Công nghệ 4.0 và bước chuyển mình của ngành Y tế

Ngày nay với sự phát triển như vũ bão của khoa học kỹ thuật, trang thiết bị hiện đại, công tác khám chữa bệnh của ngành Y tế có sự thay đổi rất nhiều so với thời gian trước. Sự phát triển này là bắt nhịp dòng chảy của lịch sử, đồng thời cũng giúp nền y học Việt Nam tiến kịp các nước tiên tiến trên thế giới.

Ứng dụng công nghệ thông tin trong khám chữa bệnh là giải pháp quan trọng nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Ảnh: Tuấn Dũng.

Ứng dụng công nghệ thông tin trong khám chữa bệnh là giải pháp quan trọng nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Ảnh: Tuấn Dũng.

Hướng tới nền y tế thông minh

Việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong công tác bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe ở Việt Nam đã có bước phát triển quan trọng, đặt nền móng xây dựng nền y tế thông minh với các trụ cột chính là phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe thông minh, khám chữa bệnh thông minh và quản trị y tế thông minh.

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, Bộ Y tế đã xây dựng và từng bước hình thành hành lang pháp lý về ứng dụng CNTT y tế. Trong đó, đặc biệt có sự đột phá trong việc ứng dụng CNTT tại bệnh viện với gần 100% bệnh viện có phần mềm hệ thống thông tin bệnh viện, bước đầu triển khai phần mềm truyền tải và lưu trữ hình ảnh (PACS) với 99,5% bệnh viện đã kết nối, liên thông dữ liệu khám, chữa bệnh BHYT với cơ quan giám định và thanh toán BHYT, phục vụ giám định khám chữa bệnh BHYT điện tử.

Sự phát triển của CNTT cũng kéo theo phương thức khám chữa bệnh của nhân viên y tế thay đổi. Thực tế cho thấy, hiện cách thức bác sỹ tương tác với người bệnh đã thay đổi đáng kể trong nhưng năm gần đây. Cụ thể, việc khám bệnh từ xa cho phép bác sỹ chẩn đoán bệnh qua điện thoại thông minh, máy tính bảng, video thoại tại nhà...

Sự tương tác này giúp bệnh nhân chủ động nắm được cơ bản tình trạng sức khỏe, định hướng đi khám chuyên khoa phù hợp khi cần thiết, cách xử lý ban đầu khi có những biểu hiện bất thường, tư vấn về bổ sung dinh dưỡng, điều trị để cải thiện sức khỏe,… Ngoài ra, sự tương tác này cũng sẽ giúp các bác sỹ tra cứu kết quả xét nghiệm nhanh, chủ động lấy mẫu và trả lời, giải đáp các câu hỏi của người bệnh qua đó nâng cao được chuyên môn và hiệu quả khám bệnh. Chưa kể, thông qua các thiết bị công nghệ, bác sỹ cũng có thể quản lý và chia sẻ hồ sơ bệnh án, theo dõi và nhắc nhở bệnh nhân trong quá trình điều trị. Bệnh nhân cũng có thể dễ dàng lưu trữ, theo dõi y bạ của mình mọi lúc mọi nơi cũng như đặt lịch hẹn khám với bác sỹ thông qua thiết bị thông minh.

Chẳng hạn như tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh, bác sỹ có thể tra cứu các kết quả xét nghiệm trong vòng vài phút trên hệ thống thông tin của BV. Thậm chí, việc trả kết quả cho bệnh nhân cũng đang được thực hiện trực tuyến. Tại Bệnh viện Đa khoa TP Vinh chỉ cần quét thẻ BHYT là bệnh nhân có ngay số thứ tự trong phòng khám và bác sĩ có thể truy cập hồ sơ bệnh án.

Với công tác khám chữa bệnh cụ thể của y, bác sỹ, sức ảnh hưởng của công nghệ hiện đang rất lớn. Theo bác sỹ Lê Thanh Hải, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, để bắt nhịp với xu thế phát triển như vũ bão của cách mạng 4.0, hiện bệnh viện đang đẩy mạnh việc phẫu thuật nội soi bằng robot trên nhiều ca bệnh phức tạp như phình đại tràng bẩm sinh, u nang ống mật chủ, hội chứng hẹp khúc nối bể thận niệu quản, các khối u trong ổ bụng... “Với phẫu thuật robot, vùng phẫu thuật thu hẹp, ít xâm lấn, không gây sang chấn và ít chảy máu, mức độ cảm giác đau của bệnh nhân được hạn chế tối đa, vết thương không phải tiếp xúc nhiều với môi trường vì vậy khả năng nhiễm trùng rất nhỏ so với mổ thông thường”, bác sỹ Lê Thanh Hải thông tin.

