Cổng dữ liệu quốc gia: 'Chìa khóa' kết nối dữ liệu trên toàn quốc

Trong quá trình xây dựng bước đầu Cổng dữ liệu quốc gia, công nghệ không phải là vấn đề khó khăn, mà quan trọng là làm sao đưa được các dữ liệu của các cơ quan nhà nước lên Cổng dữ liệu quốc gia. Đây chính là yếu tố tiên quyết trong xây dựng và vận hành hiệu quả Cổng dữ liệu quốc gia.

Ông Đỗ Công Anh, Phó Cục trưởng Cục Tin học hóa, Bộ TT&TT. Ảnh: VGP/Thúy Hà

Phóng viên Báo Chính phủ đã cuộc trao đổi với ông Đỗ Công Anh, Phó Cục trưởng Cục Tin học hóa, Bộ TT&TT - đơn vị chủ trì triển khai Cổng dữ liệu quốc gia về vấn đề này.

Thưa ông, xin ông cho biết, việc xây dựng và vận hành Cổng dữ liệu quốc gia có ý nghĩa như thế nào đối với người dân, doanh nghiệp và các cơ quan nhà nước?

Ông Đỗ Công Anh: Cổng dữ liệu quốc gia là điểm đầu mối truy cập thông tin, dữ liệu trên mạng Internet phục vụ việc công bố dữ liệu mở, cung cấp thông tin về chia sẻ dữ liệu (CSDL) của cơ quan nhà nước. Cổng cũng cung cấp các tài liệu, dịch vụ, công cụ, ứng dụng xử lý, khai thác dữ liệu được công bố bởi các cơ quan nhà nước.

Bộ TT&TT đã phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng Cổng dữ liệu quốc gia nhằm thực hiện Nghị định số 47/2020/NĐ-CP ngày 9/4/2020 của Chính phủ về quản lý, kết nối, chia sẻ dữ liệu số của cơ quan nhà nước và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Cổng dữ liệu quốc gia trên mạng Internet có địa chỉ là https://data.gov.vn; Cổng dữ liệu mở thuộc Cổng dữ liệu quốc gia có địa chỉ là https://open.data.gov.vn.

Cổng dữ liệu quốc gia sẽ là nền tảng dùng chung - nơi các các cơ quan nhà nước công bố hiện trạng thông tin về dữ liệu của mình; kiểm kê dữ liệu, minh bạch về dữ liệu; chia sẻ các phương tiện, công cụ, kỹ năng để thực hiện mục tiêu phát triển hạ tầng dữ liệu bền vững trong Chính phủ điện tử (CPĐT); giám sát việc chia sẻ dữ liệu, giải quyết vướng mắc trong chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước.

Cổng dữ liệu quốc gia cũng sẽ là nơi từng bước cung cấp các dịch vụ số mới của quá trình phát triển Chính phủ số, cho phép người dân, doanh nghiệp tiếp cận các dữ liệu của mình, về mình do cơ quan nhà nước nắm giữ; các dịch vụ số khác trên cơ sở dữ liệu phân tích định lượng, dữ liệu được tổng hợp tự động từ nhiều nguồn khác nhau.

Cổng cũng sẽ là đầu mối cung cấp dữ liệu mở của cơ quan nhà nước. Người dân, doanh nghiệp, cộng đồng sẽ có điều kiện khai thác dữ liệu của cơ quan nhà nước để phục vụ nghiên cứu, học tập, sáng tạo sản phẩm, đóng góp cho sự phát triển của nhà nước và xã hội, góp phần thúc đẩy kinh tế. Cung cấp dữ liệu mở cũng là hoạt động nằm trong chủ trương Nhà nước kiến tạo phát triển của Chính phủ, tăng cường tính minh bạch trong hoạt động của các cơ quan nhà nước.

Cổng dữ liệu quốc gia cũng là một kênh thông tin để tiếp nhận đóng góp của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân cho cơ quan nhà nước để các cơ quan nhà nước có nhiều dữ liệu hơn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn.

