Công nghệ chọn 'nóc'

Cách đây 26 năm, trên Báo Đại đoàn kết số ra ngày 3/3/1990 đã đăng bài viết của Tổng Bí thư BCH Trung ương Đảng Nguyễn Văn Linh: “Cái nóc”.

Bài báo có đoạn: “Giải quyết nội bộ xuất hiện lần đầu chỉ ở cơ quan lãnh đạo bên trên, vì “nhà dột từ nóc” nếu nhanh chóng trở thành phổ biến xuống đến các cơ quan lãnh đạo bên dưới, “vùng cấm” tràn lan đâu cũng có “vùng cấm” không được phê bình, đụng chạm, trong Đảng đương nhiên xuất hiện những “siêu đảng viên” hàng chục năm chẳng phải tự phê bình, tự kiểm điểm nhưng khen ngợi, tâng bốc thì quá nhiều, quá đáng cùng với tuyên dương, đề bạt”.

Nguyên Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng.

Bài báo viết tiếp: “Đây là thứ đặc quyền, đặc lợi tệ hại nhất làm cho nhiều cán bộ lãnh đạo chẳng cần học tập, nâng cao năng lực lãnh đạo, trau dồi đạo đức vẫn bình chân như vại, giữ hết chức vụ chủ chốt này đến chức vụ chủ chốt khác, chỉ thấy có lên không có xuống, có người năng lực lãnh đạo, quản lý và tư cách đạo đức rất hạn chế lại giữ những mấy chức vụ quan trọng”.

Cho đến nay xem lại bài báo này nó hoàn toàn phù hợp với thực tế nhiều nơi ở nước ta. Trường hợp của nguyên Bí thứ Ban cán sự đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng là một ví dụ điển hình.

“Nhà dột từ nóc dột xuống”. Cái nóc nhà mà hỏng thì phải dỡ ra thay nóc mới, lợp lại từ trên. Cái nóc của mỗi gia đình là người chủ nhà. Cái nóc của mỗi gia đình mà hỏng thì vợ con cũng khó bề yên ổn, trụ vững. Còn trong một một đất nước, một địa phương, một tổ chức, cơ quan, đơn vị đều có một người đứng đầu hay còn gọi là nguyên thủ hay thủ trưởng. Người đứng đầu mà hư hỏng, bất chính thì “hạ tắc loạn”.

Chính vì “cái nóc” quan trọng thế cho nên trong nhiều nghị quyết văn bản pháp quy, Đảng, Nhà nước ta đã nói nhiều về “người đứng đầu”.

Cách đây mấy năm, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành hẳn một Nghị định quy định chế độ trách nhiệm đối với người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị của Nhà nước trong thi hành nhiệm vụ, công vụ.

Thế nhưng, cho đến nay, vấn đề quy rõ trách nhiệm, quyền hạn cũng như xử lý kỷ luật đối với người đứng đầu vẫn đang là một trong những vấn đề có nhiều khó khăn, vướng mắc, bất cập.

Nghị quyết Đại hội XII của Đảng chỉ rõ: “Việc sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các quy định của Đảng và Nhà nước theo hướng đề cao hơn trách nhiệm và quyền hạn của người đứng đầu trong mối quan hệ giữa tập thể và cá nhân chưa thực hiện được”.

Chính vì thế “cái nóc” ở nhiều nơi vẫn bị sâu mọt, mục nát, hư hỏng và việc chọn “nóc” vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập. Kinh nghiệm từ trong thực tế, khi người đứng đầu vi phạm kỷ luật Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước cho thấy:

Việc phân cấp quản lý người đứng đầu cán bộ còn bất cập. Theo quy định, người đứng đầu, dù ở cấp độ hay phạm vi nào đó đều do “cấp trên” quản lý và có quyền quyết định nhận xét, đánh giá, khen thưởng, kỷ luật...

Tuy nhiên do nhiều nguyên nhân, cách quản lý này ra “kẽ hở”, thậm chí là lỗ hổng để lọt người, lọt tội, lọt khuyết điểm, thậm chí có sự bao che của cấp trên đối với cấp dưới.

Bản thân tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị, nơi người đứng đầu sinh hoạt đảng, sinh hoạt chuyên môn không có quyền quyết định một vấn đề gì đối với người đứng đầu của mình mà chỉ có quyền kiến nghị lên “cấp trên”.

Nếu người đứng đầu không gương mẫu, tự giác tự phê bình trước chi bộ đảng, hoặc cơ quan, đơn vị thì đảng viên, quần chúng của cơ quan, đơn vị cũng không có thẩm quyền, tư cách và không dám mạnh dạn chỉ ra những yếu kém, khuyết điểm người đứng đầu của mình.

