Công nghệ cũ - "thủ phạm" chính phung phí điện

- Để làm ra một tấn thép, các nhà máy của Việt Nam tiêu thụ năng lượng gần gấp ba lần mức tiêu hao năng lượng trung bình của thế giới. Giữa lúc chúng ta đang phải “ăn đong” điện từng ngày, thì sự phung phí trên lại đang xảy ra ở mọi ngành kinh tế từ sản xuất công nghiệp, xây dựng dân dụng cho đến giao thông vận tải…

“Ngốn” điện gần gấp đôi khu vực Các doanh nghiệp trong nước quá phung phí năng lượng. (Ảnh minh họa: Phan Hùng) Theo tính toán của Bộ Công Thương, để tăng được 1 đồng GDP, nhu cầu năng lượng của Việt Nam phải tăng trưởng gấp đôi, trong khi tỷ lệ tương ứng của các nước phát triển chưa tới một. Con số đó cho thấy, dù nền kinh tế nước ta đang phải gồng mình vì thiếu năng lượng mà điển hình là điện thì các nhà sản xuất lại quá phung phí. Theo ông Nguyễn Đình Hiệp, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương, so với thế giới, hiệu suất sử dụng năng lượng trong sản xuất công nghiệp của Việt Nam rất thấp. Cụ thể, hiệu suất sử dụng năng lượng trong các nhà máy điện đốt than, dầu chỉ đạt 28-32%, thấp hơn 10% so với các nước khác, hiệu suất của các lò hơi công nghiệp cũng chỉ đạt khoảng 60% thấp hơn mức trung bình của thế giới khoảng 20%... Năng lượng tiêu hao cho một đơn vị sản phẩm các ngành công nghiệp chính của Việt Nam cũng cao hơn nhiều nước phát triển, nhất là trong công nghiệp thép và xi măng. Chẳng hạn để làm ra 1 tấn thép từ nguyên liệu quặng, các nhà máy Việt nam cần tới 13 triệu Kcal, gấp 3 lần mức tiêu hao năng lượng của thế giới. Thậm chí, chỉ so sánh với “hàng xóm”, cường độ năng lượng trong công nghiệp của Việt Nam đã cao hơn Thái Lan và Malaysia từ 1,5-1,7 lần. Như vậy để làm ra cùng một giá trị sản phẩm như nhau, sản xuất công nghiệp của ta “ngốn” năng lượng gần gấp đôi. Đáng nói là đối tượng này lại tiêu thụ tới 50% lượng điện thương phẩm và phần lớn các nguồn năng lượng khác. “Trước nay, có cách hiểu sai về tiết kiệm năng lượng khi cứ cho rằng “lỗi” tại chiếu sáng, tôi thấy chính các tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp mới là các thủ phạm phung phí điện nhất”, TS. Nguyễn Văn Khải, Giám đốc Trung tâm Tư vấn tiết kiệm năng lượng khẳng định. Hiệu suất thấp vì công nghệ lạc hậu Giai đoạn 2010-2020, Việt Nam có thể phải đối mặt với nguy cơ nhập khẩu năng lượng. (Ảnh: VNN) Dù hội tụ gần như đủ các nguồn năng lượng nhưng với tốc độ khai thác, sử dụng lãng phí như hiện nay cộng thêm nhu cầu năng lượng tăng 8%/năm, Bộ Công Thương dự báo có thể ngay trong giai đoạn 2010-2020, Việt Nam sẽ chuyển thành nước nhập khẩu và phụ thuộc năng lượng nhập khẩu. Giải pháp không tốn kém, có thể thực hiện ngay là tiết kiệm năng lượng bởi theo tính toán của Bộ Công Thương, chi phí bỏ ra tiết kiệm 1kWh điện năng thấp hơn nhiều chi phí đầu tư sản xuất ra 1kWh điện. “Dư địa” tiết kiệm năng lượng trong sản xuất lại còn rất nhiều. Xi măng, thép, sành sứ, đông lạnh, hàng tiêu dùng,… có thể tiết giảm trên 20%, xây dựng dân dụng, giao thông vận tải có thể giảm lãng phí năng lượng đến trên 30%… Thế nhưng trở về từ chuyến đi khảo sát các tỉnh và hàng loạt khu công nghiệp tuần trước, TS. Nguyễn Văn Khải thất vọng cho biết tình trạng phung phí năng lượng trong sản xuất diễn ra rất phổ biến bởi rào cản tư duy từ chính các doanh nghiệp. “Tôi đến 1 nhà máy đang phải trả tới 75 triệu tiền điện/tháng, tôi có thể chỉ ra cách cải tiến để tiết kiệm 1-2 triệu tiền điện/ngày. Nhưng họ không