Công nghệ 'biến rác thành vàng', mô hình cần được nhân rộng

'Biến rác thành vàng', đây là dây chuyền xử lý rác '4 trong 1' của ông Đỗ Chí Lệ cùng cộng sự đã chế tạo thành công khi biến rác thành phân vi sinh hữu ích.

Trước vấn đề về rác thải ở các vùng nông thôn Thái Bình, ông Đỗ Chí Lệ (SN 1959) đã cùng với những cộng sự của mình nghiên cứu và chế tạo thành công dây chuyền xử lý rác thải sinh hoạt ‘4 trong 1’ mang tên TTD01. Sau đó, ông Lệ thành lập nhà máy xử lý rác Thành Đạt và đưa công nghệ TTD01 vào sử dụng, thông tin trên Người đưa tin cho biết.

Đây là một trong những dây chuyền 'biến rác thành vàng' của ông Đỗ Chí Lệ - Ảnh: Người đưa tin

Đây là một trong những dây chuyền 'biến rác thành vàng' của ông Đỗ Chí Lệ - Ảnh: Người đưa tin

TTD01 hoạt động theo quy trình 4 trong 1 khép kín: Phân loại rác, rửa rác, tái chế tạo ra sản phẩm, xử lý nước thải sản xuất quay vòng lại để phục vụ sản xuất. Chất hữu cơ và vô cơ được tách riêng, chất hữu cơ được sản xuất thành phân vi sinh với sản lượng 100 tấn/tháng. Chất vô cơ thì tạo thành hạt nhựa phân phối cho các nhà máy sản xuất nhựa, nilon ở Thái Bình, Hà Nội.

Phân hữu cơ sản xuất từ TTD01 có giá thành bằng một nửa so với các loại phân vô cơ đang phân phối trên thị trường, chất lượng không hề thua kém. Loại phân hữu cơ này đã được thử nghiệm với kết quả đã đạt 250kg/1 sào bắc bộ. Viện Nghiên cứu thổ nhưỡng thuộc bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã xuống phối hợp để sản xuất phân hữu cơ này thành phân sạch, phục vụ rộng rãi hơn nữa nhu cầu của nhân dân.

Cũng theo Người đưa tin, được biết công nghệ TTD01 sử dụng nguyên liệu phổ biến ở Việt Nam. Chi phí lắp đặt cho dây chuyền là 9 tỷ đồng, bằng gần 5% so với nhập ngoại. Khi xử lý rác, lượng đioxin đã được giảm thiểu tối đa, cho mùi của rác chỉ cảm nhận được trong phạm vi 5m ngoài khu vực sản xuất. Hiện tại nhà máy đã đi vào hoạt động chính thức được 1 năm với công xuất 50 tấn/ngày, giải quyết được việc xử lý rác của 20 xã, thị trấn trong toàn huyện.

Dây chuyền này giải quyết được việc xử lý rác của 20 xã, thị trấn trong toàn huyện - Ảnh: Người đưa tin

Công nghệ TTD01 được UBND tỉnh, sở Khoa học và Công nghệ đánh giá cao về ứng dụng trong nông nghiệp. Ông Lệ hiện đang cùng đồng nghiệp tích cực nghiên cứu, phát triển công nghệ TTD01 để có thể xử lý cả rác thải công nghiệp.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyên Văn Khoa, Chánh văn phòng huyện Quỳnh phụ cho biết : Hiện tại, Công ty Thành Đạt đã đáp ứng nhu cầu xử lý rác thải trong huyện Quỳnh Phụ. Quá trình hoạt động được đánh giá tốt và sẽ tạo điều kiện để nhà máy hoạt động, phát triển hơn. Mô hình này cần được nhân rộng để giải quyết vấn đề rác thải sinh hoạt tại nông thôn như hiện nay.

Trước đó, theo bộ Tài nguyên và Môi trường được biết, trung bình mỗi ngày có khoảng 758 tấn rác thải sinh hoạt phát sinh tại khu vực nông thôn của tỉnh Thái Bình. Để bảo vệ môi trường và cảnh quan nông thôn, tỉnh đã áp dụng một số giải pháp như chôn lấp, ủ phân vi sinh và mới đây nhất là công nghệ lò đốt rác. Tuy nhiên đến nay, những giải pháp trên dần bộc lộ những hạn chế.

Theo khảo sát của Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường Thái Bình), bình quân mỗi xã lượng rác thải khoảng từ 5 - 10 tấn mỗi ngày, trong đó 60% lượng rác này được thu gom bằng biện pháp thủ công (xe cải tiến, xe thồ, xe đẩy tay) và không được xử lý bằng công nghệ hợp tiêu chuẩn vệ sinh môi trường.

Lượng rác thải ngày càng nhiều song giải pháp lại chưa thể phát huy hiệu quả. Không chỉ rác sinh hoạt, mà các loại rác thải trong sản xuất nông nghiệp, làng nghề cũng là vấn đề gây nhiều bức xúc tại Thái Bình.

Đỗ Thu Thoan (t.h)

Đỗ Thu Thoan

Nguồn VietQ: http://vietq.vn/cong-nghe-bien-rac-thanh-vang--mo-hinh-can-duoc-nhan-rong-d116872.html