Cộng đồng quốc tế cân nhắc trừng phạt Myanmar

Ngày càng có nhiều quốc gia đang xem xét hạn chế quan hệ ngoại giao với Myanmar và gia tăng áp lực kinh tế lên chính quyền hiện tại sau khi quân đội nước này làm binh biến lật độ chính phủ dân sự.

Người dân thành phố Mandalay biểu tình chống chính quyền quân sự. Ảnh: AP

Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm thứ Tư cho biết ông sẽ ban hành một lệnh hành pháp ngăn các tướng lãnh của Myanmar tiếp cận tài sản trị giá 1 tỷ USD ở Mỹ và tuyên bố sẽ có nhiều biện pháp trừng phạt hơn.

Mỹ nằm trong số nhiều quốc gia phương Tây đã dỡ bỏ hầu hết các lệnh trừng phạt trong thập kỷ qua để khuyến khích quá trình chuyển đổi dân chủ tại Myanmar.

Một trong những phản ứng mạnh mẽ nhất đến từ New Zealand, quốc gia đã đình chỉ mọi liên lạc chính trị cấp cao và quân sự với Myanmar, đồng thời cam kết ngăn chặn bất kỳ viện trợ nào có thể đến tay chính phủ quân sự hoặc có lợi cho các nhà lãnh đạo của họ. New Zealand cũng đặt lệnh cấm đi lại đối với các nhà cầm quyền quân sự mới của Myanmar.

“Chúng tôi không công nhận tính hợp pháp của chính phủ do quân đội lãnh đạo và chúng tôi kêu gọi quân đội ngay lập tức trả tự do cho tất cả các nhà lãnh đạo chính trị bị giam giữ và khôi phục quyền cai trị dân sự”, Ngoại trưởng New Zealand Nanaia Mahuta cho biết hôm thứ Ba.

Tại Washington, Tổng thống Biden cho biết lệnh cấm của ông nhằm mục đích đóng băng khối tài sản của các tướng lĩnh Myanmar trong khi vẫn duy trì sự ủng hộ cho các lĩnh vực dân sự khác. Trước đó, Mỹ đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với một số tướng lĩnh quân đội Myanmar sau vụ đàn áp người Rohingya.

Tại châu ÂU, người đứng đầu chính sách đối ngoại của EU Josep Borrell cho biết các ngoại trưởng châu Âu sẽ nhóm họp vào ngày 22/2 để xem xét các mối quan hệ của khối này với Myanmar và tìm cách gia tăng áp lực kinh tế.

Hiện chưa rõ liệu các nước láng giềng của Myanmar có cùng nhau thực hiện hành động tương tự phương Tây hay không.

Các nhà lãnh đạo của Malaysia và Indonesia đã thúc giục ASEAN triệu tập một cuộc họp đặc biệt để thảo luận về vấn đề Myanmar. Nhưng ASEAN từ lâu đã hoạt động theo nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau và các quyết định của khối này được đưa ra bởi sự đồng thuận từ các thành viên, bao gồm của Myanmar.

Sau cuộc đảo chính, Brunei - quốc gia chủ tịch ASEAN hiện tại, đã ra tuyên bố kêu gọi “theo đuổi đối thoại, hòa giải và trở lại bình thường phù hợp với ý chí và lợi ích của người dân Myanmar.”

Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha, người từng nắm quyền sau cuộc đảo chính quân sự năm 2014, cho biết ông đã nhận được một lá thư từ lãnh đạo quân đội Myanmar, Min Aung Hlaing, yêu cầu Thái Lan ủng hộ “nền dân chủ ở Myanmar.

Bắc Hiệp

Theo AP

Bắc Hiệp

Nguồn Ngày Nay: https://ngaynay.vn/cong-dong-quoc-te-can-nhac-trung-phat-myanmar-post103526.html