Cộng đồng đề nghị khẩn cấp dừng chặt, di dời gần 2.000 cây xanh ở Hà Nội

Ngày 29.5.2019, Quỹ Hỗ trợ và phát triển Cộng đồng Sống bền vững (gọi tắt là Quỹ Sống), nhiều tổ chức phi chính phủ và các cá nhân yêu môi trường, yêu Hà Nội có thư gửi UBND thành phố Hà Nội và Sở Giao thông vận tải (GTVT) Hà Nội đề nghị khẩn cấp ngừng chặt, di dời gần 2.000 cây xanh ở Hà Nội.

Đề nghị này nhằm tìm được tiếng nói thống nhất về giải pháp tối ưu trong di dời, bảo tồn và tái thiết mảng xanh trên 15 tuyến phố thuộc 12 quận trên địa bàn Hà Nội.

Quyết định chặt hạ và thay thế gần 6.700 cây xanh ở Hà Nội mới cách đây vài năm đã khiến Chính phủ và chính quyền thành phố Hà Nội phải yêu cầu làm rõ những khuất tất ẩn đằng sau quyết định này. Trong ảnh: Cây xanh đường Nguyễn Chí Thanh, Hà Nội trước khi bị chặt hạ. Ảnh: TL

Quyết định chặt hạ và thay thế gần 6.700 cây xanh ở Hà Nội mới cách đây vài năm đã khiến Chính phủ và chính quyền thành phố Hà Nội phải yêu cầu làm rõ những khuất tất ẩn đằng sau quyết định này. Trong ảnh: Cây xanh đường Nguyễn Chí Thanh, Hà Nội trước khi bị chặt hạ. Ảnh: TL

Cách đây hơn một tuần, việc chặt, di dời gần 2.000 cây xanh đã được chính quyền thành phố Hà Nội cho là nhằm có mặt bằng xén vỉa hè, dải phân cách mở rộng lòng đường 15 tuyến phố nói trên.

Ngay sau đó, ngày 18.5, Quỹ Sống đã có thư đề nghị UBND thành phố Hà Nội và Sở GTVT Hà Nội công bố thông tin về kế hoạch thực hiện dự án trên cho cộng đồng. Kiến nghị này được khẳng định là cần thiết, trước thực trạng môi trường ngày càng ô nhiễm nghiêm trọng hơn, trái đất nóng lên từng ngày, trong khi bài toán cơ sở hạ tầng giao thông đô thị lại vô cùng phức tạp.

“Đứng từ góc độ cộng đồng, chúng tôi hoàn toàn ủng hộ nâng cấp, mở rộng các tuyến đường, chỉnh trang đô thị, hè phố của Sở GTVT. Nhưng việc chặt và di dời cây xanh không phải là giải pháp đầu tiên để lựa chọn. Giải pháp tốt nhất là tìm giải pháp tốt hơn.

Vì vậy, tạm ngưng triển khai dự án và minh bạch các thông tin dự án sẽ tạo điều kiện để các chuyên gia, các tổ chức tham gia phối hợp với chính quyền và cơ quan chức năng trong quá trình xây dựng kế hoạch và triển khai có hiệu quả. Tất cả mọi thứ khác đều có thể xây dựng được nhưng cây xanh, môi trường và di sản là những tài nguyên mà mình rất khó có thể phục hồi nguyên trạng”, bà Phạm Thị Hương Giang, Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ Sống nói với Người Đô Thị.

Đến nay đề nghị vào ngày 18.5 vẫn chưa có phản hồi.

Tuy nhiên, đến sáng ngày 29.5, thông tin từ Quỹ Sống, tin báo từ nhiều người dân Hà Nội cho thấy, nhiều cây xanh ở Dịch Vọng, Cầu Giấy, Hà Nội đã bắt đầu bị chặt mà không hề được thông báo trước. Đây là hàng cây đã được trồng cách đây rất lâu, một số cây còn do chính người dân nơi đây tự trồng. Nhiều người nhận định có khả năng rất lớn nằm trong kế hoạch chặt và di dời gần 2.000 cây của Hà Nội.

