Công khai, minh bạch hoạt động của CSGT

Hiện nay, Bộ Công an đang lấy ý kiến người dân về Thông tư quy định quyền hạn, hình thức, nội dung thanh tra kiểm soát (TTKS) giao thông đường bộ của CSGT và Thông tư về thực hiện dân chủ trong công tác đảm bảo TTATGT.

Những thông tư trên có rất nhiều điểm mới, đáp ứng tốt hơn công tác đảm bảo TTATGT cũng như tạo điều kiện để người dân tham gia phát hiện vi phạm, giám sát hoạt động của CSGT.
Để giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về những đổi mới của CSGT trong những thông tư trên, phóng viên Báo CAND đã phỏng vấn Thiếu tướng Lê Xuân Đức, Phó Cục trưởng Cục CSGT, Bộ Công an.

Phóng viên: Hiện nay, Bộ Công an đang lấy ý kiến Thông tư thay thế cho Thông tư 01/2006 và Thông tư về thực hiện dân chủ trong công tác đảm bảo TTATGT. Trong nội dung các văn bản này có rất nhiều điểm mới, đặc biệt là tính công khai, minh bạch được thể hiện rõ hơn. Đề nghị đồng chí cho biết, vì sao lại có những đổi mới mạnh mẽ như vậy?

Thiếu tướng Lê Xuân Đức: Việc đưa một số nội dung mới vào Thông tư thay thế Thông tư 01/2006 và Thông tư về thực hiện dân chủ trong công tác đảm bảo TTATGT để phù hợp với các văn bản quy phạm pháp luật hiện nay; đáp ứng công tác đảm bảo TTATGT; ứng dụng khoa học kỹ thuật vào công tác; phù hợp với thông lệ quốc tế; đáp ứng nhiệm vụ chính trị Bộ trưởng giao cho lực lượng CSGT và đáp ứng yêu cầu chính đáng của người dân. Mục tiêu là giảm vi phạm, giảm tai nạn giao thông, nâng cao ý thức của người dân trong chấp hành pháp luật về an toàn giao thông.

Thiếu tướng Lê Xuân Đức, Phó Cục trưởng Cục CSGT.

Thiếu tướng Lê Xuân Đức, Phó Cục trưởng Cục CSGT.

Phóng viên: Đồng chí có thể nói rõ hơn về những điểm mới của các Thông tư trên nhằm làm tốt hơn công tác TTKS, phòng ngừa vi phạm và tai nạn giao thông cũng như tăng cường sự giám sát của nhân dân đối với CSGT?

Thiếu tướng Lê Xuân Đức: Thông tư có rất nhiều điểm mới, trong đó có 5 điểm mới cơ bản. Thứ nhất là công khai, minh bạch toàn bộ trình tự TTKS của CSGT từ trang phục, hiệu lệnh đến thời gian TTKS; tuyến đường TTKS, chuyên đề xử lý để người dân giám sát, ủng hộ. Ví dụ, công khai khu vực kiểm soát gồm rào chắn, cọc tiêu, dây phản quang, biển 436 “Trạm CSGT” để người dân biết đây là khu vực kiểm soát để người dân tự nâng cao ý thức chấp hành pháp luật.

Điểm mới thứ 2 là quy định về điều lệnh, văn hóa ứng xử đối với người tham gia giao thông. Trong thông tư quy định rõ, cụ thể từ việc chào người vi phạm, công bố công khai hành vi vi phạm, cám ơn người tham giao thông đã hợp tác với CSGT để thực hiện đảm bảo TTATGT, kể cả giải thích khi người dân chưa hiểu, chưa đồng tình.

Thứ 3 là ứng dụng khoa học kỹ thuật trong công tác TTKS để phù hợp với tiến bộ KHKT hiện nay. Theo đó, có quy định các ca TTKS đều sử dụng thiết bị kỹ thuật để phát hiện, xử lý hành vi vi phạm. Đồng thời, trên cao tốc tuyến quốc lộ trọng điểm có sử dụng hệ thống camera giám sát thì các vi phạm sẽ được phát hiện qua hệ thống này để nâng cao hiệu quả công tác TTKS và ý thức tự giác chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông

Thứ 4, Thông tư quy định lực lượng CSGT tiếp nhận hình ảnh có dấu hiệu vi phạm do người dân cung cấp, do cơ quan báo chí và trên không gian mạng đăng tải.

Thứ 5, đó là sự giám sát của người dân với CSGT. Đây là hoạt động bình thường của người dân đối với cán bộ công chức, trong đó có lực lượng CAND nói chung, CSGT nói riêng theo đúng quy định của pháp luật. Khi mọi việc được giám sát thì bản thân CSGT cũng phải tự điều chỉnh tư thế, tác phong, hành động đúng mực hơn. Qua đó, người dân cũng dễ dàng nắm bắt, ghi lại những hình ảnh đẹp CSGT để thông tin, phản ánh trên các phương tiện.

Phóng viên: Thiếu tướng vừa nói, Thông tư quy định lực lượng CSGT có trách nhiệm tiếp nhận thông tin, hình ảnh do người dân cung cấp. Vậy, việc tiếp nhận này được thực hiện như thế nào và những hình ảnh, thông tin đó sẽ được xử lý ra sao, thưa đồng chí?

Thiếu tướng Lê Xuân Đức: Khi người dân ghi lại thông tin, hình ảnh, video clip về các vi phạm thì có thể cung cấp cho CSGT tại trụ sở đơn vị CSGT. Sau khi tiếp nhận thông tin, Thủ trưởng đơn vị CSGT có trách nhiệm xác minh, làm rõ. Nếu đủ căn cứ về vi phạm hành chính thì CSGT sẽ mời người vi phạm đến để xử lý theo quy định của pháp luật.

