Công khai dự án bất động sản thế chấp ngân hàng

Nếu đem các căn hộ đã bán cho khách hàng đem đi thế chấp ngân hàng sẽ dẫn tới những tranh chấp, đẩy rủi ro pháp lý cho khách hàng.

Tính đến đầu tháng 6/2018, Sở Xây dựng TP. HCM đã công bố nhiều dự án BĐS đã thế chấp quyền sử dụng đất và tài sản hình thành trong tương lai gắn liền với đất cho ngân hàng.

Cụ thể, Dự án khu chung cư cao tầng Nam An - Kingsway Tower địa chỉ phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân do Công ty TNHH Siêu Thành làm chủ đầu tư thế chấp quyền sử dụng đất cho Ngân hàng Thương mại Cổ phần An Bình - Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh.

Dự án D-Vela của Công ty Cổ phần Địa ốc An Phú Long làm chủ đầu tư và Công ty Cổ phần Đầu tư Căn Nhà Mơ Ước là đơn vị phát triển dự án được hiện cũng đang được cầm cố tại ngân hàng BIDV, chi nhánh Tây Sơn.

Nhiều dự án BĐS ở TP. HCM đã được chủ đầu tư đem đi cầm cố ngân hàng.

Dự án The Western Capital (số 116 Lý Chiêu Hoàng, phường 10, quận 6), do Công ty TNHH Quản lý Bất động sản Hoàng Phúc là chủ đầu tư, đang được thế chấp cho Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng.

Dự án Jamona Heights địa chỉ số 16/9 đường Bùi Văn Ba, phường Tân Thuận Đông, quận 7, do Công ty Cổ phần May Tiến Phát làm chủ đầu tư, hiện đang được thế chấp cho Ngân hàng TMCP Phương Đông - Chi nhánh TP.HCM.

Dự án Khu dân cứ mới phức hợp đa chức năng (City Villa), địa chỉ phường Phú Mỹ, quận 7 do Công ty TNHH Xây dựng - Sản xuất - Thương mại Tài nguyên làm chủ đầu tư thế chấp dự án tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn - Hà Nội - Chi nhánh Sài Gòn.

Dự án Little Village (quận Thủ Đức, Công ty TNHH Phát triển nhà Thế Giới làm chủ đầu tư thế chấp quyền sử dụng đất và dự án đầu tư nhà ở tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đại Chúng Việt Nam - Chi nhánh Gia Định (PVcom Bank).

Dự án Khu chung cư Nhà Sài Gòn địa chỉ Hương Lộ 2, phường Bình Trị Đông A, quận Bình Tân, do Công ty TNHH Nhà Sài Gòn làm chủ đầu tư, thế chấp quyền sử dụng đất cho Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) - Chi nhánh Nam Sài Gòn.

Khu dân cư Lô M7 Khu A - Đô thị mới Nam TP.HCM do Công ty Cổ phần phát triển Phú Hưng Thái làm chủ đầu tư. Dự án này đã thế chấp quyền sử dụng đất và dự án đầu tư nhà ở tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại Thương - chi nhánh Nam Sài Gòn và Ngân hàng Thương mại Quốc tế Việt Nam - Chi nhánh TP. HCM.

Dự án Green Field 686 (quận Bình Thạnh) do Công ty Cổ phần Xây lắp thương mại 2 (ACSC) làm chủ đầu tư và hiện đang được thế chấp quyền sử dụng đất tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công Thương Việt Nam - Chi nhánh Khu công nghiệp Bình Dương.

Tại Hà Nội, nhiều dự án BĐS cũng được chủ đầu tư đem đi thế chấp ngân hàng như HPC Landmark 105 của Công ty CP Đầu tư Hải Phát (Hải Phát Invest); Stellar Garden 35 Lê Văn Thiêm (hay còn gọi là Thanh Xuân Tower, tại Q. Thanh Xuân, TP. Hà Nội) của Công ty CP Kinh doanh và Xây dựng Quang Minh; Tòa nhà Dolphin Plaza (Q. Nam Từ Liêm, TP. Hà Nội)...

Theo các chuyên gia tài chính, việc một dự án bất động sản được đem thế chấp ngân hàng là điều bình thường. Chỉ trong trường hợp, chủ đầu tư dự án không đủ khả năng giải chấp khi đó mới xảy ra những điều bất bình thường.

Mặc dù vậy, trong bất kỳ trường hợp nào thì chủ đầu tư cũng cần phải công bố minh bạch thông tin dự án để cho khách hàng được biết, tránh tâm lý hoang mang.

TS Nguyễn Huy Toàn - giảng viên kinh tế trường Đại học Kinh tế - Tài chính TP. HCM nêu quan điểm: “Ngoài việc công bố những dự án thế chấp ngân hàng, dự án được huy động vốn, các cơ quan chức năng nên công bố cả những dự án chưa hoàn thành nghĩa vụ tiền sử dụng đất, chưa có giấy phép xây dựng, chưa có bảo lãnh của ngân hàng…”.

Tiến Hưng

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/bao-ve-nguoi-tieu-dung/cong-khai-du-an-bat-dong-san-the-chap-ngan-hang-3359658/