thực hiện vì cho rằng máy móc thiết bị đã mua không thể bỏ được, nhà xưởng đã xây xong không muốn sửa”, ông Khải than phiền. Theo ông Khải, bên cạnh những bất hợp lý trong kiến trúc, tổ chức sản xuất, sử dụng thiết bị khiến thất thoát năng lượng, việc sử dụng công nghệ lạc hậu, tiêu hao nhiều năng lượng là lý do cơ bản. Theo một thống kê chưa đầy đủ, có đến 50-60% doanh nghiệp đang sử dụng công nghệ đời cũ bao gồm cả những dây chuyền mới mua nhưng thực tế đã lạc hậu về mặt công nghệ. “Tôi cho rằng cái cốt yếu là đổi mới ngay từ tư duy nhập khẩu mua máy móc, thiết bị. Các doanh nghiệp nhà mình thường tham rẻ mà quên rằng tiết kiệm được một đồng trước mắt là lãng phí hàng ngàn đồng về sau”, ông Khải cảnh báo. Đây là khuyến cáo rất cần thiết trong bối cảnh không ít doanh nghiệp Việt Nam đang đua nhau nhập máy móc, thiết bị và công nghệ giá rẻ nhưng “hao xăng, tốn điện” và ô nhiễm môi trường từ Trung Quốc. Các nhà máy xi măng, thép gần đây vẫn còn là những ví dụ “tươi nguyên” về cái sự “rẻ mà đắt” này. Phan Hùng Ý kiến phản hồi của độc giả Bravo bài viết của tác giả Phan Hùng và cảm ơn những minh chứng cụ thể của TS Khải. Còn đợi chờ gì nữa? Thiết nghĩ đã đến lúc cần phải xóa bỏ sự nâng đỡ thái quá cho những tập đoàn kinh tế nhà nước kém hiệu quả và tiêu tốn điện năng này. (Lê Thu Hà, Địa chỉ: Hà Nội, E-mail: thuhalefa@...) Bài toán năng lượng của VN đã có đầu bài từ rất lâu. Tôi nhớ, hầu như năm nào, các trường kỹ thuật cũng có đề tài này của nhiều sinh viên khi tốt nghiệp và các bộ ngành thì khi nào cũng nhắc tới. Còn các DN thì không bao giờ bỏ qua khi hình thành và cả khi phê duyệt giá thành sản phẩm hàng kỳ, thậm chí đến từng tháng. Nhưng vì sao các tập đoàn vẫn trang bị "đồ cổ" tiêu hao nhiều năng lượng như vậy? Các cơ quan quản lý nên trả lời rõ ràng vấn đề này và cần có giải pháp ngay để xử lý. Chế tài về vấn đề này đã có nhiều rồi. Chỉ thiếu thực thi xử lý mà thôi. (Lehung, Địa chỉ: Quang Binh, E-mail: xoviet@...) Tôi rất hoan nghênh tác giả bài viết đã kê đơn bắt mạch đúng hiệu quả sử dụng điện của các tập đoàn, cũng từ đó đánh giá chính xác về giá thành và hiệu quả của các tập đoàn kinh tế. Nói cách khác chúng ta cần phải thay đổi quan niệm về sản lượng hay mức tăng trưởng với những khái niệm chung chung chưa thể phản ánh hết được hiệu quả của các tập đoàn nói riêng hay mở rộng ra là chính nền kinh tế của chúng ta. Chỉ có hiệu suất cao trong sản xuất và kinh doanh mới là con đường vươn lên mạnh mẽ nhất của Việt Nam trong bối cảnh cạnh tranh với các nền kinh tế khác trong khu vực. Việc tiết kiệm chi phí sẽ là nhân tố chính và đặc biệt quan trọng trong việc giảm giá thành cũng như giảm lạm phát. Có thể các con số thống kê như tác giả bài báo đã đề cập cần được kiểm chứng, nhưng tôi vẫn cho rằng quan điểm của bài báo là rất đáng được hoan nghênh và xem xét kỹ lưỡng. Chúng ta, những doanh nghiệp, tập đoàn Việt Nam và mỗi công dân Việt Nam cần phải hiểu doanh số không thể là mục tiêu, mà hiệu quả kinh doanh mới là thước đo chính xác của một doanh nghiệp. Nói một cách khác giá trị gia tăng của doanh nghiệp hay tập đoàn có mang lại lợi ích cho nền kinh tế và xã hội cần phải quan tâm tới giá trị nộp thuế thu nhập doanh nghiệp là bao nhiêu. Và đó mới là thước đo về sự thành công hiệu quả của doanh nghiệp. Mà để làm được như vậy việc tiết kiệm chi phí nâng cao lợi nhuận là vấn đề sống còn, việc giảm chi phí tiêu hao năng lượng khi sản xuất ra một