Công nghệ đá phiến Mỹ sẽ vượt mặt Nga vào năm 2050

Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) nhận định sản lượng dầu đá phiến của Mỹ sẽ vượt cả dầu và khí đốt của Nga vào năm 2050.

Trong báo cáo mới nhất, IEA đã dự báo giảm thị phần của Nga trong thị trường năng lượng thế giới.

Mỹ sẽ đẩy lùi ngành khai thác dầu khí Nga vào năm 2050.

Theo đó, sản xuất năng lượng bằng công nghệ trên đá phiến của Mỹ "đang trên đường vượt qua sản lượng của toàn bộ ngành dầu khí của Nga vào năm 2025".

IEA lạc quan về triển vọng của cuộc cách mạng đá phiến Mỹ thay đổi sự thống trị của Nga và OPEC trên thị trường năng lượng thế giới. Dẫu vậy, IEA cũng cảnh báo Mỹ cần có nhiều biện pháp hơn nữa song song với phát triển năng lượng trên đá phiến để ngăn chặn một thảm họa khí hậu.

"Sản lượng từ khai thác trên đá phiến của Mỹ duy trì cao hơn trong thời gian dài hơn dự kiến trước đó, định hình lại thị trường toàn cầu, dòng chảy thương mại và an ninh" - báo cáo đánh giá của IEA nêu rõ.

Báo cáo đánh giá, nếu các Chính phủ áp dụng tất cả các chính sách năng lượng mà họ đã cam kết, thì Mỹ sẽ chiếm 85% mức tăng sản lượng dầu toàn cầu đến năm 2030 và tăng 30% lượng khí đốt. Đến năm 2025, tổng sản lượng đá phiến của Mỹ (dầu khí) đã vượt qua tổng sản lượng dầu và khí đốt từ Nga.

Sự bùng nổ của công nghệ đá phiến đã giúp Mỹ trải qua thời điểm hưng thịnh vào năm ngoái, dẫn đầu thế giới về sản lượng khí đốt thiên nhiên.

Sự tăng trưởng của sản lượng năng lượng Mỹ cũng sẽ đánh bật sự thống trị của Nga và Trung Đông trong thị trường năng lượng toàn cầu. IEA dự đoán tỷ lệ năng lượng do Nga sản xuất và OPEC sẽ giảm xuống 47% vào năm 2030, giảm từ 55% vào giữa những năm 2000.

Nga hiện đang bơm ra khoảng 11 triệu thùng dầu mỗi ngày, chiếm 11% sản lượng thế giới. Đầu năm nay, Nga và Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đã ký một thỏa thuận nhằm hạn chế sản xuất năng lượng của Nga và các nhà sản xuất lớn nhất của OPEC như Saudi Arabia và Iraq nhằm ổn định giá cả.

Sự lớn mạnh của thị trường năng lượng Mỹ trong tương lai có thể khiến giá cả tiếp tục giảm xuống và ảnh hưởng ngược lại đến các nhà khai thác Mỹ. Chi phí khai thác bằng công nghệ đá phiến thực sự chưa đủ thấp để chấp nhận một kịch bản giá dầu thấp. Nếu Mỹ tiếp tục nhân rộng các giếng dầu của mình, họ chắc chắn sẽ phải cân nhắc về những tác động của thỏa thuận giữa Nga và OPEC trong tương lai.

Dẫu vậy, Mỹ lại không thực sự lạc quan giống IEA trong kịch bản thị trường năng lượng vào năm 2050.

Hồi tháng 9, Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết, Nga có thể sẽ vượt Mỹ trong sản xuất dầu và khí hóa lỏng vào năm 2050.

Báo cáo cho thấy, sản xuất dầu và khí hóa lỏng của các quốc gia ngoài OPEC sẽ tăng 23% từ 2018 đến năm 2050, đạt 59 triệu thùng/ngày vào năm 2050. Sự tăng trưởng nhanh chóng của dầu và khí hóa lỏng sẽ được thúc đẩy bởi Nga, Mỹ, Canada và Brazil.

Washington có thể tăng sản lượng dầu thô và khí hóa lỏng từ 11 triệu thùng/ngày vào năm 2018 lên mức 14 triệu thùng/ngày vào năm 2040 do sự tăng trưởng của ngành công nghiệp dầu đá phiến ở Tây Nam Mỹ.

Tuy nhiên, sản lượng này sẽ giảm dần trong chưa đầy một thập kỷ, giảm xuống mức 12,2 triệu thùng/ngày vào năm 2050 (bằng mức 2019-2020). Khi sự phát triển chuyển sang các khu vực kém năng suất hơn.

Trong khi đó, EIA xác định, Nga sẽ tăng tốc sản xuất dầu sau năm 2030 và sẽ tăng 2,3 triệu thùng/ngày vào năm 2050. Tính toán của EIA cho thấy, sản lượng của Nga sẽ phát triển ổn định, đạt 12,5 triệu thùng/ngày vào năm 2040. Nga có thể sẽ sản xuất thêm 500.000 thùng/ngày nữa để đạt 13 triệu thùng/ngày trong thập kỷ sau đó.

Điều đó cũng có nghĩa đến năm 2050, sản lượng dầu và khí hóa lỏng của Nga (13 triệu thùng/ngày) sẽ vượt qua Mỹ (12,2 triệu thùng/ngày).

Báo cáo mới nhất của EIA là minh chứng cho việc kinh tế Nga sẽ phụ thuộc ngày càng nhiều vào dầu mỏ và khí hóa lỏng, một trong những mục tiêu Tổng thống Nga Vladimir Putin đặt ra trong nhiệm kỳ 6 năm của mình, bắt đầu vào năm 2018.

Hải Lâm

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/cong-nghe-da-phien-my-se-vuot-mat-nga-vao-nam-2050-3391450/