Công nghệ cao tạo đà bứt phá xây dựng huyện nông thôn mới kiểu mẫu

Với nhiều lợi thế về khí hậu, thổ nhưỡng, huyện Đơn Dương (tỉnh Lâm Đồng) luôn xác định nông nghiệp là ngành kinh tế trọng điểm, trong đó nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo hướng thông minh, nông nghiệp hữu cơ là một trong những chương trình trọng tâm, là khâu đột phá của huyện trong việc thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu.

Theo đó, huyện Đơn Dương đặc biệt chú trọng tổ chức sản xuất theo hình thức trang trại, HTX, tổ hợp tác… liên kết chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm ngày càng hiệu quả và nhân rộng trên địa bàn.

Thay đổi tư duy sản xuất

Thống kê của Phòng NN&PTNT huyện Lạc Dương cho thấy, đến nay, giá trị sản xuất bình quân đạt 316 triệu đồng/ha/năm. Trong đó, giá trị sản xuất trong nhà kính, nhà lưới đối với hoa đạt khoảng 1,5 - 1,8 tỷ đồng/ha (có diện tích lên đến 2 tỷ đồng/ha/năm đối với hoa ly ly), rau đạt khoảng 1 - 1,2 tỷ đồng/ha. Đối với sản xuất rau ngoài trời đạt doanh thu khoảng 250 - 300 triệu đồng/ha.

Đơn Dương phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo hướng thông minh, nông nghiệp hữu cơ (Ảnh: Int)

Đơn Dương phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo hướng thông minh, nông nghiệp hữu cơ (Ảnh: Int)

So với sản xuất theo phương pháp truyền thống, thu nhập từ sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong nhà kính tăng trên 30%. Cơ cấu giống cây trồng trên địa bàn huyện trong những năm gần đây có sự chuyển đổi mạnh mẽ, nhiều loại cây trồng có năng suất, chất lượng cao, giá trị kinh tế cao được đưa vào sản xuất như các loại rau, hoa, cây dược liệu, cà phê…

Đáng chú ý, khu vực kinh tế hợp tác, HTX đã đóng vai trò tiên phong trong áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, từ đó tạo sự lan tỏa trong việc thay đổi tư duy sản xuất của người dân, chuyển sang sản xuất hàng hóa quy mô lớn, vùng nguyên liệu tập trung, đáp ứng quy chuẩn, tiêu chuẩn cao của thị trường.

Tại thôn Ma Đanh, xã Tu Tra, chị Ma Đậm được biết tới là người đầu tiên thực hiện mô hình canh tác rau hữu cơ. Năm 2016, trong khu vườn 1.000m2 của gia đình, chị Đậm đã trồng các loại rau theo hướng hữu cơ. Sau đó, được sự hỗ trợ của Tổ chức Caritas Đà Lạt, chị cùng với các phụ nữ khác trong thôn thành lập Tổ hợp tác rau hữu cơ IEM Gõh Churu, với các thành viên đều là người dân tộc Chu Ru.

Chị Đậm cho biết, bên cạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, việc canh tác nông nghiệp theo phương thức hữu cơ gắn với bảo vệ môi trường chính là điểm tựa duy trì tính ổn định, bền vững của Tổ hợp tác.

Hiện, Tổ hợp tác rau hữu cơ IEM Gõh Churu có sự tham gia của gần 10 hộ thành viên với 7.000m2 đất, nông sản được sản xuất gồm củ, quả, quy trình chăm sóc nghiêm ngặt, đảm bảo yêu cầu hữu cơ, mẫu đất, mẫu nước tưới thường xuyên được xét nghiệm. Khi phát hiện sâu bệnh hại, các thành viên bắt sâu thủ công, hoặc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học để xử lý.

Nhờ sản xuất khoa học, mỗi tháng, Tổ hợp tác cung ứng trên 1 tấn nông sản sạch, với giá cao hơn thị trường từ 30 - 35%, giúp thành viên nâng cao thu nhập.

Còn tại xã Đạ Ròn, HTX nông nghiệp Thiện Thanh là một trong những điển hình về hiệu quả hoạt động trong sản xuất nông nghiệp của huyện Đơn Dương và là một đơn vị có mô hình nhà kính hiện đại, mang tính ưu việt cả về giá trị kinh tế và an toàn sinh thái.

HTX đã được UBND TP Đà Lạt cấp quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành” cho các sản phẩm rau sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP có hiệu lực trong 3 năm.

Về sản xuất, trước những đòi hỏi của thị trường, 100% thành viên HTX sử dụng phân vi sinh để bón cho cây trồng, hình thành thói quen ghi chép sổ nhật ký sản xuất, tuân thủ thời gian cách ly sau khi phun thuốc bảo vệ thực vật trong danh mục quy định.

