưa người đến sửa chữa.

Ngày nay, sự chênh lệch giàu nghèo cực độ ở Mumbai đã khiến nó được đặt tên là "khu ổ chuột đắt đỏ nhất thế giới". Hơn một nửa cư dân sống trong các khu ổ chuột không có nước sinh hoạt, nằm sát những tòa nhà cao tầng sang trọng nhất thành phố. Giá thuê trung bình cho một căn hộ hai phòng ngủ ở quận Dadar có giá lên tới 1.920 USD/tháng.

Nhưng giá thuê nhà tại 25 khu định cư của người Parsi ở Mumbai gần như không tăng trong hàng thập kỷ qua. Người thuê nhà dài hại chỉ cần trả 4 USD cho một căn hộ, và không ai gọi họ là tầng lớp trung lưu.

Người Parsi là một trong những cộng đồng giàu có nhất thế giới. Chỉ chiếm 1% dân số Ấn Độ nhưng trong số 20 tỷ phú Ấn Độ có 4 người đến từ cộng đồng này.

Những căn hộ giống như ở khu định cư của người Parsi rất hiếm gặp ở Mumbai. Chúng rộng rãi, được bảo trì tốt và giá thuê thì cực rẻ. Nội thất của chúng là sự pha trộn ảnh hưởng văn hóa Anh và Trung Quốc, với các họa tiết thời Victoria được khắc vào khung giường bằng gỗ sồi, cho đến bình sứ có được do thương mại với Trung Hoa. Nhưng tất nhiên chúng được ưu tiên dành cho những người thuộc cộng đồng Parsi.

Các giáo sĩ cử hành đám tang cho một người Parsi vào năm 2016, truyền thống trước đây của họ là để xác giữa tự nhiên để kền kền ăn. Ảnh: AFP.

Kể từ thập niên 1940, số lượng người Parsi ở Ấn Độ đã giảm mạnh, theo một nghiên cứu của nhà nhân khẩu học Ava Khullar, nguyên nhân của hiện tượng này là do một phần ba số người Parsi không kết hôn, và phụ nữ Parsi cũng chỉ có một con so với con số trung bình 2,5 con trên cả nước.

Thêm vào đó, quy định của cộng đồng cũng rất khắt khe, một cặp vợ chồng sẽ không được hưởng ưu đãi dành cho người Parsi nếu một trong số họ không phải là người Parsi.

Số lượng người Parsi đã giảm 12% sau mỗi cuộc tổng điều tra dân số (cách nhau 10 năm) ở Ấn Độ, trong khi dân số cả nước tăng 21%. Với con số 58.000 người hiện tại, dự báo sẽ chỉ còn khoảng 23.000 người Parsi vào năm 2050, khiến cộng đồng người đô thị tinh hoa này sẽ trở thành một "bộ lạc".

Sơn Trần
Theo CNN

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/cong-dong-be-nho-an-dat-nhung-chiem-15-so-ty-phu-cua-an-do-post1103960.html