Đến nay, đã có bao nhiều cơ quan nhà nước và địa phương tham gia thúc đẩy dữ liệu trên Cổng dữ liệu quốc gia, thưa ông?

Ông Đỗ Công Anh: Trong thời gian qua, Bộ TT&TT với đơn vị quản lý nhà nước về Chính phủ điện tử và công nghệ thông tin, đã làm việc với rất nhiều Bộ, ngành và địa phương, qua đó cũng nắm bắt được nhu cầu cũng như hiện trạng về cơ sở dữ liệu trên toàn quốc.

Tại buổi khởi động Cổng dữ liệu quốc gia mới đây (ngày 31/8), đã có 6 Bộ (gồm Bộ TT&TT, Bộ Tài Nguyên và Môi trường, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bảo hiểm xã hội Việt Nam và 2 đơn vị là Đại học Quốc gia Hà Nội và Tổng công ty Bưu điện Việt Nam đã cùng cam kết sẽ đưa dữ liệu của mình lên Cổng dữ liệu quốc gia, thúc đẩy quản trị dữ liệu và thúc đẩy dữ liệu mở trên Cổng dữ liệu quốc gia.

Đến nay đã thêm 4 địa phương tham gia là TPHCM, Cần Thơ, Đà Nẵng và Huế.

Tuy nhiên, theo tôi, cái Cổng chỉ là cái vỏ bên ngoài và là bước phát triển ban đầu, còn dữ liệu mới là quan trọng trên Cổng dữ liệu quốc gia.

Các đơn vị cam kết đưa dữ liệu của mình lên Cổng dữ liệu quốc gia tại buổi khởi động Cổng dữ liệu quốc qia ngày 31/8. Ảnh: VGP/Minh Sơn

Là đơn vị chủ trì triển khai Cổng dữ liệu quốc gia, ông có đánh giá như nào về sự hợp tác và tham gia của các bộ, ngành, các địa phương và doanh nghiệp trong việc chia sẻ dữ liệu trên Cổng dữ liệu quốc gia, thưa ông?

Ông Đỗ Công Anh: Trong quá trình nghiên cứu vấn đề dữ liệu ở Việt Nam, tôi thấy rằng, nhiều năm trước thì để phát triển và thúc đẩy dữ liệu là rất khó khăn, đa số các cơ quan đều lưu trữ dữ liệu của mình và thường không có ý định chia sẻ dữ liệu cho các cơ quan khác.

Tuy nhiên, gần đây, dưới sự phát triển mạnh mẽ của Chính phủ số và nền kinh tế số thì các cơ quan có nhu cầu lớn về sử dụng đến dữ liệu của các cơ quan khác. Chính vì vậy, khi có nhu cầu sử dụng dữ liệu của các cơ quan khác thì các đơn vị hiểu ra rằng, mình cũng phải chia sẻ dữ liệu của mình thì các cơ quan khác cũng sẽ chia sẻ.

Cục Tin học hóa xây dựng Cổng dữ liệu quốc gia này cũng với hy vọng sẽ đẩy mạnh việc chia sẻ, khai thác và sử dụng hiệu quả dữ liệu trên toàn quốc.

Vậy phải làm thế nào để huy động được các bộ, ngành khác và các địa phương cùng tham gia chia sẻ dữ liệu trên Cổng dữ liệu quốc gia, thưa ông?

Ông Đỗ Công Anh: Thời gian tới, Cục Tin học hóa sẽ tích cực làm việc với các Bộ, ngành và các địa phương, cùng các doanh nghiệp công nghệ lớn mang tính nền tảng như các doanh nghiệp viễn thông, để họ có thể cung cấp dữ liệu mở trên Cổng dữ liệu quốc gia, chứ không chỉ gói gọn trong 6 Bộ.

Mục tiêu từ nay đến cuối năm 2020, Cục Tin học hóa sẽ làm việc với các đơn vị chuyên trách của tất cả các Bộ, ngành và tất cả các sở TT&TT tại các địa phương, để cùng tham gia cung cấp dữ liệu. Đồng thời, phấn đấu hàng năm sẽ tích cực cập nhật các bộ dữ liệu lên Cổng dữ liệu quốc gia.

