Công lớn của Hoàng Tuấn Công

“Từ điển tiếng Việt của GS Nguyễn Lân - Phê bình và khảo cứu” vừa xuất bản đã tạo nên một nguồn cảm hứng trong giới đọc sách. Hay quá, một sách khảo cứu về Từ điển tiếng Việt của một vị giáo sư tên tuổi, nhưng bản thân cuốn sách như một cuốn từ điển mới về tiếng Việt.

Cuốn phê bình và khảo cứu của Hoàng Tuấn Công. Ảnh: T.L

Hoàng Tuấn Công không ăn lương của một trường, viện, không là thành viên của nhóm biên soạn từ điển, không thuộc hội nào được Nhà nước tài trợ tiền bạc để nghiên cứu. Hoàng Tuấn Công chỉ là chuyên viên thông tin tuyên truyền của Trung tâm Khuyến nông Thanh Hóa. Nhưng anh đã dám bỏ công nghiên cứu, viết một cuốn sách khảo cứu gần 600 trang rất có giá trị, một việc mà nhiều nhà khoa học có học hàm, học vị khác đã không làm được.

Đọc sách của Hoàng Tuấn Công, ngả nón trước công phu nghiên cứu của anh, bởi vì anh đã phải so sánh, đối chiếu với một kho tư liệu đồ sộ. Để phản biện lại công trình của một tên tuổi lớn trong giới học thuật, chắc chắn anh biết cần phải kỹ lưỡng, chính xác và có sức thuyết phục về mặt khoa học. Nếu chỉ dựa trên những ầu ơ cảm tính, thì đám “trẻ trâu” như anh, sẽ bị cái bóng của hàng “quốc sư” đè khuất khi tác phẩm chưa kịp sinh ra.

Bằng vốn Hán học giàu có và phương pháp nghiên cứu khoa học, Hoàng Tuấn Công đã chỉ ra hàng ngàn chỗ sai trong từ điển của GS Nguyễn Lân. Phản biện thẳng thắn, không khoan nhượng, nhưng trên tinh thần học thuật và tôn trọng tính khách quan khoa học.

Xét về góc độ nghiên cứu, đây là việc làm bình thường, mỗi công trình đều có giá trị trong một giai đoạn, nhưng nó cũng cần có sự kế thừa, bổ sung để hoàn thiện hơn. Biết là vậy nhưng có mấy ai dám làm, nhất là tự bỏ công bỏ sức ra làm, không ngửa tay xin Nhà nước tài trợ để sáng tác hay nghiên cứu. Hoàng Tuấn Công đã dám dấn thân vào một công việc quá khó khăn, phản biện một cuốn tự điển, đồng thời đóng góp để người Việt hiểu tiếng Việt và sử dụng tiếng Việt đúng hơn.

Hoàng Tuấn Công còn có công lớn khác, đó là không đứng ngắm nhìn và im tiếng trước các “quốc sư”, “quốc sĩ”, cho dù công trình của họ còn có sai sót. Anh đã đưa ra thông điệp hãy làm việc và phản biện, bảo vệ chân lý và những giá trị khoa học thực sự. Chấp nhận tất cả các giá trị khoa học theo kiểu tôn thờ một thần tượng hay huyền thoại hóa một nhân vật, thì không bao giờ cởi mở được những định kiến trong tư tưởng để tạo ra các giá trị mới.

Cuốn sách của Hoàng Tuấn Công còn nhắc nhở những cây đa, cây đề trong giới khoa học phải cẩn thận hơn không thể cẩu thả nhất là trong lĩnh vực khoa học.

LÊ THANH PHONG

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/su-kien-binh-luan/cong-lon-cua-hoang-tuan-cong-547733.ldo