Theo Thư kiến nghị tiếp tục vào ngày 29.5 của Quỹ Sống, nhiều tổ chức phi chính phủ và các cá nhân yêu môi trường, yêu Hà Nội... UBND thành phố Hà Nội và Sở GTVT Hà Nội cần công bố cụ thể về:
- Lộ trình quy hoạch lại các tuyến phố, thời gian, kế hoạch thi công và dự toán ngân sách;

- Giải pháp dịch chuyển cây xanh, những loại cây nào sẽ bị chặt bỏ, loại cây nào sẽ di chuyển, tiến độ và chi phí thực hiện;

- Địa điểm di chuyển, kế hoạch chăm sóc quản lý đối với những cây được di dời;

- Nguồn gỗ từ những cây bị chặt sẽ được sử dụng vào mục đích gì;

- Kế hoạch phục hồi mảng xanh đối với các tuyến đường có cây bị chặt bỏ và di dời, cùng với dự toán chi phí cho việc trồng lại cây mới.

Nói về những đề nghị này, bà Hương Giang chia sẻ, nếu chính quyền chỉ lẳng lặng làm thì sẽ xảy ra những căng thẳng trong mối quan hệ giữa cộng đồng, các tổ chức dân sự và chính quyền. Còn khi đã cùng nhau thống nhất một giải pháp, tự nhiên cộng đồng sẽ có cơ hội và lãnh vai trò giám sát, chính quyền chỉ thực thi công việc của mình, cũng là nhẹ đi trách nhiệm của mình. Đấy là sự chung tay của xã hội.

Nhiều cây xanh tại Dịch Vọng, Cầu Giấy (Hà Nội) bất ngờ bị chặt hạ vào ngày 29.5.2019. Ảnh: Hải Yến

Trong bối cảnh liên quan, trao đổi với Người Đô Thị, chuyên gia xã hội học đô thị Phạm Quỳnh Hương cho rằng: xén vỉa hè, chặt cây là những giải pháp không hợp lý.

Theo bà Quỳnh Hương, thứ nhất, nếu theo nguyên tắc bình đẳng trong giao thông thì không thể ưu tiên loại này mà mất quyền của loại kia. Cụ thể ở đây là ưu tiên xe cơ giới, hạn chế đường dành cho người đi bộ và giao thông công cộng (xe buýt, tàu metro, tàu trên cao). Người tham gia giao thông công cộng phải đi bộ đến điểm có xe, tàu. Giải pháp tạo thuận lợi cho loại này và cản trở loại kia tức là không công bằng.

Thứ hai, tình trạng ô nhiễm không khí do giao thông và kẹt xe ở Hà Nội đã đến mức báo động. Vì vậy cần phải tăng sử dụng giao thông công cộng, nhưng những giải pháp chặt, di dời cây lại đang theo hướng ngược lại. Bà Hương cho rằng, giải pháp chạy theo tình trạng kẹt xe này sẽ chẳng đi đến đâu. Thay vì chạy theo, hãy chủ động thay đổi cách thức giao thông bằng những cách giao thông hiện đại, là giao thông công cộng.

Thứ ba, để đương đầu với tình trạng giao thông hiện nay, cần có chiến lược lâu dài. Một mặt tăng cường giao thông công cộng, mặt khác, cần tăng cường phân luồng giao thông, và giáo dục, truyền thông để thay đổi nhận thức và thay đổi thói quen trong tham gia giao thông. Chuyển từ phương tiện cá nhân sang phương tiện giao thông công cộng. Chuyển từ phương tiện cơ giới sang đi bộ, đi xe đạp.

“Tình trạng trái đất nóng lên, biến đổi khí hậu đã ảnh hưởng nhiều đến khí hậu nói chung, đặc biệt ở đô thị. Trong khi các đô thị ở nước khác đang xanh hóa, rừng hóa đô thị, thì các nhà quản lý ta lại cứ chặt cây. Khẩu hiệu đề ra Hà Nội là thành phố xanh nhưng hành động thì ngược lại. Nếu đem so với các thành phố nước khác, Hà Nội không còn được gọi là xanh nữa rồi. Vì vậy hãy dừng ngay việc chặt cây. Hãy có chiến lược xanh hóa, rừng hóa đô thị của chúng ta...”, bà Quỳnh Hương nhận định.

Lê Quỳnh – Lệ Quyên

Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/cong-dong-de-nghi-khan-cap-dung-chat-di-doi-gan-2-000-cay-xanh-o-ha-noi-18831.html