Thưa ông, khi xây dựng Cổng dữ liệu quốc gia, Bộ TT&TT đã học hỏi và đúc kết được những kinh nghiệm gì từ thế giới về xây dựng và vận hành Cổng dữ liệu quốc gia?

Ông Đỗ Công Anh: Cách đây 2 năm, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng đã chỉ đạo Cục Tin học hóa nghiên cứu và xây dựng Cổng dữ liệu quốc gia, đến giai đoạn hiện tại đã có 80% các quốc gia trên thế giới đã xây dựng được Cổng dữ liệu quốc gia này và chúng tôi đã học hỏi được rất nhiều.

Tuy nhiên, ở Việt Nam có một đặc thù so với các Cổng dữ liệu quốc gia khác, đó là về tên gọi và chức năng nhiệm vụ của Cổng dữ liệu quốc gia. Đa số các nước trên thế giới gọi là cổng dữ liệu mở quốc gia, tức là chỉ công bố dữ liệu mở, còn chúng ta sau khi học hỏi, chúng tôi đã quyết định lấy tên gọi là Cổng dữ liệu quốc gia, vì chúng tôi mong muốn không chỉ minh bạch riêng dữ liệu mở mà còn phải minh bạch hóa cả dữ liệu (dữ liệu đang có, đang được xây dựng và sẽ xây dựng) của các cơ quan nhà nước để thúc đẩy sự phát triển về dữ liệu trong cơ quan nhà nước.

Hiện nay, hiện nay vấn đề minh bạch hóa dữ liệu vẫn đang rất mù mờ, vì Bộ này chưa biết Bộ kia có dữ liệu đó hay chưa hoặc đã chia sẻ chưa, đặc biệt là các địa phương muốn chia sẻ được dữ liệu, muốn khai thác dữ liệu của các Bộ, ngành cũng rất mù mờ, khi đó lại phải có văn bản gửi đi, phải có buổi làm việc, rất mất thời gian, công sức và kinh phí.

Cổng dữ liệu quốc gia là một danh mục để công bố minh bạch các dữ liệu của cơ quan nhà nước, ngoài ra cơ quan nhà nước nào muốn đăng ký sử dụng thì phải có thẩm quyền và được phép thì hệ thống sẽ đảm bảo vấn đề này. Ngoài ra, trên Cổng dữ liệu quốc gia còn có danh mục dùng chung, dữ liệu mở. Dữ liệu mở là tự do cho các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp, khách hàng đều khai thác và sử dụng được. Dữ liệu mở cũng đã có các tiêu chuẩn riêng, đồng thời cũng đảm bảo về thông tin và định danh cá nhân không có trên đó.

Vậy, việc xây dựng và vận hành Cổng dữ liệu quốc gia, chúng ta có thể kỳ vọng những điều gì, thưa ông?

Ông Đỗ Công Anh: Trong bản báo cáo gần nhất đây của Liên hợp quốc về đánh giá xếp hạng Chính phủ điện tử năm 2020, có đề cập đến vấn đề xây dựng Chính phủ số và Chính phủ số sẽ bắt đầu cho một thập kỷ mới phát triển bền vững. Vấn đề của Cổng dữ liệu quốc gia, bên cạnh minh bạch hóa và mang lại thứ hạng cao cho Việt Nam về Chính phủ điện tử trên trường quốc tế thì nó còn góp phần theo xu thế Chính phủ mở hiện nay. Chính phủ mở có nghĩa là minh bạch mọi hoạt động tới người dân.

Như vậy, ngoài việc minh bạch dữ liệu thì người dân, doanh nghiệp còn có thể tham gia vào các hoạt động chỉ đạo, điều hành của chính cơ quan nhà nước và cả Chính phủ. Từ đó, góp phần mang lại vị thế lớn hơn cho Việt Nam trên thế giới.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Thúy Hà (thực hiện)

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/khoa-hoc-cong-nghe/cong-du-lieu-quoc-gia-chia-khoa-ket-noi-du-lieu-tren-toan-quoc/407073.vgp