Còn lãnh đạo “cấp trên”, nếu không khách quan, công tâm, không sâu sát chịu khó lắng nghe ý kiến của cán bộ, đảng viên, quần chúng, nhân dân nơi người đứng đầu công tác, cư trú thì rất dễ dàng “OTK” hợp thức hóa, thậm chí bao che, “nhẹ tay” trước những khuyết điểm, tội lỗi của người đứng đầu dù có được cấp dưới phát hiện, tố cáo.

Hiện nay, việc công khai, minh bạch thông tin cần thiết, đơn giản về người đứng đầu còn thiếu và ít công khai, minh bạch. Ở nhiều tổ chức, cơ quan, đơn vị, vì là do “cấp trên” quản lý đánh giá, nhận xét, cho nên người đứng đầu ít khi tự kiểm điểm, phê bình trước toàn thể cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động.

Các thông tin về người đứng đầu như vợ, chồng, con, cháu, tài sản, nhận xét, đánh giá của cấp trên, của chi ủy, tổ dân cư nơi cư trú cũng không mấy khi được công khai minh bạch trước cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động, thậm chí nhiều khi những vấn đề này được coi là “bí mật” đời tư, là vấn đề “nhạy cảm”.

Người dân nơi người đứng đầu cư trú nhiều khi cũng không biết người đứng đầu đó làm ở đâu, làm nghề gì, chức to hay chức nhỏ vì nhiều lý do, nhiều người đứng đầu ít quan hệ với cộng đồng dân cư.

Tình trạng “cán bộ to có nhiều biệt thự nhỏ” ở nhiều nơi; hay hộ khẩu một nơi, ở một nơi, thường xuyên đi công tác, không mấy khi ở nhà, ít liên hệ với cấp ủy, quần chúng, nhân dân nơi cư trú cũng là kẽ hở trong quản lý người đứng đầu ở nơi này, nơi khác.

Ai dám phê bình người đứng đầu của mình? Đây là câu hỏi không dễ tìm ra câu trả lời trong điều kiện hiện nay. Dân gian thường có câu “đấu tranh, tránh đâu” hay trong nhiều điều cấm kỵ được đúc kết từ cuộc sống có điều cần ghi nhớ là “không tố cáo cấp trên”.

Xưa nay việc phê bình, tố giác người đứng đầu là một việc “cực chẳng đã” cho nên không mấy khi nội bộ cơ quan phát hiện, tố cáo thủ trưởng của mình.

Do người đứng đầu thường được bầu lên hoặc cấp trên bổ nhiệm, nắm “quyền sinh, quyền sát” thậm chí có “ô, dù” bảo vệ rồi cho nên rất ít cấp dưới có gan nói thẳng, nói thật những khuyết điểm, thiếu sót, sai phạm của thủ trưởng. Chính vì thế, việc phê bình người đứng đầu chủ yếu là “mưa phùn, gió nhẹ”, khen vẫn là chủ đạo.

Bởi vì nếu có ai đó thật thà phê bình, tố cáo người đứng đầu thì “chờ được vạ thì má đã xưng” và “quan” thì “ở xa” mà “bản nha thì gần”...

Thời gian gần đây, nhiều vấn đề nổi cộm, bức xúc về cán bộ và công tác cán bộ, trong đó không ít vụ việc liên quan đến người đứng đầu, nhưng nhiều người đứng đầu vẫn vô can, thậm chí còn được luân chuyển để thăng tiến.

Nhiều bài học được rút ra hoài nhưng công tác cán bộ nói chung và quy trình chọn người đứng đầu nói riêng hình như chưa có giải pháp căn cơ, hữu hiệu.

Nhưng có một “bảo bối”, một “công nghệ chọn nóc” cực kỳ chuẩn xác mà các cơ quan chức năng hầu như chưa sử dụng. Đó chính là sức mạnh và trí tuệ của quần chúng nhân dân.

Đảng ta là đảng cầm quyền. Nhà nước ta là Nhà nước của dân, do dân và vì dân. Vậy tại sao Đảng chưa thật sự dựa vào dân để lựa chọn chính đội ngũ cán bộ, những “công bộc”, “đầy tớ” của mình?

Dựa vào dân để lựa chọn “nóc”. Từ lâu Bác Hồ đã chỉ ra rằng: “Tin vào dân chúng. Đưa mọi vấn đề cho dân chúng thảo luận và tìm cách giải quyết. Chúng ta có khuyết điểm, thì thật thà thừa nhận trước mặt dân chúng. Nghị quyết gì mà dân chúng cho là không hợp thì để họ đề nghị sửa chữa. Dựa vào ý kiến của dân chúng mà sửa chữa cán bộ và tổ chức của ta”.

Vũ Lân

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tham-vanphan-bien/cong-nghe-chon-noc/131236