Công khai, minh bạch, giảm thiểu thất thoát, lãng phí

Khảo sát công tác quản lý và sử dụng Quỹ tài chính Nhà nước ngoài ngân sách (TCNNS) giai đoạn 2020 - 2022, Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Hà Tĩnh đề nghị tăng cường thanh, kiểm tra việc quản lý, sử dụng Quỹ TCNNS theo đúng mục đích sử dụng; bảo đảm nguồn lực tài chính nhà nước được quản lý, sử dụng hiệu quả, công khai, minh bạch; đồng thời, xử lý nghiêm các vi phạm, góp phần giảm thiểu thất thoát, lãng phí ngân sách…

Văn bản hướng dẫn thành lập, quản lý, sử dụng chưa đầy đủ

Hiện, trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh có 16 Quỹ TCNNS được cấp có thẩm quyền quyết định thành lập. Các Quỹ cơ bản đã ban hành quy chế hoạt động và cơ chế tài chính theo đúng quy định; nguồn vốn được tiếp nhận, quản lý, sử dụng đúng mục đích, công khai, minh bạch, hiệu quả, bảo tồn được nguồn vốn do ngân sách Nhà nước cấp, có doanh thu từ hoạt động để bổ sung, phát triển nguồn vốn nhằm thực hiện các mục tiêu, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, an sinh xã hội trên địa bàn.

Đoàn khảo sát đề nghị UBND tỉnh tăng cường thanh tra, kiểm tra việc quản lý, sử dụng Quỹ TCNNS theo đúng mục đích sử dụng

Đoàn khảo sát đề nghị UBND tỉnh tăng cường thanh tra, kiểm tra việc quản lý, sử dụng Quỹ TCNNS theo đúng mục đích sử dụng

Tuy nhiên, qua khảo sát, Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Nguyễn Thị Thúy Nga cho rằng: hệ thống pháp luật về quản lý, sử dụng các Quỹ TCNNS khá phức tạp, chưa rõ ràng, chưa có văn bản pháp luật mang tính khuôn khổ pháp lý chung để quản lý các Quỹ; các Quỹ được thành lập dưới loại hình, quy mô, tính chất, phạm vi hoạt động khá đa dạng và không thống nhất… Bên cạnh đó, một số văn bản quy định, hướng dẫn thành lập, quản lý, sử dụng các Quỹ chưa đầy đủ, còn chồng chéo, bất cập làm ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động, gây khó khăn cho công tác kiểm tra, giám sát của các cơ quan nhà nước…

Đơn cử, liên quan đến việc quản lý tài chính các Quỹ còn nhiều bất cập, cụ thể, nhiều Quỹ thành lập với mục tiêu là huy động nguồn lực khác ngoài NSNN (từ tổ chức nước ngoài, xã hội hóa…) nhưng nguồn lực tài chính của một số Quỹ chủ yếu được hình thành từ nguồn NSNN cấp, các thành viên đoàn giám sát chỉ rõ: theo quy định tại Điều 8 Luật NSNN năm 2015, NSNN không hỗ trợ kinh phí hoạt động cho các Quỹ TCNNS. Theo đó, đối chiếu với các Quỹ được NSNN hỗ trợ kinh phí hoạt động hiện nay có nhiều Quỹ chưa phù hợp với quy định của Luật NSNN năm 2015, ngoại trừ các Quỹ được NSNN cấp kinh phí để thực hiện nghĩa vụ của Nhà nước.

Chưa kể, mô hình tổ chức, hoạt động của các Quỹ TCNNS còn phức tạp, thiếu thống nhất. Một số Quỹ còn trùng lặp về chức năng, nhiệm vụ; đối tượng hỗ trợ trùng nhau và trùng với các đối tượng ưu đãi của Ngân hàng chính sách xã hội; nhiệm vụ chi tương đồng với nhiệm vụ chi của NSNN và chưa thực hiện hết các chức năng, nhiệm vụ theo quy định để khai thác tốt nguồn thu của Quỹ; chưa tranh thủ, huy động các nguồn lực ngoài xã hội để phục vụ tốt hơn chức năng, nhiệm vụ của Quỹ… Một số Quỹ vốn sử dụng trong năm thấp, dư nguồn lớn tại một số quỹ, vốn ứng quá hạn hoàn ứng chưa thu hồi được còn cao, công tác thu hồi nợ một số dự án còn gặp khó khăn, vướng mắc…