“Vào HTX, việc sử dụng phân hóa học, phân chuồng tươi được loại bỏ, các hộ được hướng dẫn thực hiện theo quy trình sản xuất rau VietGAP, đầu tư nhà kính, hệ thống tưới nhỏ giọt để sản xuất giúp hiệu quả tăng mạnh”, một thành viên HTX chia sẻ.

Trong chiến lược phát triển kinh tế tập thể, HTX thời gian tới, huyện Đơn Dương cũng xác định ưu tiên xây dựng mô hình HTX nông nghiệp với nhiều hình thức liên kết, hợp tác đa dạng, khép kín từ quy trình sản xuất đến sơ chế, chế biến, tiêu thụ trên thị trường. Đồng thời, đẩy mạnh sản xuất ứng dụng công nghệ cao theo hướng thông minh gắn với xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, đóng góp thiết thực vào kết quả phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương.

Sớm tăng tốc sau bước khởi đầu

Đơn Dương là huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Lâm Đồng và của cả khu vực Tây Nguyên. Được Chính phủ chọn làm mô hình điểm xây dựng huyện nông thôn mới kiểu mẫu về nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo hướng thông minh, từ năm 2018, huyện Đơn Dương đã bắt tay triển khai thực hiện, tiến hành chuyển đổi cơ cấu cây trồng, diện tích canh tác kém hiệu quả sang sản xuất cây rau, hoa thương phẩm…

Đơn Dương xây dựng huyện nông thôn mới kiểu mẫu về nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo hướng thông minh (Ảnh: TL)

Giai đoạn 2019 - 2021, huyện Đơn Dương đã đầu tư trên 17 tỷ đồng xây dựng 90 hệ thống tưới thông minh; 46 hệ thống tưới chậm phân tự động; 7 trạm quan trắc thời tiết; 2 hệ thống quản lý vi khí hậu IoT trong nhà kính, nhà màng; 13 hệ thống máy sấy rau, củ, quả sau thu hoạch; hỗ trợ xây dựng 11 chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm… Trong 3 năm, huyện cũng đã thành lập mới 12 HTX nông nghiệp, nâng tổng số 28 HTX, 19 tổ hợp tác hoạt động trong lĩnh vực này.

Lãnh đạo UBND huyện Đơn Dương cho biết, qua 3 năm triển khai thực hiện Đề án thí điểm xây dựng huyện nông thôn mới kiểu mẫu về nông nghiệp công nghệ cao theo hướng thông minh, toàn huyện đã có hơn 11.000 ha rau, hoa ứng dụng công nghệ cao (chiếm 94,3% diện tích đất canh tác toàn huyện); giá trị sản xuất nông nghiệp đạt 220 triệu đồng/ha/năm; giá trị thu nhập từ sản xuất rau, hoa ứng dụng công nghệ cao đạt từ 250 - 300 triệu đồng/ha/năm…

Mục tiêu đến năm 2025, Đơn Dương phấn đấu được công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu về nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo hướng thông minh. Cụ thể, 100% số xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Toàn huyện có 95% diện tích đất sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi bò sữa được ứng dụng công nghệ cao theo hướng thông minh. Trong đó, có ít nhất 10 mô hình doanh nghiệp, trang trại sản xuất nông nghiệp theo hướng thông minh, đạt giá trị thu nhập bình quân từ 240 - 250 triệu đồng/ha. Thu nhập bình quân đạt 120 triệu đồng/người/năm.

Giải pháp đầu tiên trong giai đoạn 2022 - 2025 của huyện nông thôn mới kiểu mẫu sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo hướng thông minh của Đơn Dương là tiếp tục nâng cao năng lực dự báo và quản lý sản xuất theo kế hoạch; thực hiện quy trình canh tác về cải tạo đất, luân canh, chuyển đổi cây trồng, phòng, chống dịch hại; kiểm soát chặt chẽ chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, tăng năng suất cây trồng, giảm tổn thất sau thu hoạch.

Đồng thời, thực hiện hiệu quả chương trình, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp; tăng cường chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật, ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ vật liệu mới, công nghệ sinh học sản xuất các giống cây trồng, giống vật nuôi có năng suất và chất lượng cao.

Giải pháp tiếp theo là vận động HTX, tổ hợp tác nông nghiệp tăng cường ứng dụng công nghệ cao theo hướng thông minh với nhiều hình thức liên kết, hợp tác đa dạng, hình thành các chuỗi giá trị gắn sản xuất với bảo quản, chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Bên cạnh đó, đẩy mạnh xúc tiến thu hút đầu tư xây dựng hạ tầng thương mại; xây dựng nhãn hiệu hàng hóa và chỉ dẫn địa lý đối với các loại sản phẩm đặc trưng; quảng bá các sản phẩm nông sản được sử dụng độc quyền nhãn hiệu “Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành”…

Đức Nguyễn

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//mo-hinh/cong-nghe-cao-tao-da-but-pha-xay-dung-huyen-nong-thon-moi-kieu-mau-1088860.html