Công nghệ Blockchain tạo đột phá, thúc đẩy ngành hàng phát triển nhanh chóng

Theo chuyên gia, Việt Nam được đánh giá là quốc gia có tiềm năng lớn để phát triển ứng dụng công nghệ Blockchain vào các lĩnh vực đời sống, xã hội.

Cùng với xu hướng phát triển về dữ liệu lớn (Big Data), trí tuệ nhân tạo (AI) và vạn vật kết nối - Internet of Thing (IoT), việc đảm bảo an toàn thông tin, bảo vệ thông tin cá nhân đang được nhiều người quan tâm. Do đó, công nghệ Blockchain dù mới xuất hiện từ năm 2017 và lan tỏa đến Việt Nam từ năm 2018 đã thu hút sự chú ý của người dùng.

Theo các chuyên gia công nghệ, Blockchain là công nghệ lưu trữ và truyền tải thông tin, dữ liệu bằng các khối liên kết với nhau và mở rộng theo thời gian. Việc ứng dụng công nghệ Blockchain sẽ giảm được tối đa việc gian lận thông tin, bởi với đặc tính chống chối bỏ và chống lại sự thay đổi dữ liệu. Mọi thông tin trên Blockchain đều được lưu trữ và bảo mật hiệu quả mà không một ai có thể can thiệp chỉnh sửa, thông tin chỉ được bổ sung khi có sự đồng thuận của tất cả các bên trong hệ thống…

Với những đặc tính kể trên, Blockchain được đánh giá là công nghệ dẫn dắt sự thay đổi trong tương lai, ứng dụng được trong nhiều ngành nghề, lĩnh vực như tài chính ngân hàng, bán lẻ, vận chuyển hàng hóa, viễn thông, y tế...

Nói về vấn đề này, ông Nguyễn Hoàng Thịnh, Cố vấn pháp lý công nghệ Công ty Vinatimex cho rằng, hiện nay công nghệ Blockchain dần dần trở nên phổ biến, được sử dụng rộng rãi. Blockchain có thể tạo ra một hệ sinh thái các nhà sáng lập mới, mở ra đa dạng các lựa chọn về tài chính đầu tư và giới thiệu vô số các cơ chế hoạt động khác biệt cho các doanh nghiệp hiện tại.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

“Ví dụ ở ngành tài chính, khi áp dụng Blockchain sẽ tạo minh bạch cho cả hệ thống, trong suốt quá trình làm việc giữa ngân hàng với công ty bảo hiểm, khách hàng... Còn ở ngành y tế, ứng dụng Blockchain sẽ đưa vào dữ liệu bệnh nhân với tất cả các bệnh, cách điều trị và được lưu lại, tạo ra cơ sở dữ liệu về bệnh nhân một cách chất lượng, an toàn và dễ chia sẻ giữa các bệnh viện”, ông Thịnh cho hay

Một lợi ích lớn khác được các chuyên gia nhắc đến chính là ứng dụng Blockchain trong truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Cụ thể, nếu ứng dụng công nghệ Blockchain, sản phẩm sẽ được cập nhật, minh bạch thông tin từ khâu phân phối trung gian, vận chuyển, các công đoạn sản xuất, chế biến sản phẩm.

Nhờ vào hệ thống lưu trữ thông tin tỉ mỉ, khi có vấn đề xảy ra đối với sản phẩm nào đó, nhà sản xuất hoặc những đơn vị liên quan hoàn toàn có thể công khai hóa, minh bạch hóa, xác định rõ trách nhiệm của khâu nào trong hệ thống.

Trên thực tế, nhiều các nước trên thế giới đều nhìn nhận ứng dụng công nghệ Blockchain như một sự thay đổi lớn, tạo sự minh bạch, góp phần thúc đẩy kinh tế xã hội phát triển. Đơn cử như các nước Thái Lan, Singapore đã dành nhiều kinh phí để đầu tư cho việc ứng dụng Blockchain vào các lĩnh vực như nông nghiệp…

Việt Nam được đánh giá có nhiều triển vọng phát triển Blockchain khi có tới 40% trong tổng số 92 triệu dân có độ tuổi dưới 25 tuổi (khả năng tiếp cận công nghệ lớn). Thêm vào đó, tại Việt Nam hiện có hơn 50% dân số dùng intetner, trong đó tỷ lệ dùng smartphone đạt mức 26%.

Tuy nhiên, đối với định hướng phát triển ứng dụng công nghệ này, các chuyên gia vẫn cho rằng còn nhiều khó khăn như việc vấn đề bảo mật thông tin, dữ liệu còn ít được quan tâm, nhất là trên mạng xã hội. Trong khi đó, việc ứng dụng công nghệ Blockchain còn chậm do thiếu thông tin và chính sách hỗ trợ thúc đẩy công nghệ này.

Để phát triển thành công công nghệ Blockchain, các chuyên gia về công nghệ cho rằng, cần phải xây dựng được cơ cấu chính sách. Vì hiện nay, khuôn khổ pháp lý cho ứng dụng Blockchain tại Việt Nam mới chỉ mang tính thử nghiệm.

Chính vì vậy để tạo đà cho công nghệ Blocchain phát triển cần chủ động nghiên cứu chuyên sâu về hệ thống pháp luật hiện hành của Việt Nam để xem xét các khía cạnh pháp lý mà Blockchain có thể được quản lý như Luật Chứng khoán, Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Luật An toàn thông tin mạng...

Theo "Báo cáo Thị trường nhân lực ngành CNTT năm 2019" vừa được công bố, nhóm kỹ sư có chuyên môn thuộc lĩnh vực công nghệ mới như Blockchain và AI đang nhận mức lương cao nhất và cao hơn so với các nhóm chuyên môn khác.

Cụ thể, nhóm kỹ sư phát triển phần mềm liên quan đến Blockchain nhận mức lương trung bình là 2.241 USD, nhóm phát triển phần mềm liên quan đến AI có mức lương 1.844 USD, đứng vị trí thứ 3 là Full Stack với mức lương 1.642 USD.

Bảo Bình

Nguồn VietQ: http://vietq.vn/cong-nghe-blockchain-tao-dot-pha-thuc-day-nganh-hang-phat-trien-nhanh-chong-d157040.html