Cộng đồng trách nhiệm

Bảo hiểm y tế đang là điểm tựa cho người cao tuổi chăm lo sức khỏe, bảo đảm an sinh xã hội, giảm bớt gánh nặng kinh tế cho gia đình. Tuy nhiên, đến nay vẫn còn 5% người cao tuổi chưa có bảo hiểm y tế. Điều đáng quan tâm là số người cao tuổi nằm trong nhóm này không thuộc đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo hoặc không thuộc đối tượng chính sách ưu đãi xã hội.

Lọt lưới an sinh xã hội

Là nhóm đối tượng đã suy giảm nhiều về thể lực sau thời gian dài lao động và cống hiến, người cao tuổi là nhóm có tần suất khám, chữa bệnh và chi phí khám, chữa bệnh bình quân cao hơn các nhóm đối tượng khác. Hơn nữa, bệnh ở tuổi già chủ yếu là các bệnh mạn tính (như tim mạch, huyết áp, đột quỵ, tiểu đường, thoái hóa khớp…) phải điều trị suốt đời và điều trị nhiều bệnh cùng lúc; tính chất bệnh nặng. Chính vì thế, BHXH nói chung, BHYT nói riêng lại vô cùng quan trọng đối với người cao tuổi.

Nguồn: ITN

Hiện cả nước đã có khoảng 12,1 triệu người cao tuổi có thẻ BHYT, chiếm 95% tổng số người cao tuổi. Như vậy, vẫn còn 5% người cao tuổi tương đương với hơn 500.000 người chưa có thẻ BHYT. Số người cao tuổi chưa có thẻ BHYT hầu hết thuộc nhóm từ 60 đến 79 tuổi, không thuộc đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo hoặc không thuộc đối tượng chính sách ưu đãi xã hội. Thậm chí có người cao tuổi dù đã được ngân sách nhà nước hỗ trợ nhưng vẫn không đủ điều kiện, khả năng tài chính để mua thẻ BHYT.

Theo thống kê của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, cả nước hiện có khoảng 13 triệu người cao tuổi, chiếm 12% dân số. Trong đó có 3,2 triệu người cao tuổi đang hưởng BHXH, hơn 800.000 người cao tuổi hưởng chế độ người có công; gần 1,9 triệu người cao tuổi hưởng bảo trợ xã hội hàng tháng, trong đó hơn 10.000 người cao tuổi được nuôi dưỡng tại các cơ sở trợ giúp xã hội. Người cao tuổi từ 75 đến 80 tuổi thuộc hộ nghèo được trợ cấp hàng tháng.

Thực tế, các nguồn thu nhập chủ yếu của người cao tuổi hiện nay vẫn là đến từ nguồn hỗ trợ của con; công việc họ tự tạo ra, còn sự hỗ trợ của Nhà nước, lương hưu, tiền tiết kiệm hay các nguồn trợ giúp khác còn rất hạn chế. Chính vì thế, nếu không có con cái hỗ trợ và không còn đủ sức khỏe để làm việc thì sẽ có rất nhiều người cao tuổi rơi vào tình trạng nghèo đói. Hiện, tỷ lệ này ở người cao tuổi khoảng 7,11%, đồng thời có 25% người cao tuổi rơi vào trình trạng nghèo đa chiều, nghĩa là ngoài thu nhập ra họ chưa tiếp cận được các dịch vụ xã hội cơ bản. Những người cao tuổi ở vùng núi, vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn dễ bị tổn thương và nghèo hơn ở khu vực khác.

Luật Bảo hiểm Y tế quy định, người từ đủ 80 tuổi trở lên đang hưởng trợ cấp hàng tháng được quỹ BHYT chi trả 80% chi phí khi đi khám, chữa bệnh BHYT. Còn đối với người cao tuổi từ 80 tuổi trở lên đang hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội hàng tháng thì được quỹ BHYT chi trả 100% chi phí khám chữa bệnh.

Sớm có giải pháp căn cơ

Chủ tịch Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam Nguyễn Thanh Bình khẳng định, thời gian qua, người cao tuổi ngày càng nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước. Đặc biệt, trong thời gian dịch bệnh Covid-19 kéo dài, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã tham mưu Chính phủ kịp thời hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch, trong đó có người cao tuổi nhằm bảo đảm an sinh xã hội. Gần đây, Hội Người cao tuổi Việt Nam cũng đề xuất Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội sớm sửa đổi Luật Người cao tuổi; phối hợp để giải quyết 5% số người cao tuổi hiện nay chưa có thẻ BHYT, để 100% số người cao tuổi được chăm sóc sức khỏe thông qua BHYT.

Theo các chuyên gia, Chính phủ xem xét điều chỉnh mức đóng, mức hỗ trợ đóng BHYT đối với người cao tuổi trên cơ sở tính toán khả năng cân đối quỹ. Theo đó, nâng mức đóng, mức hỗ trợ các nhóm đối tượng tham gia BHYT, trong đó có người cao tuổi cần ưu tiên, nhất là nhóm người cao tuổi từ 60 tuổi đến 79 tuổi tham gia BHYT theo hộ gia đình và hộ gia đình nông, lâm, ngư, diêm nghiệp có mức sống trung bình theo quy định của Chính phủ. PGS.TS. Giang Thanh Long, Viện trưởng Viện Chính sách Công và Quản lý, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, gợi ý thêm, cần tăng cường hệ thống BHYT, bởi một trong những rào cản hiện nay là mức độ bao phủ về chi phí của BHYT còn hạn chế, chi tiêu từ tiền túi còn khá lớn cho khám chữa bệnh.

Bên cạnh những giải pháp có tính chất trước mắt như các địa phương chủ động xây dựng phương án huy động ngân sách từ nguồn kinh phí của địa phương để hỗ trợ mua thẻ BHYT cho người cao tuổi chưa có thẻ BHYT trên địa bàn, ngoài phần kinh phí đã được ngân sách nhà nước hỗ trợ... thì về lâu dài cần đưa nội dung xây dựng, hỗ trợ mức đóng BHYT đối với người cao tuổi vào nội dung vào sửa đổi, bổ sung Luật BHYT, làm thế nào tất cả các đối tượng đủ điều kiện công nhận là người cao tuổi thì được hưởng đầy đủ mức đóng BHYT do ngân sách nhà nước bảo đảm. Theo dự kiến, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội sẽ đề xuất sửa đổi Luật Người cao tuổi vào năm 2024 và sửa đổi tập trung vào những nội dung thiết yếu đặc biệt là rút ngắn độ tuổi người cao tuổi được hưởng trợ cấp xã hội, qua đó, rút ngắn độ tuổi người cao tuổi được hỗ trợ mua thẻ BHYT từ ngân sách.

Nguyễn Minh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/doi-song-xa-hoi/cong-dong-trach-nhiem-i290996/