Công khai, minh bạch quyền lợi người lao động

Thực hiện Công văn liên tịch số 28/BCT-CĐCTV của Công đoàn Công Thương Việt Nam (CĐCTVN) hướng dẫn thực hiện dân chủ tại các đơn vị trong ngành Công Thương, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong ngành đã tăng cường phối hợp với tổ chức công đoàn, cụ thể hóa việc thực hiện quy chế dân chủ, tăng cường công khai, minh bạch, đặc biệt trong vấn đề tiền lương của người lao động (NLĐ).

Nhà đầu tư và cán bộ, công nhân GSS nỗ lực khôi phục sản xuất

Nhà đầu tư và cán bộ, công nhân GSS nỗ lực khôi phục sản xuất

Cụ thể, để chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của NLĐ, CĐCTVN đã ban hành Công văn số 05/CV-CĐCT hướng dẫn các đơn vị thực hiện những nội dung của Nghị định 153/2016/NĐ-CP. Theo đó, hầu hết các đơn vị đã thực hiện điều chỉnh tiền lương theo đúng quy định. Công đoàn các đơn vị đã phối hợp với người sử dụng lao động đồng cấp xây dựng phương án điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng theo Nghị định 153/2016/NĐ-CP. Trong đó, triển khai chi tiết, cụ thể, gắn với tình hình thực tế của đơn vị và công khai cho NLĐ được biết.

Công đoàn cũng chủ động đề nghị, thống nhất với người sử dụng lao động thực hiện điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng theo quy định tại nghị định này; trong đó, doanh nghiệp không được xóa bỏ hoặc cắt giảm các chế độ tiền lương khi NLĐ làm thêm giờ, làm việc ban đêm, làm việc trong điều kiện nặng nhọc, độc hại, chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật đối với các chức danh nghề nặng nhọc, độc hại và các chế độ khác theo quy định của pháp luật lao động. Các khoản phụ cấp, bổ sung khác, trợ cấp, tiền thưởng do doanh nghiệp quy định thực hiện theo thỏa thuận trong hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể hoặc trong quy chế của doanh nghiệp. Do vậy, 100% các doanh nghiệp đã cam kết thực hiện điều chỉnh lương tối thiểu vùng theo quy định nhưng không cắt giảm các chế độ khác mà NLĐ được hưởng. Công đoàn các đơn vị đã tổ chức giám sát công tác xây dựng và thực hiện thang lương, bảng lương, định mức lao động của doanh nghiệp theo quy định. Trong quá trình thực hiện, không có đơn vị nào xảy ra vi phạm, bảo đảm được các chế độ lương, thưởng của NLĐ.

Riêng đối với một số đơn vị có hoàn cảnh đặc biệt, CĐCTVN cũng đã có văn bản giải quyết kịp thời, đơn cử như trường hợp Công ty Cổ phần (CP) Luyện cán thép Gia Sàng (GSS). CĐCTVN đã đề nghị Bộ Công Thương, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam và UBND tỉnh Thái Nguyên quan tâm, xem xét chỉ đạo các cơ quan chức năng tạo điều kiện cho GSS được thanh toán phần nợ gốc trong số tiền nợ Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam - chi nhánh Thái Nguyên; được khoanh nợ và thanh toán sau khoản nợ Bảo hiểm Xã hội tỉnh Thái Nguyên, cùng với số tiền bán đấu giá tài sản còn lại được ưu tiên để GSS chi trả các khoản nợ cho NLĐ. Việc chi trả các khoản nợ cho NLĐ được thực hiện đúng đối tượng, công bằng giữa các nhóm NLĐ.

Nhờ thực hiện tốt những công tác này, NLĐ trong các đơn vị của CĐCTVN đã an tâm sản xuất, kinh doanh; được bảo đảm đời sống vật chất cũng như tinh thần. “Thời gian tới, CĐCTVN sẽ phối hợp với công đoàn các đơn vị thực hiện tốt hơn nữa các quy định của pháp luật về lao động và cải thiện, nâng cao quan hệ lao động tại doanh nghiệp. Đồng thời, phối hợp với các ngành chức năng tăng cường công tác thanh - kiểm tra, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật lao động, nhất là việc thanh toán tiền lương, tiền thưởng, không để xảy ra tình trạng nợ đọng tiền lương, tiền thưởng của NLĐ” - ông Lý Quốc Hùng - Chủ tịch CĐCTVN - khẳng định.

Từ đầu năm đến nay, trong các đơn vị của CĐCTVN chưa xảy ra bất cứ tranh chấp lao động nào dẫn đến đình công, bãi công tại doanh nghiệp, tạo sự ổn định trong quan hệ lao động và trật tự - an toàn xã hội.

Thu Hà

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/cong-khai-minh-bach-quyen-loi-nguoi-lao-dong-87074.html