Trong khi đó, “công tác thanh tra, kiểm tra và kiểm toán chưa được chú trọng. Hoạt động kiểm tra chủ yếu được thực hiện bởi các cơ quan chủ quản tại các quỹ; các cuộc thanh tra, kiểm tra liên ngành, chuyên đề chưa được thực hiện”, bà Nga chỉ rõ.

Giải thể các Quỹ dư nguồn lớn, tránh lãng phí nguồn lực

Từ thực trạng nêu trên, đồng thời để bảo đảm khung pháp lý trong việc thống nhất quản lý các Quỹ TCNNS, Đoàn khảo sát của Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh kiến nghị Quốc hội xem xét, ban hành Luật Quản lý, sử dụng các quỹ TCNNS. Theo đó, quy định rõ thẩm quyền thành lập quỹ, nguồn thu, nhiệm vụ chi, cơ cấu hoạt động, cơ chế tài chính... Đồng thời, khi ban hành các luật chuyên ngành, cần thận trọng quy định thành lập mới các Quỹ TCNNS.

Đoàn khảo sát cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành rà soát lại các văn bản QPPL liên quan trong quản lý, sử dụng các Quỹ TCNNS để sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định nhằm bảo đảm đồng bộ, thống nhất và phù hợp với thực tế... Đồng thời, xem xét, sửa đổi một số chính sách đầu tư xây nhà ở xã hội đối với các tỉnh, thành có nhu cầu thuê nhà thấp (trong đó có tỉnh Hà Tĩnh) theo hướng Chủ đầu tư được bán phần diện tích dành để cho thuê.

Theo Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Nguyễn Thị Thúy Nga, UBND tỉnh cần tổ chức rà soát, đánh giá hiệu quả hoạt động của các Quỹ TCNNS thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh; xây dựng lộ trình cơ cấu lại, sáp nhập, ủy thác, dừng hoạt động hoặc giải thể đối với các quỹ hoạt động không hiệu quả, không đúng mục tiêu đề ra hoặc không phù hợp… Đồng thời, thu hồi nguồn vốn, giải thể các Quỹ TCNNS dư nguồn lớn để tránh lãng phí nguồn lực tài chính; nâng cao hiệu quả hoạt động, tính độc lập, khả năng tự cân đối của các Quỹ, giảm dần hỗ trợ hoạt động từ NSNN. “Đặc biệt, không thành lập mới các Quỹ Tài chính Nhà nước không có khả năng tài chính độc lập, nhất là các Quỹ có nguồn huy động, tài trợ chủ yếu từ NSNN. Đối với các Quỹ hoạt động hiệu quả, kịp thời tham mưu cấp có thẩm quyền củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý theo đúng quy định hiện hành”, bà Nga nhấn mạnh.

Đoàn khảo sát cũng lưu ý, UBND tỉnh tăng cường thanh tra, kiểm tra việc quản lý, sử dụng Quỹ TCNNS theo đúng mục đích sử dụng; bảo đảm nguồn lực tài chính nhà nước được quản lý, sử dụng có hiệu quả. Công khai hoạt động của các Quỹ TCNNS; xử lý nghiêm các vi phạm, góp phần giảm thiểu thất thoát, lãng phí ngân sách… Đồng thời, hàng năm báo cáo HĐND tỉnh tình hình thực hiện kế hoạch tài chính của các Quỹ TCNNS trên địa bàn theo quy định của Luật NSNN năm 2015 và khoản 5 Điều 12 Nghị định số 163/2016/NĐ-CP ngày 21.12.2016 của Chính phủ.

Diệp Anh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/tren-duong-phat-trien-1/cong-khai-minh-bach-giam-thieu-that-thoat-lang-phi-i330855/