Công nghệ khai thác 'vàng trắng'

Sản phẩm yến sào ở các đảo tại Khánh Hòa được ví như 'vàng trắng', với giá cao từ 100 – 230 triệu đồng/kg. Để khai thác những tổ yến nằm trên vách núi đá cheo leo thẳng đứng, những hốc hang sâu thẳm... giữa biển khơi mênh mông, là cả một quá trình kỳ công.

Bí ẩn “vàng trắng”

“Sản lượng yến sào tự nhiên của tỉnh Khánh Hòa đứng đầu cả nước, vụ vừa rồi đạt trên 3 tấn tổ yến. Công ty Yến sào Khánh Hòa đã tổ chức chế biến ra nhiều sản phẩm từ tổ yến, hiện có mặt khắp các tỉnh, thành trong cả nước và xuất khẩu ra nước ngoài. Hiện nay, các tỉnh như Quảng Bình, Quảng Ngãi, Phú Yên, Ninh Thuận... đang nhờ chuyên gia của Công ty Yến sào Khánh Hòa đến tư vấn, tổ chức, gây dựng đàn yến tại những đảo của các tỉnh này”, ông Lê Hữu Hoàng, Tổng Giám đốc Công ty Yến sào Khánh Hòa, bật mí. “Làm bằng cách nào để gây dựng bầy yến?”, tôi hỏi. Tổng Giám đốc Hoàng cho biết: “Trước đây, có rất nhiều hang, vách núi lộ thiên, gió, mưa giội vào trực tiếp, chim “sợ” nên ít làm tổ. Qua nghiên cứu, chúng tôi đã làm mái che nhân tạo chống mưa, chim thấy “êm”, đến làm tổ dày đặc. Mùa khai thác, công nhân phải dùng tre bắc giàn giáo bám theo vách núi để lấy tổ yến. Mọi động tác đòi hỏi người thợ phải vừa khéo léo, vừa gan dạ.

Chim yến làm tổ ở đảo Hòn Ngoại, TP Nha Trang, Khánh Hòa.

Chim yến làm tổ ở đảo Hòn Ngoại, TP Nha Trang, Khánh Hòa.

Thời gian vừa qua, công ty đã triển khai nhiều công trình nghiên cứu khoa học về đặc tính sinh học của chim yến, từ đó đưa ra những giải pháp gây dựng đàn yến trên từng đảo”. Cũng theo ông Hoàng, thời gian qua, số lượng đảo có yến làm tổ ở tỉnh Khánh Hòa tăng dần. Trước đây chỉ có 8 đảo và 42 hang có chim yến cư ngụ, bây giờ đã có 29 đảo và 143 hang có yến làm tổ. Riêng chuyện “gây dựng đàn yến”, ông Hoàng “đá” sang người khác: “Anh Cam là “chúa đảo”, rất giỏi khai thác yến sào ở đảo, có nhiều câu chuyện hay”.

Nghe lãnh đạo nói vậy, ông Võ Văn Cam chỉ tay lên vách núi có những đàn chim yến đang đu mình làm tổ, giải thích cụ thể: “Ban ngày, đa số yến bay lên vùng rừng núi Khánh Sơn, Khánh Vĩnh (Khánh Hòa), thậm chí bay lên Lâm Đồng tìm mồi, chiều tối mới bay về vách núi nghỉ. Lúc nào yến chuẩn bị đẻ trứng thì mới làm tổ. Chúng tôi đang “căn me” yến làm tổ xong là khai thác ngay”. “Nghe nói tổ chim yến làm từ nước bọt của nó?”, tôi thắc mắc. “Nước bọt sao làm được tổ? Chim yến ở giai đoạn gần đẻ, cơ thể tự sản sinh ra một tuyến nội tiết. Nói một cách dễ hiểu, nó giống như tuyến sữa của người phụ nữ chuẩn bị sinh. Chính chất này tiết ra mới làm nên tổ yến và có nhiều hàm lượng dinh dưỡng quí”.

Chất lượng tổ yến phụ thuộc theo độ dày hay mỏng, chẳng hạn loại “hàng quan” tổ to (90 - 100 tổ/kg), có xơ mướp (độ dày tại vị trí chim nằm đẻ); “hàng thiên” (100-120 tổ/kg) tổ không có xơ mướp; “hàng bài” tổ nhỏ nhất (140 - 150 tổ/kg). Còn loại “yến huyết” được xem là “hàng độc” giá 230 triệu đồng/kg. Ông Cam nói thêm về nguồn gốc “yến huyết”: “Có những con chim thích làm tổ ở trong hang động. Tại những chỗ đó, nước mưa thấm từ ngoài vào lòng núi, kết hợp với chất tổ yến gây phản ứng hóa học, tạo ra màu đỏ. Những phản ứng hóa học đó đưa vào kiểm nghiệm hóa lý thì không có độc, ngược lại, nó tăng thêm hàm lượng dinh dưỡng rất cao. Số lượng “yến huyết” rất ít, chỉ có một vài hang mới có “yến huyết”.

“Đội đặc nhiệm” theo dõi yến

Đặc tính sinh sản chim yến theo mùa, nếu như chim xây tổ, con người không khai thác thì nó ít xây lại tổ mới, nó cứ chui vào tổ cũ để đẻ. “Ngày xưa khai thác yến theo tập đoàn. Thợ khai thác làm việc hay “câu giờ”, mỗi năm chỉ khai thác được hai lần. Khai thác vụ đầu không kịp, kéo dài đến vụ sau, chim ít xây tổ”, ông Cam chia sẻ.

Bây giờ Công ty Yến sào Khánh Hòa lập ra “đội đặc nhiệm” chuyên theo dõi quá trình sinh sản và tổ chức khai thác tổ yến. Chim làm tổ xong nhưng chưa đẻ kịp, công ty tổ chức lấy tổ ngay, chim tiếp tục làm tổ lại, đợt sau cho chim đẻ trứng, nở con và khi trưởng thành bay đi, mới thu tổ. Ông Cam tâm sự: “Do không có tổ để đẻ, buộc chim phải tự kích thích cơ thể và xây tổ lần 2, lần 3 trong một chu kỳ sinh sản”.

Theo ông Cam, đây là một trong những nguyên nhân tăng sản lượng yến sào hàng năm. Qua nghiên cứu và thực tiễn khai thác yến sào ở tỉnh Khánh Hòa mấy chục năm qua, đã đúc rút ra nhiều kinh nghiệm quý giá. Hiện nay, các tỉnh Quảng Bình, Quảng Ngãi, Phú Yên, Ninh Thuận, Bà Rịa – Vũng Tàu... đang nhờ Công ty Yến sào Khánh Hòa cử những chuyên gia giỏi đến những hòn đảo của các tỉnh để nghiên cứu khí hậu, địa hình..., từ đó đưa ra phương án gây dựng bầy đàn, tổ chức khai thác mang tính khoa học hơn.

“Ở nhiều tỉnh, một số người đứng ra quản lý đảo yến không có kinh nghiệm về yến sào, phương pháp khai thác vẫn còn dạng tự phát. Đặc biệt chưa có biện pháp bảo vệ sự tác động trực tiếp đàn yến, từ các loại thú như: Chuột, rắn, cú mèo, chim cắt... Đây là những nguyên nhân khiến nhiều tỉnh trong cả nước chưa phát triển mạnh loại hình “vàng trắng” thiên nhiên ban tặng”, Tổng Giám đốc Lê Hữu Hoàng trăn trở.

Hải Luận

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/cong-nghe-khai-thac-vang-trang/