Điều này phát huy được sức mạnh của toàn dân cũng như ý thức của người dân khi tham gia giao thông. Bởi từ kênh thông tin này, thì mọi hành vi vi phạm không những phát hiện qua phương tiện kỹ thuật, qua CSGT mà còn được mọi người dân phát hiện, phản ánh lại. Đây là vấn đề rất mới, khi chúng tôi đưa ra lấy ý kiến của nhân dân, được người dân rất đồng tình, ủng hộ.

Phóng viên: Trên thực tế, không phải video clip hay hình ảnh, thông tin nào cũng phản ánh đúng thực tế. Vậy việc “sàng lọc” thông tin sẽ được thực hiện như thế nào, thưa Thiếu tướng?

Thiếu tướng Lê Xuân Đức: Như tôi đã nói, khi tiếp nhận thông tin thì cơ quan CSGT phải có trách nhiệm xác minh làm rõ xem hình ảnh, thông tin, clip đó có đúng thực tế khách quan không, có đúng về thời gian, địa điểm vi phạm hay không.

Vì trên thực tế, với sự tiến bộ khoa học kỹ thuật hiện nay thì việc thay đổi nội dung hình ảnh, cắt ghép vì mục đích cá nhân cũng không phải quá khó. Chính vì vậy, CSGT phải có trách nhiệm xác minh, làm rõ. Khi xác định được chính xác có vi phạm thì sẽ mời người vi phạm đến để xử lý. Trên thực tế, CSGT đã xử phạt rất nhiều người vi phạm từ hình ảnh, clip người dân cung cấp.

Phóng viên: Lại nói về sự giám sát của người dân, trong Thông tư quy định người dân được quyền giám sát hoạt động của CSGT. Đồng chí cho biết việc giám sát này được thực hiện như thế nào?

Thiếu tướng Lê Xuân Đức: Sự giám sát của người dân với CSGT là hoạt động bình thường của người dân đối với cán bộ công chức, trong đó có lực lượng CAND nói chung, CSGT nói riêng theo đúng quy định của pháp luật. Khi mọi việc được giám sát thì những hình ảnh đẹp CSGT do người dân ghi lại, phản ánh cũng sẽ có tác dụng rất lớn.

Hơn ai hết, chính người dân sẽ thông tin với các phương tiện thông tin đại chúng về những hình ảnh đẹp của CSGT mà họ ghi lại được để mọi người biết, ủng hộ. Còn những điều người dân phát hiện, góp ý, CSGT phải tiếp thu, để nâng cao hiệu quả TTKS, có biện pháp làm tốt hơn, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị và niềm tin người dân gửi gắm đối với lực lượng CSGT.

Phóng viên: Trên thực tế, trên các trang mạng xã hội có rất nhiều thông tin trái chiều, không khách quan, thậm chí cắt ghép, dàn dựng, không đưa đúng sự thật với mục đích bôi nhọ lực lượng CSGT. Những trường hợp này sẽ bị xử lý như thế nào thưa Thiếu tướng?

Thiếu tướng Lê Xuân Đức: Đúng như bạn nói, trên các trang mạng có những thông tin, clip trái chiều không khách quan, thậm chí cắt ghép, dàn dựng làm ảnh hưởng đến hình ảnh của các cán bộ thi hành nhiệm vụ nói chung, trong đó có CSGT. Những việc đó sẽ có các cơ quan chức năng xác minh, làm rõ. Nếu xác định những hình ảnh, thông tin, clip đó không đúng sự thật nhằm bôi nhọ, gây hiểu sai thì sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Trong các văn bản pháp luật, có từng điều khoản quy định rất cụ thể để xử lý hành vi bôi nhọ danh dự, gây cản trở, chống người thi hành công vụ... Như vậy, mọi thông tin trái chiều khi đưa lên mạng xã hội đều phải được kiểm chứng, làm rõ. Cơ quan chức năng sẽ làm nhiệm vụ đó. Nếu ai đưa sai sự thật thì sẽ bị xử lý nghiêm.

Phóng viên: Trở lại với việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào công tác TTKS, xử lý vi phạm của CSGT, trong đó, người dân được quyền đề nghị xem lại hình ảnh vi phạm, đồng chí cho biết, với trang bị hiện nay, có đáp ứng được yêu cầu công tác hay không, hay cần phải có lộ trình?

Thiếu tướng Lê Xuân Đức: Các phương tiện, trang thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ được trang bị cho lực lượng CSGT gồm: Hệ thống giám sát, xử lý vi phạm hành chính về TTATGT đường bộ; cân kiểm tra tải trọng xe cơ giới; máy đo tốc độ; phương tiện đo nồng độ cồn trong hơi thở; thiết bị đo, thử ma túy; thiết bị phát hiện giấy tờ, tài liệu giả; thiết bị định vị vệ tinh...

Theo đó, tùy theo chuyên đề xử lý do cán bộ có thẩm quyền phê duyệt, tổ CSGT làm nhiệm vụ sẽ sử dụng trang thiết bị phù hợp để phát hiện vi phạm. Ví dụ, thực hiện chuyên đề xử lý nồng độ cồn, thì tổ CSGT phải có phương tiện đo nồng độ cồn; xử lý chuyên đề quá tải thì phải có cân tải trọng xe; xử lý ma túy thì phải có thiết bị đo, thử ma túy; xử lý tốc độ thì có máy đo tốc độ... Đây là những phương tiện được trang bị cho lực lượng CSGT theo quy định.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn đồng chí Thiếu tướng!

Phương Thủy (thực hiện)

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/cong-an/cong-khai-minh-bach-hoat-dong-cua-csgt-565432/