Công dụng của 'thần dược' Omega-3 bị thổi phồng

Bạn vẫn thường nghe về việc bổ sung omega-3 như một cách bảo vệ tim mạch. Nhưng sự thật, đây là loại thuốc tiếp theo trong trong danh sách thuốc bổ vô tích sự.

Ảnh: Shutterstock

Hầu hết các thực phẩm bổ sung vitamin không "thần thánh" như người ta vẫn tưởng. Trong thực tế, một nghiên cứu đầu năm nay phát hiện một số thực phẩm bổ sung vitamin phổ biến nhất - bao gồm vitamin C và canxi, không thực sự có ích cho sức khỏe.

Thực phẩm bổ sung bị lầm tưởng nhiều nhất là dầu cá, còn gọi là omega-3. Dầu cá được biết đến như chất chống các bệnh tim mạch. Nhưng theo đánh giá mới của tổ chức phi lợi nhuận quốc tế Cochrane, dẫn đầu là Đại học East Anglia, Anh, các thực phẩm bổ sung này không cung cấp nhiều lợi ích cho người sử dụng.

Các chất béo omega-3 như axit alphalinolenic (ALA), axit eicosapentaenoic và axit docosahexaenoic là nguồn dinh dưỡng tốt cho cơ thể người, chúng rất cần thiết cho sức khỏe. Tuy nhiên, theo một nghiên cứu trên 79 thử nghiệm khác nhau trong tổng số 112000 người tham gia, các nhà nghiên cứu đã phát hiện thực phẩm bổ sung omega-3 từ dầu cá không hề giúp bảo vệ tim mạch.

Những người tham gia được phân chia ngẫu nhiên thành hai nhóm: Nhóm tăng lượng chất béo omega-3 tiếp nhận vào cơ thể và nhóm duy trì lượng chất béo trong chế độ ăn riêng của họ trong vòng 1 năm. Sau đó những người tham gia đều được đánh giá sức khỏe tim mạch và hệ tuần hoàn.

Những con số thực tế

Ảnh: Medicwiz

Kết quả cho thấy không có sự khác biệt đáng kể về tỷ lệ tử vong - với 8,8% số người dùng omega-3 chết so với 9% ở nhóm còn lại, cũng như tỷ lệ đau tim hoặc đột quỵ. Theo Lee Hooper - Nhà nghiên cứu tại Trường Y tế Norwich (UEA), không có bằng chứng xác thực nào chứng minh khả năng làm giảm nguy cơ tử vong hoặc lợi ích tim mạch từ của các viên nén omega-3.

Trả lời phỏng vấn The Times, bà Lee cho rằng tốt hơn nên đưa cá dầu vào chế độ ăn uống thay vì lệ thuộc thực phẩm bổ sung, bởi cơ thể chúng ta không chỉ cần omega-3 trong thực phẩm. “Bạn đồng thời tiếp nhận một nguồn protein, các chất béo hòa tan và selen có trong hải sản, sắt và vitamin D. Tất cả đều là những chất dinh dưỡng hữu ích cho cơ thể” - Bà nói.

Bà Lee cũng cho biết nghiên cứu đã tìm thấy một số bằng chứng cho thấy một axit béo omega-3 - axit alpha­linolenic (ALA), được tìm thấy trong hạt cải dầu, trong dầu hạt cải và quả óc chó, có khả năng chống lại bệnh tim và các bệnh về tuần hoàn.

"Tuy nhiên, tác động của ALA là rất nhỏ. Đối với những người tăng lượng tiếp nhận ALA vào cơ thể, chỉ có 1/143 người có thể ngăn chặn chứng loạn nhịp tim và 1/1000 người có thể thoát chết do bệnh mạch vành và các bệnh tim mạch" - Bà Lee nói thêm.

Câu chuyện về "thần dược" Omega-3 đã được dựng lên

Tác dụng của dầu cá dường như đã bị thổi phồng quá mức bấy lâu nay. Vào hơn 1 thập kỷ trước, dầu cá đã được thử nghiệm ở trên 3.000 trẻ em ở Durham để chứng minh liệu dầu cá có cải thiện khả năng học tập của trẻ em hay không.

Tuy nhiên, nghiên cứu này không được kiểm soát bởi bất kỳ nhóm chuyên gia nào. Các nhà nghiên cứu, trong đó có cả nhà báo và bác sĩ Ben Goldacre, cho rằng đây không phải là một nghiên cứu khoa học, do đó không một có nhóm kiểm soát nào. Chính vì thế, khả năng làm giả kết quả có thể đã xảy ra.

Dù đã có hơn 2000 trẻ bỏ dở thí nghiệm và không có kết quả nào cụ thể, tuy nhiên, các đầu báo vẫn đặt tiêu đề là "có 832 học sinh được nhận hơn 80% dầu cá như giả thiết". Các nhà báo cũng đặt ra một câu chuyện với gợi ý rằng omega-3 cải thiện hiệu suất và hành vi ở trường của trẻ em, mặc dù không có một trang giấy nghiên cứu nào đề cập đến.

Trên thực tế, Omega-3 không hề vô dụng. Nó là một phần không thể thiếu trong chế độ ăn uống của chúng ta, giống như nhiều vitamin và khoáng chất khác. Nhưng thật sai lầm nếu bạn xem omega-3 như một viên thuốc bổ sung đầy ma thuật giúp cải thiện sức khỏe lẫn tinh thần!

Theo Mỹ Phương/Khám phá

Nguồn PNNews: http://phununews.vn/cac-nha-bao-da-thoi-phong-cong-dung-cua-than-duoc-omega-3-512651.htm