Công nghệ giúp Trung Quốc kiểm soát sự lây lan của Covid-19

Trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp trên phạm vi toàn thế giới, Trung Quốc đã sử dụng phương thức khá độc đáo nhưng không kém phần hiệu quả để giúp kiểm soát sự lây lan của virus SARS-CoV-2 tại đất nước này.

Lịch trình hằng ngày của người dân Trung Quốc hiện giờ phụ thuộc vào một ứng dụng trên điện thoại thông minh. Rời nhà, đón tàu điện, đi làm, vào quán cafe, nhà hàng hay trung tâm mua sắm... tất cả hoạt động này đều phụ thuộc vào màu sắc hiển thị trên màn hình điện thoại của họ. Nghe thì có vẻ giống tình tiết của một bộ phim, nhưng đây thực sự là điều đang diễn ra với hàng trăm triệu công dân Trung Quốc trong bối cảnh nước này vẫn phải gồng mình chống lại dịch bệnh.

Theo CNN, dựa vào công nghệ di động và dữ liệu lớn (big data), Chính phủ Trung Quốc đã sử dụng hệ thống mã sức khỏe dựa trên màu sắc để kiểm soát việc di chuyển của người dân nhằm hạn chế sự lây lan của virus Corona chủng mới. Các mã phản hồi nhanh được tạo tự động, viết tắt là mã QR, được gán cho các công dân như là một chỉ số đại diện cho tình trạng sức khỏe của họ. Mã màu xanh nghĩa là được phép tự do đi lại mọi nơi. Màu hổ phách là cách ly 7 ngày và màu đỏ đồng nghĩa với việc phải cách ly 14 ngày.

 Mã vạch được xem như "giấy chứng nhận" cho tình trạng sức khỏe của công dân Trung Quốc. Ảnh: CNN.

Mã vạch được xem như "giấy chứng nhận" cho tình trạng sức khỏe của công dân Trung Quốc. Ảnh: CNN.

Chính phủ Trung Quốc đã dựa vào sự hỗ trợ của hai gã khổng lồ công nghệ-Alibaba (BABA) và Tencent (TCEHY)-để lưu trữ hệ thống mã y tế trên các ứng dụng điện thoại thông minh. Ứng dụng thanh toán di động của Alibaba có tên Alipay và ứng dụng nhắn tin Wechat của Tencent đều là các ứng dụng phổ biến ở Trung Quốc với hàng trăm triệu người sử dụng. Áp mã sức khỏe trên các nền tảng này sẽ giúp nhiều người dân có thể dễ dàng tiếp cận với phương thức kiểm soát dịch bệnh.

Mặc dù các cơ quan chức năng vẫn chưa đưa ra quy định bắt buộc đối với mã sức khỏe, nhưng tại nhiều thành phố, công dân không sử dụng ứng dụng này sẽ không thể rời khỏi khu vực sinh sống và tới các địa điểm công cộng. Chính vì thế, các mã vạch vuông vẫn được ví như "giấy chứng nhận" cho tình trạng sức khỏe của mỗi công dân. Để có được mã sức khỏe, công dân phải điền đầy đủ thông tin cá nhân trên trang đăng ký. Họ cũng được yêu cầu khai báo lịch trình di chuyển, khả năng tiếp xúc với bệnh nhân Covid-19 trong vòng 14 ngày cũng như các dấu hiệu sức khỏe bất thường. Sau khi thông tin được xác minh bởi các cơ quan chức năng, mỗi người dùng sẽ được gán mã QR bằng các màu sắc đại diện cho sức khỏe của họ.

Các mã sức khỏe này cũng giúp theo dõi sự di chuyển của người dân tại các khu vực công cộng vì họ sẽ phải quét mã QR nếu muốn đến khu vực đông người. Khi một người được xác định nhiễm Covid-19, các nhà chức trách có thể nhanh chóng nắm rõ những nơi bệnh nhân đã đến và xác định những người đã tiếp xúc với bệnh nhân.

Bên cạnh mã sức khỏe, nhiều ứng dụng thông minh khác trên điện thoại di động cũng giúp giới chức Trung Quốc theo dõi và kiểm soát được tình hình dịch bệnh, ví dụ dự án Cyber Brain of City do công ty trí tuệ nhân tạo Trung Quốc iFlytek phát triển. Ứng dụng này giúp các cơ quan hữu quan có được thông tin lịch trình của người dân, giám sát tình trạng của những người đang thực hiện cách ly tại nhà và ngăn việc tụ tập đám đông.

Thực tế, không riêng Trung Quốc mà nhiều quốc gia khác cũng áp dụng những công nghệ tương tự trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19. Tháng trước, Singapore đã ra mắt một ứng dụng theo dõi liên lạc mang tên "TraceTogether", cho phép các cơ quan chức năng xác định những người đã tiếp xúc gần với bệnh nhân Covid-19. Chính phủ Nhật Bản cũng đang xem xét việc áp dụng một ứng dụng tương tự. Trong khi đó, thủ đô Moscow của Nga mới đây đã chính thức tiến hành kiểm tra giấy phép đi lại bằng mã QR để kiểm soát dịch bệnh.

"Công nghệ hiện đóng một vai trò quan trọng trong việc ngăn chặn đại dịch. Để kiểm soát sự lây lan của virus, theo dõi liên lạc là bước cần thiết. Đây cũng là lý do tại sao các sáng kiến tương tự đang được áp dụng ở nhiều nơi trên thế giới", Xian-Sheng Hua, chuyên gia về trí tuệ nhân tạo (AI) của tập đoàn thương mại điện tử khổng lồ Alibaba Trung Quốc, trao đổi với CNN.

NGỌC HÂN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/doi-song-quoc-te/cong-nghe-giup-trung-quoc-kiem-soat-su-lay-lan-cua-covid-19-615917