Cộng đồng Đông Á sớm thành hiện thực?

Tân Thủ tướng Nhật Bản Yukio Hatoyama, người đề xuất thiết lập EAC kiểu EU

(CATP) Vào ngày 10-10 này, các nhà lãnh đạo ba nước Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc tiến hành cuộc gặp cấp cao tại Bắc Kinh. Đây là cuộc gặp cấp cao lần thứ hai giữa ba nước sau lần thứ nhất diễn ra ở Fukuoka (Nhật Bản) hồi năm ngoái. Hợp tác ba bên là nội dung chủ yếu, nhưng dư luận quốc tế đang sôi nổi bàn tán về sáng kiến thành lập Cộng đồng Đông Á (EAC) theo kiểu Liên minh châu Âu được cho là một trong những chủ đề được thảo luận tại hội nghị này. Theo báo chí Nhật Bản, đề xuất thành lập Cộng đồng Đông Á theo kiểu EU lần này do tân Thủ tướng Nhật Bản Yukio Hatoyama đưa ra. Trước đó, ông Hatoyama đã chính thức đề nghị Trung Quốc hợp tác thành lập EAC trong cuộc gặp Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 ở Pittsburgh (Mỹ) hồi tháng 9 vừa qua và đã được ủng hộ. Trong cuộc họp cấp ngoại trưởng của Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc ở Thượng Hải hôm 28-9, phía Nhật Bản một lần nữa đề xuất ý tưởng nói trên. Đề xuất về EAC là nhân tố chủ chốt trong chính sách đối ngoại mới của tân chính phủ Nhật Bản. Vậy Cộng đồng Đông Á sẽ bao gồm những nước nào? Cơ chế hoạt động ra sao? Nhật Bản chủ trương thành lập Cộng đồng Đông Á gồm: Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, mười nước ASEAN và có thể mở rộng kết nạp thêm Ấn Độ, Australia, New Zealand. Trong khi đó Trung Quốc nhấn mạnh là một trong những nước đầu tiên đưa ra ý tưởng này Bắc Kinh lại thiên về một Cộng đồng Đông Á có quy mô gồm 13 thành viên (ASEAN+3). Báo chí Nhật Bản cho biết, Thủ tướng Nhật Bản Yukio Hatoyama cũng đã ngỏ ý về hướng thiết lập EAC thành một cộng đồng kinh tế và chính trị nhất thể hóa theo kiểu EU. Cộng đồng Đông Á sẽ có một đồng tiền chung và tiến trình này sẽ từng bước được thực hiện. Việc hình thành Cộng đồng Đông Bắc Á cần phải dựa vào sự hợp tác và liên kết giữa các nước trong vùng trên nhiều lĩnh vực như kinh tế, chính trị, an ninh. Trong đó, không thể không nói đến vai trò của ASEAN vì hiện khối này đã có Hiến chương và đang hướng tới thành lập Cộng đồng Đông Nam Á. Hợp tác kinh tế là bước đi đầu tiên cần thiết và có tính khả thi nhất. Vì giữa các nước Đông Á còn tồn tại nhiều bất đồng về chính trị, an ninh và văn hóa cần phải vượt qua. Các nước liên quan cũng đang chú ý theo dõi những diễn biến về vấn đề này. Washington tỏ ra thận trọng vì Mỹ chưa được mời vào EAC theo thiết kế ban đầu. Nga cũng quan tâm tới EAC khi đã là quan sát viên của Hội nghị cấp cao ASEAN+3 từ năm 2005. Australia vẫn khẳng định mình là một thành viên của châu Á và muốn hội nhập với khu vực... Việc xây dựng thành công Cộng đồng Đông Á sẽ nâng cao vị thế của Đông Á trong nền chính trị và kinh tế thế giới. Nếu Cộng đồng Đông Á trở thành hiện thực, EAC sẽ xuất hiện với tư cách là trung tâm lớn thứ ba của thế giới hiện nay sau Mỹ và EU. Tuy nhiên, con đường đi tới một Cộng đồng châu Á đầy đủ còn lắm gập ghềnh và cần phải có đủ các bên quyết định.

Nguồn CA TP.HCM: http://www.congan.com.vn/?catid=1120&id=36087&mod=detnews&p=