Cổng hải quan một cửa quốc gia mới chỉ là hình thức!

Sáng 10.3, tại Hà Nội khai mạc "Hội nghị Triển khai Nghị quyết 19-2017 về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh". Ông Đào Huy Giám – Tổng thư kí Diễn đàn kinh tế tư nhân - cho biết: “Việc đưa vào vận hành Cổng hải quan một cửa quốc gia là trọng tâm của Nghị quyết 19 trong yêu cầu điện tử hóa các giao dịch hành chính. Tuy nhiên, kết quả chuyển đổi thủ tục hành chính xuất nhập khẩu từ nộp hồ sơ giấy lên thành hồ sơ điện tử trên Cổng một cửa quốc gia là quá ít, hình thức. Thực tế các doanh nghiệp chỉ nộp đơn điện tử, còn lại phải nộp trực tiếp bản giấy bộ hồ sơ còn lại”.

Phát biểu tại hội nghị, ông Đào Huy Giám – Tổng thư ký Diễn đàn kinh tế tư nhân - cho biết, trong thực thi Nghị quyết 19 còn nhiều bất cập ở từng ngành. Nghị quyết 19 đã nêu thực trạng, tiêu chí cụ thể cần đạt được, nhưng vướng mắc không nhỏ ở việc thực thi của các cơ quan hữu quan còn lúng túng.

Điển hình, trong tiến trình thực hiện Nghị quyết 19, yêu cầu điện tử hóa các giao dịch hành chính, thực hiện TTHC để tạo môi trường kinh doanh trong sạch, lành mạnh, hạn chế các tiếp xúc trực tiếp giữa cơ quan công quyền với người dân, doanh nghiệp và việc đưa vào vận hành Cổng hải quan một cửa quốc gia là trọng tâm. Tuy nhiên, kết quả chuyển đổi hình thức thực hiện các TTHC mảng XNK từ nộp hồ sơ giấy lên thành hồ sơ điện tử trên Cổng một cửa quốc gia là quá ít, hình thức (chỉ nộp đơn điện tử, nộp trực tiếp bản giấy với bộ hồ sơ còn lại).

“Lợi ích nhóm được nhìn nhận là một trở ngại chính. Gạt bỏ được lợi ích nhóm thì mới mong thực hiện tốt được chỉ đạo của Chính phủ; cộng đồng doanh nghiệp mong chờ các Bộ, ngành chứng minh điều đó”.

Thêm vào đó, theo Tổng thư kí Diễn đàn kinh tế tư nhân, quá trình ban hành và điều chỉnh chính sách để thực thi Nghị quyết 19, nhiều cơ quan thiếu cân nhắc đến chủ trương chiến lược và yêu cầu đánh giá tác động của chính sách nên cải cách khâu này lại gây ra vướng mắc lớn cho khâu khác, hoặc thực thi chính sách xa rời chủ trương, với doanh nghiệp khó khăn vẫn hoàn khó khăn, thậm chí còn nặng gánh hơn.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông cho rằng, để cải thiện môi trường kinh doanh, các bộ cần vào cuộc mạnh mẽ hơn theo cấp số nhân. “Ba năm gần đây, thứ hạng môi trường kinh doanh của Việt Nam liên tục được cải thiện, trong đó, năm 2016 tăng 9 bậc (từ vị trí 91 lên vị trí 82), đây là mức cải thiện thứ hạng nhiều nhất kể từ năm 2008. Tuy vậy, tốc độ triển khai thực hiện còn rất chậm; kết quả đạt được hàng năm chỉ là một phép cộng giản đơn, tính trên đầu ngón tay”, Thứ trưởng Đông cho biết.

Một số mục tiêu của Nghị quyết 19-2017:
- Đạt trung bình ASEAN 4 trên 10 chỉ tiêu về môi trường kinh doanh.
- Giai đoạn 2017-2020, cải thiện điểm số và thứ hạng trên 4 nhóm trụ cột: (1) Môi trường kinh doanh (theo WB); (2) Năng lực cạnh tranh toàn cầu (theo WEF); (3) Đổi mới sáng tạo (theo Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới); và (4) Chính phủ điện tử (theo Liên hiệp quốc).
- Gắn trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương với gần 250 chỉ tiêu cụ thể.

Lan Hương

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/kinh-te/cong-hai-quan-mot-cua-quoc-gia-moi-chi-la-hinh-thuc-645462.bld