đơn vị sản phẩm là cực kỳ quan trọng và đó cần phải " việc cần làm ngay " khi kinh tế đang trong khủng hoảng như hiện nay. (Nguyễn Dương Huy, Địa chỉ: 178/1/24 Thái Hà, HN, Email: getmanco@...) Nguyên nhân rất rõ: Mua trang thiết bị công nghệ cũ kỹ mà nước ngoài đã khấu hao hết về xây lắp cho các nhà máy. Giá thực rẻ nhưng giá mua đắt. Đây là bài toán khó cho việc xây dựng các tập đoàn kinh tế. Rất khác cơ bản với các cheabol Hàn Quốc. (Thanh Nam, Địa chỉ: TP.HCM, E-mail: halong@...) Tôi đồng ý là tiết kiệm năng lượng hiện là tình huống cấp bách mà mọi người dân cần phải tham gia, nhưng về cách quản lý và đầu tư của các thành phần có liên quan cần phải xem lại. (Lê Ngọc Là, Địa chỉ: Quận 4, TP.HCM, E-mail: la@...) Bài viết quá hay, ý kiến của TS Nguyễn Văn Khải quá hay! Lâu nay, ta quên mất câu của các cụ cha ông ta xưa đã dạy: "Đắt tuyệt đối, rẻ tương đối". Trong khi toàn xã hội đang thiếu điện và Chính phủ đang nỗ nực thực thi chính sách tiết kiệm điện thì các tập đoàn kinh tế đáng ra phải là nơi thực hiện nghiêm chính sách này thì lại phung phí điện một cách ghê gớm. (Nguyễn Phúc Uyên, Địa chỉ: TP Hải Dương, E-mail: uyennp@...) Thật vậy, sự phát triển nào cũng có tính hai mặt của nó. Mà phung phí điện là một tác nhân khôn lường. Có thể nói đã đến lúc cần phải xem lại vấn đề này, bởi vì chúng ta đã bảo hộ cho các Tập đoàn quá nhiều, vì vậy kết quả của ngày hôm nay là do sự dung túng của chúng ta mà ra. (Võ Vĩnh Viễn, Địa chỉ: Hau Giang, E-mail: vinhvien@...) Tôi nhất trí với cách đánh giá của tác giả, phải có sự nhất trí cao về quan điểm này để đi đến coi tiết kiệm điện là tiêu trí cơ bản trong việc xây dựng các đề án phát triển kinh tế xã hội. Cơ quan quản lý nhà nước phải thực thi nghiêm túc vấn đề này . (Le Thi Hoa, Địa chỉ: Sao Đỏ, Chí Linh, Hải Dương, E-mail: H@...) Cảm ơn bài viết: Tập đoàn kinh tế "Thủ phạm" chính phung phí điện của Phan Hùng! Đã có rất nhiều cuộc thi trên các phương tiện thông tin đại chúng về tiết kiệm điện, nhưng ngay cả bài đạt giải cao cũng chưa nêu được bản chất - nguyên nhân chính của việc hao tốn điện năng. Bài viết của Phan Hùng đã "vạch trần", khẳng định chắc chắn như đinh đóng cột, có đầy đủ cơ sở chứng minh cho kết luận của mình. Bản thân, qua bài viết, tôi được nâng cao sự hiểu biết của mình về việc quản lý như thế nào, thực hiện như thế nào cho đúng. (Ngô Việt Bách, Địa chỉ: Huyện ủy Ân Thi, E-mail: ngovietbach51@...) Sự lãng phí trong sử dụng điện như vậy không phải đến bây giờ mới biết. Mọi người ai cũng biết, chỉ có điều không ai thực hiện. Theo tôi, để tiết kiệm tài nguyên quốc gia và từng bước "ép" các "ông lớn" ngốn nhiều điện này, nên chăng Bộ Công Thương hoặc Bộ TN&MT chủ trì, làm đề tài khoa học về thiết lập hệ số K tiêu thụ năng lượng cho từng ngành, theo từng năm (và giảm dần về =1 so với mức tiêu thụ năng lượng bình quân của khu vực). Doanh nghiệp nào không đạt được tỉ lệ tiêu thụ năng lượng thì phải mua điện giá cao... Chỉ có như vậy thì các Tập đoàn mới chịu để ý đến tiết kiệm năng lượng. Rất cảm ơn bài viết của bạn Phan Hùng. Bài viết có lẽ là một lời cảnh báo cho mọi người và là niềm hi vọng còn được sử dụng năng lượng của thế hệ mai sau. (Quỳnh Trang, Địa chỉ: Biên Hòa- Đồng Nai, E-mail: drugmr@...) Đến giờ này tôi mới hiểu, tại sao giá thành sản phẩm lại cao đến như thế! (Hồ Đình Hùng, Địa chỉ: Bình Phước, E-mail: hohungbpc@...)

Nguồn VietnamNet: http://vietnamnet.vn/kinhte/2009/06/854542/