Còn tại Bệnh viện E (Hà Nội), GS. Lê Ngọc Thành Giám đốc Bệnh viện cho biết, hệ thống máy nội soi 3D hiện đại nhất bệnh viện vừa được nhà nước đầu tư, đưa vào sử dụng với nhiều ưu điểm như bệnh nhân hồi phục rất nhanh sau mổ, các vết mổ chỉ là các vết sẹo nhỏ, rút ngắn thời gian mổ và hạn chế các tình huống rủi ro. Đặc biệt, chi phí điều trị và phẫu thuật áp dụng công nghệ 3D không tăng thêm so với mổ nội soi toàn bộ thông thường. Ngoài ra, bệnh viện còn áp dụng công nghệ 3D cho nhiều bệnh lý khác: sửa chữa một số dị tật tim bẩm sinh, sửa van, thay van tim, lấy các khối u trong tim, phẫu thuật bệnh lý lồng ngực…

Với Bệnh viện K, theo Giám đốc Trần Văn Thuấn, cơ sở vừa áp dụng phẫu thuật nội soi điều trị ung thư đại tràng theo phương pháp mới đó là ứng dụng chất nhuộm màu ICG cùng với hệ thống nội soi hiện đại. Kỹ thuật này giúp phẫu thuật viên cắt bỏ triệt để thương tổn, đồng thời bảo tồn những vùng chưa bị xâm nhiễm, giúp cải thiện cơ hội sống cho bệnh nhân. Hay như vừa qua tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ đã triển khai ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong tư vấn hỗ trợ điều trị ung thư bước đầu thu được nhiều kết quả khả quan và tương lai sẽ được ứng dụng trên diện rộng, mở ra hi vọng lớn trong điều trị cho bệnh nhân.

Ráo riết thực hiện bệnh án điện tử

Với những thành quả trên rất nhiều bệnh nhân nước ngoài đã đến điều trị tại Việt Nam cũng như người Việt ở lại nước điều trị thay vì sang nước ngoài. Đặc biệt nhiều bác sỹ “bàn tay vàng” của ngành Y Việt Nam cũng đã mang các kỹ thuật y khoa tiên tiến trong nước chuyển giao cho các sinh viên nước ngoài như kỹ thuật mổ nội soi tuyến giáp của Giám đốc Bệnh viện Nội tiết Trung ương Trần Ngọc Lương hay kỹ thuật vá thông liên nhĩ nội soi toàn bộ của Giám đốc Bệnh viện E Trần Ngọc Thành.

Để tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin ngành Y tế, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh theo Bộ trưởng Bộ Y tế, năm 2019, Bộ Y tế cho biết sẽ đẩy mạnh việc xây dựng cơ sở dữ liệu danh mục dùng chung gắn liền với mã định danh, làm nền tảng cho việc trao đổi thông tin, khả năng tích hợp giữa các hệ thống trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh để các bệnh viện chủ động hoàn thiện hệ thống thông tin bệnh viện.

Một trong những nội dung quan trọng tới đây, theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ Y tế sẽ ráo riết triển khai là chỉ đạo các bệnh viện triển khai bệnh án điện tử kết nối liên thông với phần mềm hồ sơ sức khỏe điện tử; triển khai phần mềm quản lý hoạt động trạm y tế xã kết nối liên thông với hệ thống hồ sơ sức khỏe điện tử từng bước giảm thiểu giấy tờ sổ sách tại trạm y tế xã/phường/thị trấn, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, giảm quá tải cho tuyến trên.

“Khi có sổ sức khỏe điện tử đến từng người dân, mỗi khi khám, chữa bệnh, người dân có hồ sơ sức khỏe điện tử có thể dịch chuyển thông suốt trong hệ thống y tế, các thông tin về sức khỏe người bệnh được cung cấp cho thầy thuốc nhanh chóng, chính xác, tạo thuận lợi cho việc chẩn đoán và điều trị người bệnh, giúp họ được chăm sóc sức khỏe toàn diện, liên tục, giúp phát hiện bệnh sớm, điều trị kịp thời khi bệnh còn ở giai đoạn sớm mang lại hiệu quả điều trị cao, giảm bớt chi phí khám, chữa bệnh của mỗi người dân”, Bộ trưởng Y tế nói.

D.Ngân

Nguồn Hải Quan: https://baohaiquan.vn/cong-nghe-40-va-buoc-chuyen-minh-cua-nganh-y-te-100283.html